Phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ: Mỗi địa phương một kiểu

18/04/2013 - 18:10

PNO - PNO - Đông Nam bộ được đánh giá là vùng kinh tế năng động nhất của cả nước. Hạt nhân của vùng tập trung ở các tỉnh, thành phố TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngày 18/4, tại tỉnh Bình Phước, Bộ Công Thương phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước tổ chức hội nghị ngành công thương các tỉnh, thành phố Đông Nam bộ lần thứ 14 năm 2013.

Phat trien kinh te vung Dong Nam bo: Moi dia phuong mot kieu

Quang cảnh hội nghị

Đông Nam bộ được đánh giá là vùng có sự phát triển kinh tế ảnh hưởng đến cả nước. Đây là khu vực có vị trí thuận lợi cho phát triển kinh tế, nằm giữa khu vực Đông Nam Á, với hệ thống giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không thuận lợi cho giao lưu hợp tác với các nước trong khu vực và quốc tế. Là vùng dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu, vốn đầu tư nước ngoài, đóng góp 2/3 ngân sách và tỷ lệ đô thị hóa cao (50% so với cả nước). Trong đó, các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, BR-VT… đã phát huy thế mạnh theo cơ cấu kinh tế mở, liên kết kinh tế góp phần thúc đẩy công nghiệp và dịch vụ để tiếp tục tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững.

Mặc dù trong năm 2012, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp của TP.HCM vẫn tăng trưởng 5,1% , BR-VT 6,7%, Bình Dương 10,5% và Đồng Nai 7,44%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt 853.994 tỷ đồng, tăng 19,18% so với năm 2011 và chiếm tỉ trọng 36,7% so với cả nước; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 69,668 triệu USD, tăng 10,5%; kim ngạch nhập khẩu đạt 51.534 triệu USD, chiếm tỉ trọng 45,1% so với cả nước.

Trong những năm qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn vùng Đông Nam bộ đạt khá cao, bình quân 11%/năm. Tuy nhiên, kinh tế từng tỉnh phát triển chưa thật sự bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở một số tỉnh còn chậm; liên kết vùng còn nhiều bất cập, hiệu quả kém; sự phối hợp giữa các địa phương với nhau và với các bộ, ngành còn nhiều mặt chưa tốt…

Bên cạnh đó, còn có một số hạn chế gây khó khăn nhất định đối với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tình hình thị trường còn nhiều bất ổn, quá trình nâng cao giá trị sản phẩm của vùng chưa có chiều sâu, chất lượng sản phẩm hàng hóa, sự đa dạng mẫu mã, dịch vụ bán hàng chưa đáp ứng nhu cầu của người thị trường thế giới.

Theo nhiều đại biểu, việc giải quyết những yếu kém trong việc liên kết vùng để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư công nghiệp trong vùng Đông Nam bộ là quan trọng nhất. Theo ông Văn Đức Mười, Tổng GĐ Công ty Visan: tạo được sự liên kết chuỗi trong cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đồng thời thực hiện việc quản lý theo chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn là con đường tất yếu hướng đến sự phát triển bền vững trong sản xuất và phân phối. Liên kết cũng là cách tốt nhất để loại trừ những yếu tố bất ổn về cung cầu, giá cả, chất lượng hàng hóa, nhằm ổn định thị trường, đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế vùng Đông Nam bộ.

Việc xúc tiến thương mại cũng rất được quan tâm, mặc dù giá trị sản xuất công nghiệp của các tỉnh, thành trong vùng đều tăng, nhưng sự chênh lệch về giá trị sản xuất công nghiệp giữa các tỉnh trong vùng cũng rất lớn. Để thu hẹp khoảng cách này, cần phát huy lợi thế của từng địa phương để tăng cường phối hợp xúc tiến đầu tư công nghiệp. Trong đó, cần có định hướng và phân công sản xuất lại giữa các tỉnh trong vùng, tăng cường hơn nữa việc liên kết, phối hợp giữa các tỉnh trong việc xúc tiến đầu tư.
 

ĐẶNG ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI