Paralympic Tokyo: Người khuyết tật “lao đao” ở Nhật Bản?

25/08/2021 - 16:23

PNO - Tokyo là một thành phố có tốc độ phát triển chóng mặt với những tòa nhà chọc trời và hệ thống giao thông công cộng hiện đại. Một số người gọi Tokyo là thành phố của tương lai, nhưng thành phố này đã tổ chức Paralympic 2020 cho người khuyết tật ra sao?

Jeff và Mizuki Hsu mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản - Ảnh: Mizuki Hsu
Jeff và Mizuki Hsu mặc trang phục truyền thống của Nhật Bản - Ảnh: Mizuki Hsu

Chiến binh mặt trăng

Mizuki Hsu, 32 tuổi, tự gọi mình là chiến binh mặt trăng - một thuật ngữ cô đặt ra để gọi những người thích đi xe lăn mạo hiểm, thích đi du lịch và khám phá.

Nhật Bản đã tập trung vào việc tạo ra một quốc gia "không có rào cản" cho người khuyết tật kể từ khi nước này được đăng cai tổ chức Thế vận hội vào năm 2013. Mizuki cũng cảm nhận được ở trong nước cô thường được đồng bào của mình dừng lại giúp đỡ những khi cô gặp khó khăn.

Nhưng Mizuki tin rằng sự kỳ thị vẫn là một vấn đề. "Tôi thường xuyên cảm thấy cách mọi người nhìn tôi ở nơi công cộng và một số người lạ nói với tôi rằng thật tội nghiệp. Sự hòa nhập của mọi người trong cộng đồng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước”, Mizuki chia sẻ.

Di cư đến Nhật Bản thật dễ dàng

Đối với Josh Grisdale, 40 tuổi, quan điểm của anh về tình trạng khuyết tật ở Nhật Bản khác với Canada nơi anh sinh ra và lớn lên.

Josh đến thăm Nhật lần đầu tiên vào năm 2000 sau khi được một giáo viên trung học truyền cảm hứng. Sau khi học ngôn ngữ, anh chuyển đến Nhật Bản vào năm 2007 và vào năm 2016, khi trở thành công dân Nhật ở tuổi 35, anh đã từ bỏ hộ chiếu Canada của mình.

Ảnh: Josh Grisdale
Ảnh: Josh Grisdale

Khi nộp đơn xin nhập quốc tịch Nhật Bản, Josh lo lắng rằng tình trạng tàn tật có thể là một rào cản đối với anh, nhưng điều anh nhận được là một phản ứng tích cực.

"Hẳn bạn đã nghe những câu chuyện nản lòng về những người cố gắng di cư đến Hoa Kỳ hoặc Canada và vì họ cần sử dụng hệ thống chăm sóc sức khỏe mà họ đã bị từ chối thẳng thừng. Ở đây, tôi chưa một lần bị hỏi về tình trạng khuyết tật của mình, điều mà tôi nghĩ thật tuyệt vời”.

Hiện là nhân viên điều hành blog du lịch Accessible Japan, Josh có thể sử dụng hệ thống phúc lợi ngay khi đăng ký. Josh được cấp "hộ chiếu" khuyết tật nêu rõ những yêu cầu đối với anh, ngoài ra còn được cấp kinh phí cho những người chăm sóc và trang bị một chiếc xe lăn.

Những tòa nhà chọc trời

Mizuki lớn lên ở Kyoto, phía tây Nhật Bản. Khi mới biết đi, cô bị liệt chân sau một căn bệnh bí ẩn. Cô kể, "mẹ tôi nói với tôi rằng bà sẽ luôn ở bên tôi và bế tôi đi chỗ này chỗ khác”.

Tokyo có gần 14 triệu dân, các tòa nhà của thành phố thường được xây hướng lên cao chứ không phải hướng ra các bên, để đủ chỗ ở cho dân cư. Do đó, bất cứ thứ gì, kể cả các dịch vụ công cộng, đều có thể được trải ra trên nhiều tầng.

Ảnh: Mizuki Hsu
Ảnh: Mizuki Hsu

Hồi thập niên 90, cha mẹ Mizuki không muốn cô vào học trường đặc biệt, thay vào đó, họ xin cho cô vào một trường phổ thông ở địa phương. Các lớp học của Mizuki ở các tầng khác nhau và trường không có thang máy.

Trường có lắp tay vịn cầu thang bộ, và cô “phải tự mình đi lên và xuống cầu thang” nhờ vào việc kéo mình lên bằng cánh tay. Cha mẹ cô cũng mua và để trên mỗi tầng lầu một chiếc xe lăn Mizuki có thể tự mình đi lại với các bạn cùng lớp.

Hai thập kỷ trôi qua, Mizuki giờ đã là một người mẹ và cô gặp nhiều khó khăn. Gần như không thể tìm thấy một nhà trẻ nào mà cô có thể đưa con đi học vì cầu thang và con đường quá dốc. "Đó là một thời gian rất khó khăn và đầy thử thách, nhưng thật may mắn tôi đã tìm thấy một ngôi trường, nơi duy nhất ủng hộ mẹ con tôi “.

Hạn ngạch công việc và tiền thưởng

Trên khắp thế giới, việc làm cho người khuyết tật có xu hướng thấp và nhiều giải pháp đã được đề xuất. Nhật Bản sử dụng một hệ thống hạn ngạch đơn giản, nhưng là một giải pháp phổ biến.

Ở Nhật Bản, nếu một công ty có hơn 43 nhân viên, thì 2,3% trong số đó phải là người khuyết tật. Các chủ doanh nghiệp tuân thủ tốt được thưởng, ai vi phạm thì bị phạt tiền.

Có ý kiến cho rằng hệ thống này tập trung vào khuyết tật hơn là kỹ năng và bỏ qua quan điểm về sự hòa nhập. Mizuki tin rằng hạn ngạch là một cơ hội tốt để có được việc làm, nhưng cô nói thêm nếu công ty thường dành một số công việc nhất định cho người khuyết tật, thì những công việc này khó tránh khỏi “kỹ năng thấp và lương thấp”.

Mizuki cho biết công việc hiện tại của cô tại Google là một trải nghiệm khác và công bằng hơn, và cô không được hỏi có bị khuyết tật hay không.

Tại sao tàu cao tốc là một trở ngại

Ảnh: Getty Images
Ảnh: Getty Images

Nhật Bản cam kết làm cho các trung tâm giao thông của họ có thể tiếp cận 100% đối với người khuyết tật và như một phần của các địa điểm thi đấu Thế vận hội.

Khoảng 96% ga tàu của Tokyo hiện đã có thể tiếp cận được (đối với xe lăn của người khuyết tật) sau khi luật được thông qua để đảm bảo rằng mọi nhà ga có 3.000 người dùng hàng ngày đều có thể được sử dụng bởi tất cả mọi người.

Tương lai các cầu thang

Bạn không thể nghĩ về Nhật Bản mà không nghĩ đến tình yêu công nghệ của nước này. Ví dụ như một thang cuốn gọi là “thang cuốn tiếp cận”. Phát minh tiện lợi này tạm thời kết hợp ba bậc thang của thang cuốn lại với nhau để tạo ra một nền phẳng để người đi xe lăn có thể lên được.

Thảm sát ở Sagamihara

Michael Gillan Peckitt nói rằng Nhật Bản đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vụ tấn công vào nhà chăm sóc người khuyết tật - Ảnh: Michael Gillan Peckitt
Michael Gillan Peckitt nói rằng Nhật Bản đã bị ảnh hưởng rất nhiều bởi vụ tấn công vào nhà chăm sóc người khuyết tật - Ảnh: Michael Gillan Peckitt

Có một bi kịch trong lịch sử gần đây của Nhật Bản mà không thể không nhắc đến - đó là vụ đâm người ở Sagamihara.

Năm 2016, Satoshi Uematsu đã đột nhập vào một nhà chăm sóc người khuyết tật ở Sagamihara, nơi ông ta từng làm việc, và giết chết 19 cư dân tại đó. Trước đây, ông Satoshi từng viết thư cho các chính trị gia nói rằng ông muốn những người tàn tật "biến mất". Uematsu sau đó bị kết án tử hình.

Bên cạnh thảm kịch giết chóc, còn có một thảm kịch khác là nhiều gia đình nạn nhân không muốn người thân của họ được nêu tên. Một số người suy đoán có thể do người nhà xấu hổ khi có một người thân bị tàn tật, cũng như họ không muốn người ta biết gia đình họ phải đưa một thành viên vào nhà chăm sóc.

Michael Gillan Peckitt, một học giả người Anh bị bại não sống ở Kobe, cho biết: "Ban đầu, các vụ việc gây chấn động ở Nhật Bản. Trong một thời gian dài, các phương tiện truyền thông đã đặt câu hỏi về thái độ đối với người khuyết tật và hệ thống chăm sóc dành cho họ. Nhưng thời gian trôi qua, mọi thứ tiếp tục quay về tình trạng ban đầu.

Được ký bằng dấu X

Eiko Kimura từ lâu đã ủng hộ việc hòa nhập tốt hơn của người khuyết tật - Ảnh: EPA
Eiko Kimura từ lâu đã ủng hộ việc hòa nhập tốt hơn của người khuyết tật - Ảnh: EPA

Nhật Bản đang có tư duy hướng đến tương lai. Năm 2019, nước này đã bầu Yasuhiko Funago và Eiko Kimura của Đảng Reiwa Shinsengumi vào Quốc hội. Cả hai đều bị tàn tật và có nhân viên chăm sóc trợ giúp.

Ngày đầu tiên đến Quốc hội bằng xe lăn, cặp đôi này đã bị giới truyền thông săn đón rất kỹ càng.

Tháng Giêng năm nay, Funago đã bỏ phiếu trực tiếp tại Tham nghị viện (Thượng viện) sau người ta xây dựng thêm một đoạn đường nối dành cho xe lăn.

Quế Lâm (theo BBC)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI