Phó giám đốc bệnh viện nói gì về loại thuốc giảm đau và sản phụ tử vong sau đó?

12/07/2019 - 12:39

PNO - Thấy thai phụ H. có cơn đau, nhân viên y tế tư vấn sử dụng thuốc giảm đau gây tê ngoài màng cứng. Khoảng 30 phút sau, thai phụ có những dấu hiệu bất thường dẫn tới tụt huyết áp, ngưng tuần hoàn.

Nghi tắc mạch ối?

Liên quan đến trường hợp mẹ tử vong bất thường, con nguy kịch khi sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, bà Nguyễn Thị Bích Thanh - Phó giám đốc bệnh viện này bày tỏ: không chỉ gia đình sản phụ mà bản thân bà cũng bất ngờ trước vụ việc. Bởi hơn 20 năm trong nghề, bà chưa gặp ca tai biến nào tử vong nhanh đến vậy.

Pho giam doc benh vien noi gi ve loai thuoc giam dau va san phu tu vong sau do?
 

Theo giải trình của Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh, sản phụ N.T.H., 33 tuổi, vào khoa Sản lúc 21g45 ngày 8/7 để chờ sinh, thai được 39 tuần. Sản phụ được bác sĩ khám và làm các xét nghiệm cần thiết trước khi đẻ. Sau khi xác định tình trạng sức khỏe của mẹ và thai nhi hoàn toàn bình thường, các bác sĩ chỉ định chị H. đẻ thường.

Đến 1g ngày 9/7, sản phụ mở tử cung được khoảng 3cm. 5 phút sau, sản phụ có cơn đau, kêu đau nhiều, co tử cung tần số 2, tim thai 140 lần/phút, tử cung mở được 3cm, ối còn, thai quay đầu.

Lúc này, nhân viên y tế tư vấn cho sản phụ và gia đình tiêm thuốc giảm đau gây tê ngoài màng cứng, gia đình đồng ý và ký vào giấy cam kết.

Khoảng 1g30, sản phụ có diễn biến bất thường. Kíp trực gồm hàng chục y bác sĩ tập trung cấp cứu cho sản phụ ngay tại phòng đẻ và tiến hành mổ lấy em bé - song song với quá trình cấp cứu.

Sau khi mổ bắt em bé thành công, kíp trực tiếp tục cấp cứu cho sản phụ. Khi sản phụ  H. có dấu hiệu tuần hoàn và huyết áp trở lại, khoảng 3g, Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh chuyển chị lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhưng sản phụ tử vong trên đường đi.

Pho giam doc benh vien noi gi ve loai thuoc giam dau va san phu tu vong sau do?
Phó giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh Nguyễn Thị Bích Thanh cho biết, hơn 20 năm làm nghề, bà chưa gặp ca tai biến nào tử vong nhanh như trường hợp của sản phụ H.

Phó giám đốc Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh cho hay, đến nay sản phụ H. vẫn được chẩn đoán ngừng tuần hoàn chưa rõ nguyên nhân. “Phía bệnh viện nghĩ nhiều tới nguyên nhân tắc mạch ối. Tuy nhiên, bệnh viện đang chờ Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế, kết quả xác minh của cơ quan điều tra và kết luận cuối cùng của pháp y mới có thể biết được nguyên nhân chính xác dẫn đến sản phụ tử vong”, bác sĩ Thanh nói.

Sau tiêm thuốc tê, sản phụ vẫn co duỗi được chân tay

Trả lời thắc mắc của gia đình về việc tại sao khi mổ bắt em bé không thông báo cho gia đình, không có bất cứ giấy tờ gì ký kết, bà Nguyễn Thị Bích Thanh cho biết: "Do diễn biến của sản phụ bất thường nên kíp trực lo tập trung lực lượng cứu người. Vì vậy, bác sĩ không kịp giải thích cho gia đình. Sau đó, bệnh viện cũng giải thích cho gia đình về vấn đề này".

Liên quan đến mũi tiêm 1,5 triệu đồng được các bác sĩ tiêm cho sản phụ H. chỉ nửa tiếng trước khi xảy ra sự cố, bà Thanh thông tin đó là thuốc Ropivacain kết hợp với thuốc Fentanyl. Đây là thuốc giảm đau được thực hiện khi có chỉ định chuyên môn và chỉ sử dụng khi gia đình có sự đồng ý.

“Thuốc ít ảnh hưởng đến tim mạch, ít ức chế vận động nên sản phụ vẫn có thể co duỗi chân tay. Một số tác dụng không mong muốn của thuốc giảm đau trong khi sinh gồm: giãn mạch, tụt huyết áp thoáng qua, bệnh nhân hơi run, buồn nôn nhẹ, đau đầu, đau tại vết tiêm”, bà Thanh nói.

Pho giam doc benh vien noi gi ve loai thuoc giam dau va san phu tu vong sau do?
Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh - nơi xảy ra vụ việc

Hiện Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh đã đình chỉ công tác toàn bộ kíp đỡ đẻ cho sản phụ H. để phục vụ công tác xác minh, làm rõ vụ việc. Con của sản phụ H. đang được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương và theo phía bệnh viện, sức khỏe của trẻ đã ổn định.

Trước đó, Báo Phụ Nữ TP.HCM thông tin gia đình chị N.T.H. vô cùng bức xúc trước cái chết đột ngột của chị khi đến Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh sinh con. Chị H. vốn là giảng viên của một trường thuộc Bộ Công an. Trước khi sinh, chị khỏe mạnh và được chỉ định đẻ thường.

Trong quá trình chờ sinh, chị H. được nhân viên bệnh viện gợi ý tiêm thuốc giảm đau dịch vụ với giá 1,5 triệu đồng/mũi. Ngoài chị H., 3 sản phụ khác đang chờ sinh cũng đồng ý tiêm thuốc giảm đau khi sinh nên cuối cùng chị gật đầu.

Tuy nhiên, trong quá trình chờ chị H. sinh, gia đình bất ngờ nhận được thông báo sản phụ nguy kịch, cần chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai. Sản phụ tử vong trên đường chuyển viện.

Trước cái chết bất thường của sản phụ H., gia đình chị đã đề nghị cơ quan chức năng làm rõ nguyên nhân sản phụ tử vong; đồng thời làm rõ quy trình mổ bắt trẻ và loại thuốc giảm đau mà phía bệnh viện đã tư vấn sử dụng.

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI