Phát triển nghề cá gắn với kinh tế biển “xanh”

15/05/2022 - 06:40

PNO - Ngày 12/5, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) và Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đã công bố báo cáo “Kinh tế biển xanh - Hướng đến kịch bản phát triển bền vững kinh tế biển”.

 

Một góc trang trại nuôi biển của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tại Vịnh Vân Phong - Ảnh Hải Lăng/
Một góc trang trại nuôi biển của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I tại Vịnh Vân Phong - Ảnh: Hải Lăng/baokhanhhoa.vn

Việc công bố này diễn ra trong khuôn khổ hội nghị quốc tế về kinh tế đại dương bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, do Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Na Uy đồng tổ chức.

Kinh tế biển “xanh” đang là xu hướng phát triển của thế giới, đặc biệt là các quốc gia có biển, không ngoại trừ Việt Nam. Báo cáo đã đưa ra các kịch bản bền vững trong phát triển kinh tế biển cho Việt Nam, trong đó, đáng chú ý là vấn đề ngư nghiệp. 

Theo báo cáo, Việt Nam có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản ở biển và ven biển. Việt Nam có gần 4,5 triệu lao động trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, chiếm khoảng 8% tổng số lao động toàn quốc.

Tuy nhiên, nếu không được quản lý tốt, nuôi trồng thủy sản có thể tạo ra các tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm hữu cơ, xâm nhập mặn. Thêm vào đó, việc đánh bắt bằng các ngư cụ kém chọn lọc làm suy giảm nguồn lợi thủy sản, suy giảm chất lượng hệ sinh thái và môi trường biển. 

Báo cáo chỉ ra, nếu thay đổi cách quản lý, phát triển một cách bền vững, trữ lượng nguồn lợi hải sản trong giai đoạn 2021 - 2030 sẽ được duy trì ở mức 4,365 triệu tấn/năm. Nếu không thay đổi, tiếp tục cách làm như hiện nay thì trữ lượng nguồn lợi hải sản giảm 1,36% mỗi năm. Do đó, cần giảm sản lượng đánh bắt thủy sản xuống mức sản lượng bền vững tối đa, tức khoảng 2,7 triệu tấn/năm, thông qua việc giảm sản lượng đánh bắt 2% mỗi năm. 

Bên cạnh đó, cần cắt giảm số lượng tàu đánh bắt gần bờ và ven bờ 5%/năm, xuống còn 40.000 tàu vào năm 2030, duy trì số lượng tàu xa bờ ở mức 30.000 tàu và không được phép tăng thêm trong vài năm tới. Số lao động đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản dự báo cũng giảm trong xu hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến vào nuôi trồng tự động hóa.

Tuy nhiên, báo cáo chỉ ra, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này sẽ được nâng cao chất lượng, kỹ năng quản lý, kỹ thuật đánh bắt, nuôi trồng để từ đó gia tăng năng suất lao động.

Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội toàn quốc đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng GDP quốc gia hằng năm được dự báo khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2020 - 2030. Báo cáo ước tính, nếu theo kịch bản thông thường, tức là không có sự thay đổi trong các chính sách để phát triển kinh tế “xanh”, nghề đánh bắt và nuôi trồng hải sản sẽ đóng góp vào GDP khoảng 1% vào năm 2030. Còn nếu theo kịch bản phát triển bền vững, con số này là 2,76%. 

Từ thực tế này, báo cáo khuyến nghị, các cơ quan quản lý nhà nước về biển cần xây dựng một chương trình dài hạn. Theo đó, khuyến khích các hoạt động kinh tế biển dựa trên công nghệ thân thiện với môi trường; phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng “xanh”, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển; tăng cường đào tạo nhân lực cho các hoạt động kinh tế biển, hình thành đội ngũ chuyên gia nghiên cứu chuyên sâu về các vấn đề phát triển kinh tế biển “xanh”. 

Việc xây dựng quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ phải được tổ chức tốt. Trên cơ sở quy hoạch được phê duyệt, cần tập trung ưu tiên đầu tư cho những dự án sử dụng công nghệ “xanh”, năng lượng sạch ở các vùng biển và ven biển.

Báo cáo khuyến nghị, Chính phủ nên khởi động một chương trình phát triển kinh tế biển “xanh”, trong đó xác định rõ một số dự án trọng điểm để tập trung thực hiện, định kỳ đánh giá, theo dõi hiệu quả trong việc thực hiện. 

 Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI