Pháp ghi nhận hơn 13.000 ca mắc COVID-19 trong 1 ngày, các quốc gia Mỹ Latinh tham gia kế hoạch COVAX

20/09/2020 - 09:36

PNO - Tốc độ lây lan nhanh của virus cùng với việc đẩy mạnh tăng cường xét nghiệm là hai lý do chính khiến số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tăng đột biến tại Pháp.

Pháp báo cáo số ca nhiễm kỷ lục

Rạng sáng 20/9, Bộ Y tế Pháp ghi nhận thêm 13.498 trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2, mức tăng kỷ lục trong 24 giờ qua kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát tại đây, nâng tổng số bệnh nhân lên thành 442.194 ca.

Đại dịch COVID-19 diễn biến trầm trọng tạ Pháp.
Đại dịch COVID-19 diễn biến trầm trọng tại Pháp

Trong 7 ngày qua, trung bình Pháp báo cáo 9.700 bệnh nhân mắc COVID-19 mỗi ngày, so với mức thấp nhất 272 ca vào cuối tháng 5, 2 tuần sau khi lệnh phong tỏa được dở bỏ.

Các nhà dịch tễ học cho biết, tốc độ lây lan của virus nhanh cùng với việc tăng gấp 6 lần số lượng xét nghiệm là hai lý do chính khiến số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 tăng đột biến.

Ngoài ra, các cơ quan y tế cũng cảnh báo về số lượng bệnh nhân nhập viện và tỷ lệ tử vong đang gia tăng, gây áp lực không nhỏ lên hệ thống y tế quốc gia.

Trước tình hình nghiêm trọng, chính phủ Pháp đã ban hành các biện pháp hạn chế mới, yêu cầu người dân đeo khẩu trang, cấm tụ tập đông người, giới hạn thời gian mở cửa các quán bar, câu lạc bộ giải trí…

Iran vượt quá 24.000 người chết

Trong ngày 20/9, Bộ Y tế Iran đã xác nhận thêm 166 trường hợp tử vong, nâng số người chết tại đây lên 24.118. Khoảng một nửa bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại các đơn vị chăm sóc đặc biệt của Iran đã chết, 90% trong số họ sử dụng máy thở trước khi qua đời.

Masoud Mardani, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm và là thành viên của lực lượng đặc nhiệm COVID-19 của Iran, nói với hãng tin ISNA: “Tổng cộng, 10-12% bệnh nhân nhập viện đang mất mạng.”

Tương tự, Payam Tabarsi, trưởng khoa truyền nhiễm tại Bệnh viện Masih Daneshvari, cũng ghi nhận số trường hợp nhập viện cấp cứu tại cơ sở của ông đã tăng đột biến từ 68 lên 200 ca mỗi ngày, nhiều người thậm chí còn phải xếp hàng để được điều trị.

Với tình hình hiện tại, các nhà chức trách lo sợ số người chết sẽ tăng vọt, khoảng 600 ca hàng ngày trong vài tuần tới.

Từ đầu tháng 9, nhiều học sinh và giáo viên đã bị nhiễm bệnh, sau khi các trường học được phép mở cửa trở lại từ ngày 5/9, bất chấp những lo ngại về sự gia tăng lây lan dịch bệnh trong nước.

Các quốc gia Mỹ Latinh tham gia kế hoạch COVAX

Các quốc gia Mỹ Latinh cho biết đang xin gia hạn thêm thời gian để cam kết tham gia kế hoạch vắc-xin COVID-19 toàn cầu COVAX, do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng.

Các quốc gia Mỹ Latinh tham gia kế hoạch COVAX.
Các quốc gia Mỹ Latinh tham gia kế hoạch COVAX

Ngày 19/9, Bộ Ngoại giao Peru thông báo họ đã ký thỏa thuận ràng buộc và sẽ được tiếp cận 12 triệu liều vắc-xin COVID-19 thông qua COVAX - kế hoạch nhằm thu mua và phân phối vắc-xin công bằng cho các quốc gia trên toàn thế giới.

Tương tự, Brazil cũng xác nhận trong một tuyên bố đã đăng ký COVAX, sau khi đàm phán với Liên minh GAVI (ban thư ký COVAX).

"Việc mua vắc-xin an toàn và hiệu quả là ưu tiên hàng đầu của chính phủ liên bang" - tuyên bố của Brazil.

Trong khi đó, Argentina cùng hàng chục quốc gia Mỹ Latinh khác như Chile, Colombia, Panama, Uruguay, Venezuela, Paraguay… đã yêu cầu WHO cho thêm chút thời gian nhằm chuẩn bị các thủ tục giấy tờ cần thiết trước khi ký kết tham gia COVAX.

 

Chung Thu Hương (theo Reuters)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI