"Đoạn trường vinh hoa": Khi người vào cởi áo lau son phấn

20/10/2020 - 07:38

PNO - "Đoạn trường vinh hoa", đã không chỉ là câu chuyện về một gánh cải lương tuồng cổ, một câu chuyện phim về văn hóa, mà còn là câu chuyện về đam mê, về tình yêu, về cách người ta sống, đối mặt với những biến cố trong đời

100 giờ quay, 18 tháng rong ruổi cùng một gánh cải lương tuồng cổ hiếm hoi còn sót lại qua những đình làng, cổ miếu ở các tỉnh miền Tây, ê-kíp gồm những bạn trẻ 9x đã chắt lọc thành 50 phút phim dưới tên gọi Đoạn trường vinh hoa. Những thước phim vừa đẹp vừa phảng phất dư vị buồn thương, như chính cuộc đời của những “ông hoàng, bà chúa” khi tấm màn nhung khép lại. 

Thành hình từ một bức ảnh

Lê Mỹ Cường, đạo diễn Đoạn trường vinh hoa và phần đông ê-kíp của cậu đều sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, thuộc thế hệ 9x. Vậy nên, cải lương tuồng cổ hay cúng lễ Kỳ yên là nét văn hóa xa lạ trong ký ức của Cường. Nhưng chính điều đó đã khơi lên trong lòng Cường sự tò mò, thôi thúc cậu tìm hiểu vẻ đẹp đằng sau những gương mặt trang điểm kỹ càng, xiêm y lộng lẫy kia.

“Hình ảnh người nghệ sĩ trang điểm lộng lẫy mặc tấm áo phông có chữ “New York” rách một miếng ở vai đã thôi thúc tôi bấm máy, kể câu chuyện có ít nhiều sắc độ tương phản dựa trên cảm nhận ban đầu. Tôi muốn tìm hiểu họ thực sự là ai? Nét văn hóa bản địa này có gì đặc biệt?” - Lê Mỹ Cường nhớ lại.

Bức ảnh kỷ niệm chụp chung của ê-kíp cùng cô chú, anh chị trong đoàn tuồng cổ Phương Ánh - bên trái là đồng tác giả Thanh Nguyễn -  bên phải là đạo diễn Lê Mỹ Cường
Bức ảnh kỷ niệm chụp chung của ê-kíp cùng cô chú, anh chị trong đoàn tuồng cổ Phương Ánh - bên trái là đồng tác giả Thanh Nguyễn - bên phải là đạo diễn Lê Mỹ Cường

Sự chân thành và cầu thị không chỉ giúp Cường và ê-kíp vượt qua định kiến của bản thân, mà giúp họ khắc họa các nhân vật một cách tự nhiên nhất, lật mở phần nào thế giới kín đáo mà những cuộc hỏi thăm xã giao không thể có được. 

Bốn tháng theo chân gánh hát, chị Hai - tức nghệ sĩ Phương Anh, một trong những nhân vật chính của phim mới cho phép nhóm ghi những thước phim đầu tiên. Sau này cậu mới biết, chị Hai từ trước tới giờ chẳng bao giờ chịu quay hình, trả lời báo chí.

Lúc đầu, bà bầu hay Cô Ba - tức nghệ sĩ Phương Ánh, cũng định từ chối. “Chị Hai bảo quý chúng tôi vì tự nhiên tòi đâu ra mấy đứa cứ lẽo đẽo đi theo gánh hát hết ngày này đến ngày khác, riết rồi quen, và chị biết chúng tôi thật lòng”. Cường thừa nhận: “Khi các nghệ sĩ trong gánh cải lương chấp nhận, cũng là lúc tôi bắt đầu sáng hơn về đường dây phim của mình”.

Đoạn trường vinh hoa nằm trong khuôn khổ dự án VTV đặc biệt. Là dự án phim liên quan đến đề tài văn hóa truyền thống nên bộ phim cũng nhận được sự đồng hành của Quỹ FAMLAB (Phim, Nhạc và Lưu trữ) nằm trong Hợp phần 2 của dự án Di sản kết nối của Hội đồng Anh dành cho các cá nhân, các nhóm thực hành nghệ thuật và các tổ chức tại Việt Nam hoặc Vương quốc Anh có tiềm năng tạo ra ảnh hưởng bền vững và lâu dài cho các cộng đồng di sản văn hóa, nghệ thuật.

Về tên Đoạn trường vinh hoa, Cường bảo cậu không thể quên được bốn câu thơ khi đặt chân đến chùa Nghệ sĩ tại TP.HCM: “Khi bức màn buông, danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả cả vinh hoa lẫn đoạn trường”. Hình ảnh những người nghệ sĩ vang danh một thuở nay còn chẳng nhớ nổi tên mình, không nhớ mặt con cháu, và sống nhờ tình thương mọi người đã khiến cậu ám ảnh.

Rất nhiều lần, trên bàn dựng, hoặc khi xem lại những thước phim của 100 giờ quay, Cường không chịu nổi thứ cảm giác dâng lên trong lòng, trước sự mai một của một loại hình nghệ thuật quá đẹp, trước cuộc đời chìm nổi của những nghệ sĩ chọn kiếp sống như con tằm ươm tơ dệt mộng.

\Một khoảnh khắc xuất thần của nghệ sỹ Phương Anh trên sân khấu
Một khoảnh khắc xuất thần của nghệ sỹ Phương Anh trên sân khấu

“Tôi nhìn thấy những biến cố xảy đến với những người đang ôm ngọn lửa đam mê dành cho môn nghệ thuật này, và cách họ chật vật đối phó với những biến cố đó. Họ - những con thiêu thân nguyện lao vào ánh sáng một lần rồi tan biến mà chẳng băn khoăn gì về ngày mai. Nhưng sẽ có bao nhiêu con thiêu thân như thế còn lại, sẽ có bao nhiêu kẻ thản nhiên, thậm chí cười cợt nhìn đồng loại của mình bị thiêu?”, Cường trăn trở trước một loại hình nghệ thuật đang dần mất dấu và trở nên xa lạ với con người hôm nay.

Hơn cả một câu chuyện trên phim

Phim tài liệu hiện thực có thể giúp người làm phim thu được những cảnh phim xúc động, đắt giá. Nhưng để sắp xếp chúng thành một câu chuyện mạch lạc, lớp lang không dễ. Đoạn trường vinh hoa sẽ không thể thành hình nếu không nhận được sự giúp sức từ những cái tên đã thành danh trong thể loại phim tài liệu trước đó như: Nguyễn Thị Thắm (Phim Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng), nhà làm phim Trần Phương Thảo (Phim Finding Phong), anh Swan, chị Hảo Hảo… 

Đây không phải là bộ phim tài liệu đầu tay của Lê Mỹ Cường, nhưng có lẽ là hành trình đáng nhớ nhất, bởi “nó có nhiều sự liều lĩnh và quyết liệt trong đó”. Cường nói, cậu sẽ chẳng thể nào về đích nếu không có Thanh Nguyễn - người đã đồng hành cùng cậu trong một địa hạt hoàn toàn mới.

Lê Mỹ Cường
Lê Mỹ Cường

“Chúng tôi từng rất khủng hoảng vì người này không hiểu người kia muốn gì. Có những buổi quay mà xem nháp phim xong không ai nói với ai câu nào, cảm giác “toang” đến nơi. Nhưng cuối cùng, chúng tôi đã không bỏ cuộc và làm tốt nhất có thể”.

Đoạn trường vinh hoa cho thấy sự vững mạnh của một cộng đồng làm phim đoàn kết và biết sẻ chia. Cũng chính trái tim nhiệt huyết ấy của Cường, của Thanh đã kết nối rất nhiều người trẻ xa lạ khắp trong Nam, ngoài Bắc, cùng nhau hỗ trợ để bộ phim đến được với nhiều khán giả nhất. 

Đoạn trường vinh hoa, đã không chỉ là câu chuyện về một gánh cải lương tuồng cổ, một câu chuyện phim về văn hóa, mà còn là câu chuyện về đam mê, về tình yêu, về cách người ta sống, đối mặt với những biến cố trong đời. Cường hy vọng bộ phim sẽ chạm đến cảm xúc của nhiều người hơn chứ không chỉ là một bộ phim về đề tài văn hóa truyền thống, vì biết đâu, họ có thể nhìn thấy bóng dáng họ trong hành trình ấy.

Phim được chiếu ở Cần Thơ vào ngày 28/10 tại Đình Thần Tân Thới, Cầu Nhiếm; ở TP.HCM vào ngày 1/11/2020 tại Viện trao đổi văn hóa với Pháp. Sau đó được phát sóng trên khung giờ vàng của VTV1 (20g) trong khuôn khổ chương trình VTV Đặc biệt tháng 11/2020. 

Hoàng Linh Lan

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI