Palu vỡ vụn và tiếng kêu rên bên dưới đống đổ nát

01/10/2018 - 11:19

PNO - Bình minh trên đảo Sulawesi, một ngày sau thảm họa kép động đất và sóng thần tấn công Palu chiều 28/9, nằm rải rác trên bờ biển cát trắng, là những bao tải màu xanh dương cỡ lớn, đựng vừa vặn bên trong một thi thể con người.

Những thi thể khác mắc kẹt dưới đống đổ nát của các tòa nhà sập trên khắp thành phố Palu cũng được tìm thấy, thể hiện trên con số thống kê thương vong không ngừng tăng lên từng giờ, khiến Indonesia chìm dần trong tang thương buồn bã.

Đêm qua, rất nhiều người dân sinh sống ở thành phố này đã không thể trở về ngôi nhà của mình do nguy hiểm từ các đợt dư chấn vẫn còn hiện hữu. Họ được khuyến cáo ngủ trên những cánh đồng, đường sá, hoặc sân chơi... khu vực cách xa các tòa nhà để tránh nguy cơ nằm lại bên dưới đống đổ nát- nơi có thể những người thân của họ đã nằm lại vĩnh viễn...

Palu vo vun va tieng keu ren ben duoi dong do nat
Hàng trăm người bị thương phải nằm chữa trị ngoài trời do bệnh viện bị hư hỏng nặng - Ảnh Getty

Trời còn tờ mờ sáng, nhiều người lục tục trở về nơi đã từng là nhà của mình, nỗ lực nhặt nhạnh những vật dụng khả dĩ còn dùng được nằm lổn ngổn bên dưới những vỡ vụn của gạch và xi măng.

Dẫu mái nhà và tất cả tài sản đã bị sóng thần cuốn phăng, nhưng ít ra họ vẫn hơn hẳn gần 900 thi thể kia một mạng sống quý giá. Hơn hẳn hàng ngàn con người đang vật vã đau đớn vì bị thương một cơ thể lành lặn. Được thức dậy và nhìn thấy bình minh, cũng là một niềm hạnh phúc rồi!

Giữa hoang tàn của nhà thờ hồi giáo, bệnh viện, trung tâm mua sắm, khách sạn và hàng ngàn ngôi nhà trên đảo bị cuốn trôi, của cây cầu Teluk bị đổ sập, của con đường huyết mạch dẫn vào Palu bị cắt đứt do lở đất, là cơn đau xé lòng của những người có thân nhân còn nằm lại bên dưới những đống vỡ vụn, hoặc chưa tìm được thi thể. 

Theo lãnh đạo Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Indonesia, ông Muhammad Syaugi, lực lượng chức năng đã phát hiện ít nhất 50 người đang kẹt lại dưới đống đổ nát của một khách sạn 8 tầng ở Palu. Ông mô tả rằng, tiếng kêu cứu của các nạn nhân có thể nghe thấy rõ tại hiện trường.

So với những khó khăn của công tác cứu hộ như điện và liên lạc vẫn chưa được khôi phục, sân bay Palu đóng cửa, nhân viên cứu hộ và viện trợ nhân đạo phải đi bằng đường bộ từ 10 đến12 giờ lái xe để đến nơi ứng cứu, thì việc bất lực lắng nghe những tiếng kêu xé lòng từ bên dưới chân mình còn kinh khủng hơn nhiều!

Bất lực. Đó là từ diễn tả trạng thái có thể nhìn thấy rõ rệt của người dân Indonesia trước thảm họa thiên tai. Do một bệnh viện địa phương bị hư hại nặng nên các nhân viên y tế phải chữa trị cho hàng chục người bị thương ngoài trời.

Trên trang cá nhân của mình, bác sĩ Komang Adi Sujendra, Giám đốc Bệnh viện Undata ở Palu, kêu gọi sự giúp đỡ từ cộng đồng trong niềm hy vọng mong manh: “Lúc này, tại bệnh viện của chúng tôi, điện thì mất trên toàn Palu, đường sá nứt vỡ, mạng lưới điện thoại không hoạt động. Chúng tôi đang hy vọng có được sự trợ giúp nào đó. Chúng tôi cần lều bạt, thuốc men, y tá...”

Một ngày sau thảm họa kép, lướt một vòng các trang mạng xã hội, tim tôi chợt nhói lên trước dòng trạng thái của Dradjat Sasongko, một anh bạn người Indonesia: “INDONESIA KU BERDUKA” (tạm dịch: người dân Indonesia chúng tôi đang đau buồn). Nỗi đau buồn đó không chỉ gói gọn trong đất nước vạn đảo của các bạn, mà còn là ưu tư của bất kỳ ai trên thế giới. 

Đến giờ tôi vẫn chưa hết rùng mình, bởi tuy cơn sóng thần đã đi qua, nhưng dư chấn của động đất vẫn còn, chúng tôi luôn đối diện với nỗi sợ hãi là liệu những tòa nhà có thể đổ sập xuống hay không và lúc nào điều đó sẽ đến? 

Palu vo vun va tieng keu ren ben duoi dong do nat
Bobby Arianto (24 tuổi, nhân viên văn phòng, sinh sống tại thành phố Semarang - Indonesia)

Bên cạnh lo lắng đó là cảm giác xấu hổ vì hành vi “hôi của” từ một bộ phận người dân nước tôi tại một trung tâm thương mại bị hư hỏng nặng sau động đất. Người dân ở Palu chưa từng trải qua một thảm họa nào lớn như thế này, vì thế họ rất hoảng loạn và nhu cầu những món nhu yếu phẩm tăng cao hơn bao giờ hết. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là phần nào lý do bất khả kháng đẩy họ vào con đường phải ăn trộm nhu yếu phẩm tại trung tâm thương mại như vậy.

Hồng Hạnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI