Phạm Hoàng Sơn: Đi tìm chốn bình yên

25/10/2020 - 06:57

PNO - Yêu thương - vị tha - cho đi là thông điệp của quán trà - cũng là thông điệp mà Phạm Hoàng Sơn, người sáng lập Zen Tea hơn ba năm trước, đã dành cho chính mình.

Zen Tea - Thiền trà quán tùy tâm giờ đã là điểm hẹn tinh thần cho nhiều người trẻ ngồi xuống cùng nhau, uống một tách trà tĩnh tâm, trò chuyện, nhìn vào bên trong để thấu rõ tâm hồn và những vấn đề của bản thân để rồi khi bước ra khỏi không gian ấy, mỗi người có thể tìm được ngọn nguồn bình an trong lòng mình. 

Trà, thiền, hoa và thư pháp

Có cô gái tuổi 25 vì trầm cảm đến mức muốn tự tử đã tìm đến Zen Tea, rồi xin ở lại trà quán suốt mấy tháng liền. Mỗi ngày một chút, tâm hồn em được chữa lành nhờ những chia sẻ, trò chuyện, yêu thương và năng lượng tích cực mà không gian bình yên này mang lại. “Mọi vấn đề của tinh thần đều có phương pháp giải quyết.

Cứ tưởng tượng chúng ta như người đi lên đỉnh núi, khi còn dưới chân núi thì có rất nhiều hướng đi nhưng càng lên đến đỉnh thật ra chỉ có một con đường. Tinh thần cũng vậy, khi đã xác định được nguyên nhân rồi tất yếu có cách giải tỏa” - bằng cách ấy, Phạm Hoàng Sơn đã chia sẻ được với rất nhiều bạn trẻ, giải quyết những vấn đề của họ.

Phạm Hoàng Sơn đã tìm thấy bình yên ở tuổi 30
Phạm Hoàng Sơn đã tìm thấy bình yên ở tuổi 30

“Tôi xem trà như một phương tiện để điều chỉnh thân tâm. Khi ngồi uống trà, tự khắc hành vi, lời nói của chúng ta sẽ trầm hơn, nhẹ nhàng hơn. Những khi tĩnh lặng như vậy, mọi người có thể tự nhìn vào bên trong bản thân, có khi không cần đến sự hỗ trợ chia sẻ của người khác cũng có thể tự giải tỏa vấn đề tinh thần của chính mình” - Hoàng Sơn nói. 

Zen Tea không quá rộng, mỗi ngày có thể đón nhiều nhất 40 lượt khách, trung bình từ 20-25 khách/ngày. Mô hình này cũng không thể đón một lúc nhiều người. Đối tượng mà trà quán hướng đến trong độ tuổi 25-35, với những khủng hoảng, chênh vênh khi mới ra trường đi làm vài năm hoặc bước sang những cái “ngưỡng” tâm lý chắc chắn ít nhiều bị dao động.

Phạm Hoàng Sơn nói anh muốn tạo một không gian cho mọi người có điều kiện “lắng lại, quán chiếu bản thân”. Anh bày tỏ: “Khi nhận diện được giá trị bên trong, hiểu được bản thân rồi tôi muốn mang giá trị đó cống hiến, giúp đỡ người khác. Tôi hay nói với các bạn trẻ rằng, những buổi trò chuyện về kỹ năng sống không có nghĩa là tôi giúp các bạn thành công nhưng có thể giúp các bạn tiết kiệm thời gian, đừng sai lầm hoặc lặp lại sai lầm.

Các buổi nói chuyện về thiền, thư pháp…  tại Zen Tea diễn ra định kỳ vào tối thứ Hai
Các buổi nói chuyện về thiền, thư pháp… tại Zen Tea diễn ra định kỳ vào tối thứ Hai

Có ba yếu tố: nhân-duyên-quả, nhân là cái mình có thể chủ động được. Vậy thì mọi việc hãy tập trung vào “nhân”, cố gắng hết mình, xử lý vấn đề “nhân” của mình. Nhiều người vẫn đang làm ngược lại, dành thời gian cho “nhân” rất ít, mà thường cứ mong cầu “duyên” và chờ đợi “quả”. 

Không phải ai đến trà quán cũng mang “một khối niềm riêng”, có khi đơn giản là bạn bè ngồi tâm tình cùng nhau. Uống trà cũng không khiến người ta thay đổi suy nghĩ ngay lập tức, mà sự chậm rãi nhẹ nhàng của những tuần trà ấy có thể là một “liệu pháp tinh thần” ý nghĩa cho bất kỳ ai. Zen Tea có trà, thiền, hoa, thư pháp, những buổi trò chuyện... Khách đến có thể tùy tâm trả tiền hoặc cũng có thể không. Ngoài Phạm Hoàng Sơn, quán có sáu người bạn đồng hành, trong số họ có người từng là khách đến trải nghiệm, cảm nhận được giá trị và cùng ở lại làm tình nguyện viên.  

Nhấp một ngụm trà shan tuyết, nghe Sơn nói về những mối quan hệ thiện lành anh có được bắt đầu từ những tách trà, những quan niệm sống rất khác “thời trẻ say mê kiếm tìm vật chất” hay cách đối thoại với chính mình mới thấy những giá trị về cuộc sống mà mọi người hằng mong cầu “bình yên, an nhiên” đều đã tìm thấy ở Zen Tea và ở Phạm Hoàng Sơn - dù anh mới 30 tuổi.

Những tách trà thơm khiến mỗi người được  tĩnh lặng với chính mình
Những tách trà thơm khiến mỗi người được tĩnh lặng với chính mình

“Có bình yên nào không xót xa”

Khuôn mặt Sơn luôn toát lên vẻ an nhiên tự tại. Nhiều bạn trẻ đến đây bày tỏ rằng: “Giá mà được vô ưu như Sơn vậy”. “Tôi vẫn thường hỏi các bạn rằng để đổi lấy sự bình yên trong tâm hồn, bạn có sẵn sàng trả giá?” - Sơn nói. Trả giá bằng nỗi buồn, mệt mỏi, mất mát, bệnh tật...

Nhìn thấy một người luôn vui vẻ, nhìn mọi thứ trong cuộc sống này dễ dàng có khi chẳng phải cuộc đời họ quá sung sướng, mà chính là họ đã từng trải, thấm thía nhiều. “Cuộc đời này suy cho cùng cũng đơn giản, mọi điều cho dù là gì rồi cũng sẽ qua hết mà thôi”. Người nói ra được câu này cũng có nghĩa là họ đã từng bước qua những đoạn trường nào đó trong cuộc đời.

Để nhận diện được những nông sâu của cuộc sống, đôi khi con người ta phải bước đến tuổi 40. Nhưng với Phạm Hoàng Sơn, những tỉnh thức đã đến quá sớm, khi anh chỉ mới 27 tuổi. Ở tuổi ấy, người trẻ còn đang mải mê chinh phục những nấc thang của đời mình. Huống hồ đối với Sơn, mọi cơ hội và điều kiện thăng tiến trong công việc đều đang ở trước mắt.

Tốt nghiệp chuyên ngành chứng khoán (Đại học Kinh tế TP.HCM) rồi đi làm, 27 tuổi, anh đã có thể tự mua nhà và xe. Nhưng Sơn bảo, lúc ấy anh cứ lao đi kiếm tiền, cầm tiền trong tay, ừ thì có vui nhưng niềm vui đó ngắn hạn. Còn cảm xúc thường trực trong lòng chàng trai trẻ là lúc nào cũng phải đối diện với những tranh giành lợi ích, cả cái “tham” của chính mình. Kiếm được nhiều tiền rồi cứ muốn có nữa, nhiều hơn nữa…

“Một lần tôi bị tai nạn, những người chứng kiến đã nghĩ rằng tôi không thể nào qua khỏi. Lúc nằm bên vệ đường, trong đầu tôi chỉ còn ý nghĩ: nếu ngay lúc này đây mình chết, thì mọi thứ vật chất mình sở hữu cũng đâu còn ý nghĩa gì nữa” - Sơn tâm sự. Biến cố làm thay đổi toàn bộ nhân sinh quan của anh. Khi bình phục, những mục tiêu “kiếm tiền” của Sơn bỗng trở nên mơ hồ.

Trò chuyện với Phạm Hoàng Sơn lúc nào cũng cảm nhận được nguồn năng lượng bình an
Trò chuyện với Phạm Hoàng Sơn lúc nào cũng cảm nhận được nguồn năng lượng bình an

“Từ khi còn bé tôi đã hay hỏi rằng, mỗi người đến với cuộc sống này vì mục đích gì. Hẳn là phải có riêng một ý nghĩa nào đó chứ không đơn giản chỉ là học tập, đi làm, kết hôn, sinh con, rồi già, bệnh, chết… Sau tai nạn, những câu hỏi ấy cứ trở lại. Tự vấn mình, nếu cứ lao đầu vào guồng quay cũ mình có thấy vui không, có bình yên được không hay lại là những ngày mệt mỏi, những đêm không thể nào ngủ ngon, tôi quyết định dừng lại mọi thứ” - Sơn kể. 

Dừng lại và chấp nhận mất nguồn thu nhập, những mối quan hệ… trong suốt thời gian một năm rưỡi sau đó, Sơn tập trung tham gia những khóa học phát triển bản thân, hành thiền, quan trọng là tìm cho ra điều bản thân thật sự muốn làm. Lúc ấy, trong tay anh vẫn còn sổ tiết kiệm, nhà/xe thì bán đi, ăn uống dè sẻn hơn để dự trữ nguồn tiền cho việc phát triển dự án riêng. Thời gian anh đặt ra cho bản thân là ba năm. Sơn kiên định đến mức không ở cùng ba mẹ mà quyết “ra riêng”, tự giải quyết mọi vấn đề để gia đình không phải lo lắng.

Cuối tháng 5/2018, Thiền trà quán tùy tâm ra đời. Ban đầu, quán mở tại không gian lầu 1, chung cư Tôn Thất Đạm (Q.1, TP.HCM). Sau đợt đóng cửa vì COVID-19, tháng 4/2020, quán được dời về địa chỉ 236/43/15 Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh, TP.HCM). 

Buổi chiều, nắng tháng Mười vẫn gay gắt. Nhưng ngồi với Zen Tea và Phạm Hoàng Sơn, cảm giác mình được một nguồn năng lượng tích cực xoa dịu. “Khi sống và làm việc bằng tình yêu thương, cho đi và không mong cầu nhận lại, tự khắc tâm sẽ nhẹ nhàng, tinh thần thoải mái…”. Những sẻ chia chân thành này đôi khi có giá trị như một bát nước đầy. 30 tuổi, Phạm Hoàng Sơn đã bước vào cõi tỉnh thức riêng mình, tìm được “chốn bình yên”. Và anh đã trao lại những giá trị tinh thần ấy cho cộng đồng. 

Bùi Tiểu Quyên

Ảnh: nhân vật cung cấp

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI