edf40wrjww2tblPage:Content
Khán giả mua vé vào rạp chỉ với giá 10.000đ và được nhận kèm một bì thư. Cuối xuất diễn, mỗi khán giả tùy theo cảm xúc, cảm nhận của mình về vở diễn sẽ bỏ tiền vào bì thư, xem như trả tiền vé cho SK.
Nhiều ý kiến khác nhau về cách làm “không giống ai” của SK Vườn Lài. Nhưng có điều không thể phủ nhận là số lượng khán giả đến xem ngày một đông hơn, các diễn viên trên SK cũng “máu lửa” hơn sau từng xuất diễn.
Chủ nhân của sáng kiến “không giống ai” là “ông bầu” còn rất trẻ của SK Thành phố: Phạm Vũ Kiên - người vốn được xem như “kẻ lạ mặt” của SK.
Thuộc thế hệ 9X đời đầu, tốt nghiệp ngành Kế toán - Kiểm toán của Đại học Công Nghiệp TP.HCM, nhưng ngay sau ngày tốt nghiệp, thay vì về làm việc ở ngành hải quan như “truyền thống” của gia đình, Phạm Vũ Kiên lại rẽ hẳn sang một con đường khác: làm “bầu” của SK kịch cà phê Tâm Ngọc.
* Kế toán kiểm toán và "bầu" SK. Hai công việc này dường như chẳng dính dáng gì đến nhau nhỉ?

Ông bầu liều lĩnh Phạm Vũ Kiên
Phạm Vũ Kiên: Tôi mê mở quán cà phê nên nảy ra ý định làm kịch cà phê với suy nghĩ sẽ dùng kịch để nuôi quán cà phê của mình. Thực ra thì suốt thời học sinh cho đến lúc học đại học, tôi hoàn toàn không có khái niệm gì về kịch nói và cũng chưa bao giờ đi xem kịch. Chỉ đến ngày sắp tốt nghiệp đại học, tôi được một người bạn là sinh viên trường Đại học SK-ĐA mời đi xem một buổi thi nên mới bắt đầu hiểu “kịch nói là gì?!”.
Nghe các bạn chia sẻ đa phần sinh viên tốt nghiệp trường SK đều phải đi tìm một công việc khác chứ ít có cơ hội gắn với nghề, tôi cảm thấy tiếc công sức học tập của các bạn nên nảy sinh ý định kết hợp các bạn với mô hình cà phê của tôi theo hình thức “đôi bên cùng có lợi” (cười).
* Nhưng có “ vẻ lợi ít, hại nhiều”, vậy mà anh vẫn cứ gắn với SK?
- Tập tành kinh doanh khi vừa tốt nghiệp, “vốn liếng” của tôi chỉ là kiến thức sách vở từ nhà trường, lại cũng không liên quan gì đến công việc mới. Gia đình không ngăn cản, nhưng cũng không nhiệt tình ủng hộ ý tưởng lạ lùng của tôi. Bây giờ nghĩ lại mới thấy đúng là ngày xưa mình “điếc nên không sợ súng”.
Đầy nhiệt tình nhưng lại thiếu hiểu biết. Cứ ai biểu gì làm nấy. Chỉ riêng đầu tư âm thanh, ánh sáng ở khán phòng kịch cà phê nhỏ xíu trên tầng thượng Maximark Cộng Hòa đã ngốn của tôi khoảng 300 triệu (thời điểm năm 2012). Nhưng không phải tất cả những gì mình đã tốn tiền đầu tư đều thực sự cần thiết cho SK. Rồi những ngày đầu tiên, có những xuất diễn chỉ 2-4 khán giả. Quá nhiều khó khăn mà khi chưa “chạm tay” vào công việc mình hoàn toàn không thể hình dung.
Nhưng điều giúp tôi quyết tâm đối mặt với khó khăn để theo đuổi mục tiêu của mình là nhiệt huyết, đam mê và khát khao được làm nghề của các bạn diễn viên trẻ. Không ai sống được bằng thu nhập của SK kịch cà phê nên đều phải có những công việc riêng để nuôi sống bản thân. Nhưng khi tập luyện, biểu diễn là họ luôn sống hết mình, bất kể thời gian.
Hơn hai năm, tôi và ê kíp của mình đã phải vượt qua không ít khó khăn để đến bây giờ mới có được một điểm diễn ổn định với một lượng khán giả của riêng mình, dù không nhiều. Nhớ về những gì đã qua tôi cảm thấy sợ và nghĩ nếu được làm lại từ đầu chắc chắn mình sẽ không theo SK. Nhưng nếu sống với thực tại, tôi biết mình rất khó có thể chia tay với SK, chỉ trừ khi mình đã cố gắng hết mức mà khán giả vẫn quay lưng với mình.
* Từ kịch cà phê, anh chuyển rất nhanh và đột ngột sang SK lớn dù vẫn bị không ít đồng nghiệp của SK kịch nhận xét ê kíp của anh vẫn còn khá non và không có “sao”?
- Tôi đã nghĩ đến việc chuyển sang một SK lớn, chuyên nghiệp hơn và khởi động bằng những kế hoạch dựng vở nghiêm túc, chỉn chu hơn, có đăng ký phúc khảo để được hội đồng nghệ thuật góp ý từ khi còn ở SK tầng thượng Maximark. Chỉ có điều sự chuyển đổi vừa rồi hơi sớm so với dự định. Một phần cũng vì tôi phải trả lại mặt bằng ở Maximark. Long đong một thời gian, đến khi tìm được SK Vườn lài tôi biết đây là lúc mình phải quyết định, nếu chần chờ sẽ mất cơ hội do SK TP đang “khát” các điểm diễn.
Nếu so sánh với một số SK khác, có thể các diễn viên của Tâm Ngọc vẫn còn non, nhưng bù lại, các bạn đầy nhiệt huyết và khát vọng được làm nghề một cách nghiêm túc. Hiệu quả chính là sự công nhận của khán giả, những khán giả thân thiết đã từng “theo” chúng tôi từ Maximark Cộng Hòa đến SK Vườn Lài. Tôi muốn các bạn diễn viên, những người đã gắn bó với mình có cơ hội khẳng định vị trí; bản thân các bạn cũng muốn chứng minh khả năng bằng sự nỗ lực không ngừng. Do vậy chúng tôi quyết định không mời các ngôi sao hay diễn viên tên tuổi để bảo chứng doanh thu.
Con đường chúng tôi phải đi chắc chắn sẽ còn rất dài, rất xa, nhưng tôi tin khi mình đã làm việc bằng tất cả tâm huyết và không ngừng phấn đấu, sẽ có lúc mình cũng được đón nhận. Bản thân tôi, tôi cũng đang cố gắng mỗi ngày và xác định mình sẽ còn phải học hỏi rất nhiều để hiểu hơn và làm tốt hơn công việc hiện tại.

Các diễn viên trẻ của sân khấu kịch Tâm Ngọc trong vở Lâu đài ngọn nến
* Xem kịch trước, trả tiền sau, vào cửa với giá chỉ 10.000đ. Cách làm nghe rất lạ?
- Nhiều ý khiến khác nhau trước khi tôi quyết định áp dụng phương thức này. Có ý kiến cho rằng tôi làm vậy là tự “hạ giá” SK của mình. Nhưng tôi lại không nghĩ vậy. Với phương thức này, đầu tiên tôi có thể kéo được nhiều khán giả đến rạp để họ có thể hình dung những người trẻ, những tên tuổi còn rất mới đang làm nghệ thuật ra sao.
Số tiền khán giả bỏ vào bao thư sau xuất diễn cũng cho thấy họ đang “chấm” SK của chúng tôi ở thang điểm nào? Họ có hài lòng với những gì chúng tôi đang làm? Về phía diễn viên, khi khán phòng đầy khán giả, họ cũng như được tiếp thêm lửa để diễn xuất tốt hơn, tung hứng và sáng tạo nhịp nhàng hơn trên SK.
Quan trọng hơn, là trách nhiệm phải làm sao để khán giả hài lòng và chịu “móc hầu bao” trả tiền sau khi xem kịch; trách nhiệm phải giữ chân khán giả cho những xuất diễn tiếp theo của diễn viên và cả ê kíp những người thực hiện.
* Sau hai tuần thử nghiệm phương thức xem kịch trước, trả tiền sau, anh có “đọc” được hiệu quả?
- Những xuất diễn gần đây khán giả luôn chật kín. Ngay từ đầu tuần, lượng khán giả đặt vé đã chiếm khoảng 30% khán phòng. Tất nhiên số tiền thu được vẫn chưa đủ để bù đắp cho các khoản chi phí của SK, nhưng rõ ràng doanh thu đã được cải thiện hơn. Diễn viên cũng diễn xuất tốt hơn.
* Thu hút khán giả chỉ là một mặt của vấn đề, vấn đề quan trọng hơn là làm sao để giữ chân khán giả. Nhất là với cách làm hiện nay, các vở diễn của kịch Tâm Ngọc chỉ xoay quanh một ê kíp từ diễn viên đến tác giả, đạo diễn?
- Chúng tôi đang mời một đạo diễn và ê kíp diễn viên khác về làm việc song song với ê kíp hiện tại. Đây là cách để làm đa dạng phong cách kịch của sân khấu, đồng thời cũng là cơ hội cho diễn viên của kịch Tâm Ngọc được tiếp xúc, học hỏi từ những diễn viên, đạo diễn có nhiều kinh nghiệm. Bên cạnh đó, đây cũng là hình thức “cạnh tranh” lành mạnh, buộc các diễn viên trẻ phải nỗ lực, cố gắng vượt lên chính mình để không có khoảng cách quá xa so với thế hệ nghệ sĩ, diễn viên đi trước.
* Cám ơn anh và chúc kịch Tâm Ngọc của anh sẽ gặt hái được nhiều thành công.
THẢO VÂN (thực hiện)