Pháp: Tệ nạn bạo hành phụ nữ vẫn nghiêm trọng

29/10/2018 - 07:00

PNO - Năm 2012, dư luận Pháp chấn động về vụ bà Jacqueline Sauvage, 65 tuổi, sau 47 năm bị chồng bạo hành, đã bắn ba phát súng vào lưng chồng, khiến ông Norbert Marot thiệt mạng.

Phap: Te nan bao hanh phu nu van nghiem trong
Bà Jacqueline Sauvage

Bà Sauvage bị tòa án xử 10 năm tù giam. Cuối năm 2016, ở tuổi 69, bà Sauvage được tổng thống Pháp khi đó là ông François Hollande ân xá và trả tự do.

Người phụ nữ này đã trở thành biểu tượng cho các nạn nhân của bạo hành gia đình. Câu chuyện đau thương của bà cũng làm dấy lên nhiều tranh cãi và gây chia rẽ trong dư luận xã hội Pháp. Người thì coi bà là nạn nhân, người lại coi bà là thủ phạm. Cuộc đời bà đã được viết thành truyện và chuyển thể thành phim truyền hình. Diễn viên Muriel Robin là người đóng vai Jacqueline Sauvage.

Được phát sóng vào đầu tháng 10/2018 trên kênh TF1, bộ phim thu hút gần tám triệu khán giả. Đây là một kỷ lục đối với một bộ phim truyền hình Pháp kể từ năm 2015. Không chỉ là lời cảnh báo về nạn bạo hành phụ nữ, ẩn sau bộ phim còn là một thông điệp về tình yêu và tình người.

***

Theo số liệu thống kê chính thức gần đây của chính phủ Pháp, trong năm 2016, trung bình cứ ba ngày có một phụ nữ chết vì hành vi bạo lực của người đàn ông cùng chung sống hoặc chồng cũ, bạn trai cũ. Trong khi số đàn ông chết vì bị bạn đời bạo hành chỉ là 34 người, thì có tới 123 phụ nữ thiệt mạng và 255.000 phụ nữ khác là nạn nhân của bạo lực gia đình. Ba phần tư trong số 255.000 nạn nhân nói trên cho biết đã nhiều lần bị bạo hành. 80% bị tổn thương tâm lý.

Tuy nhiên, chỉ có 20% số phụ nữ bị bạn đời bạo hành về thể xác hoặc tình dục khai báo với cơ quan chức năng. Và cũng chỉ có gần 17.000 người đàn ông bị xét xử vì các hành vi bạo lực với bạn đời hoặc vợ cũ, bạn gái cũ.

Hai tuần trước đây tại Pháp, diễn viên Muriel Robin cùng 87 nhân vật nổi tiếng khác như ca sĩ Vanessa Paradis, diễn viên Mimie Mathy, người dẫn chương trình truyền hình Stéphane Bern, tay vợt tennis Amélie Mauresmo… đã cùng ký tên vào một bản kiến nghị để những người phụ nữ là nạn nhân của nạn bạo hành gia đình không phải chết vì sự thờ ơ của xã hội.

Họ kêu gọi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hành động để mọi người không còn phải hổ thẹn khi thấy tại Pháp vẫn còn những người phụ nữ bị hành hạ đến chết. 

Gần 90 nhân vật nổi tiếng nói trên cũng kêu gọi người dân tham gia một cuộc tuần hành bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân bị bạo hành, để những người phụ nữ đó thấy sẽ tới ngày họ không còn đơn độc trong cuộc chiến chống bạo lực gia đình.

Bộ trưởng Marlène Schiappa chuyên trách về bình đẳng nam - nữ cho rằng, tiếng nói của đông đảo người nổi tiếng sẽ gây tiếng vang trong xã hội, giúp mọi việc tiến triển tốt hơn, nhưng bộ trưởng Schiappa không đồng tình với ý kiến đả kích tổng thống Macron và về việc các hiệp hội than phiền thiếu nguồn tài chính.

Theo bà, Tổng thống Pháp Macron coi đấu tranh vì bình đẳng nam nữ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong nhiệm kỳ của mình. Ông Macron đã tăng ngân sách cho công tác phòng ngừa và hỗ trợ nạn nhân của nạn bạo lực gia đình.  

Theo bà bộ trưởng, những ai từng chứng kiến cảnh bạo lực nhắm vào phụ nữ đều có trách nhiệm tố giác, họ phải coi bạo hành gia đình không còn là việc của riêng một người mà liên quan tới toàn xã hội. Với tầm quan trọng đó, chính phủ Pháp đã quyết định chi bốn triệu euros để thực hiện chiến dịch lớn trên truyền hình, mời các nhân chứng thuật lại chuyện bị bạo hành.

Năm 2018 cũng được coi là năm tranh đấu chống bạo hành nhắm vào nữ giới. Ngoài ra, Bộ trưởng Marlène Schiappa thông báo kế hoạch lớn liên quan đến đào tạo cảnh sát để đảm bảo các nạn nhân khi khai báo sẽ được cảnh sát hỗ trợ tiến hành thủ tục trình báo và khởi kiện một cách hiệu 
quả hơn. 

Giáng Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI