Ổ dịch nguy hiểm từ những nơi tù đọng

24/08/2020 - 09:03

PNO - Tại Úc, có hơn 2.000 trường hợp mắc COVID-19 và 245 ca tử vong liên quan đến các nhà chăm sóc người cao tuổi ở bang Victoria, trải rộng khắp 120 cơ sở.

Tại Úc, có hơn 2.000 trường hợp mắc COVID-19 và 245 ca tử vong liên quan đến các nhà chăm sóc người cao tuổi ở bang Victoria, trải rộng khắp 120 cơ sở.

Vấn đề từ không khí kém lưu thông

Các nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne (RMIT) chỉ ra rằng, mức độ carbon dioxide (CO2) trong một số viện dưỡng lão cao gấp ba lần mức khuyến nghị, bắt nguồn từ hệ thống thông gió kém. Cuộc kiểm tra chung về thiết kế do Công ty Newmarch ở Sydney và St Basil’s ở Melbourne thực hiện còn cho thấy, các phòng trong nhà dưỡng lão thường được bố trí ở hai bên của một hành lang trung tâm - đủ rộng để đẩy giường ra vào nhưng lại giam giữ một lượng lớn không khí không đối lưu. Cửa sổ trong phòng chỉ gián tiếp thông gió cho không gian hành lang ở giữa, nơi tập trung phần lớn các giao tiếp xã hội tại nhà dưỡng lão.

Người cao tuổi và người khuyết tật thuộc nhóm nguy cơ cao trong đại dịch COVID-19
Người cao tuổi và người khuyết tật thuộc nhóm nguy cơ cao trong đại dịch COVID-19

Các nhà khoa học hiện nghi ngờ vi-rút SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 có thể lây truyền qua không khí, bên cạnh các giọt bắn, nghĩa là hệ thống thông gió kém có khả năng góp phần gây lây nhiễm.

Mối đe dọa đối với người khuyết tật 

Những điểm tương đồng giữa dịch vụ chăm sóc người khuyết tật và dịch vụ chăm sóc người cao tuổi khiến các chuyên gia không khỏi lo lắng. Tại Úc, dịch vụ chăm sóc người khuyết tật bao gồm những nhà tập thể với ít hơn 6 cư dân, và các cơ sở lớn hơn do tư nhân điều hành hoặc nhận kinh phí xã hội có sức chứa đến 80 người. Tại bang Victoria, khoảng 6.500 người đang nhận dịch vụ lưu trú, chăm sóc dành cho người khuyết tật.

Trong vài tuần gần đây, COVID-19 đã bùng phát ở một số nhà tập thể, dịch vụ chăm sóc người khuyết tật tại bang Victoria, đáng chú ý là cơ sở Hambleton House ở ngoại ô Melbourne - nơi có 15 cư dân và một nhân viên dương tính COVID-19.

Những người khuyết tật thuộc nhóm nguy cơ cao trong đại dịch vì phần lớn gặp các tình trạng sức khỏe khác (ví dụ như khó thở, bệnh tim, tiểu đường). Điều này khiến họ có nhiều khả năng chuyển biến xấu hoặc tử vong nếu nhiễm COVID-19. Đồng thời, người khuyết tật thường thuộc tầng lớp nghèo, thất nghiệp và bị cô lập về mặt xã hội, nên ít được quan tâm, chăm sóc. Bên cạnh đó, nhiều người khuyết tật, đặc biệt là những người có nhu cầu phức tạp, cần được hỗ trợ cá nhân, tiếp xúc gần gũi với những chuyên viên chăm sóc, làm tăng nguy cơ lây nhiễm.

Hãy mở cửa sổ để thông gió 

Các viện dưỡng lão có thể thực hiện một số bước đơn giản để đảm bảo sự thông gió đầy đủ cho cơ sở. Đầu tiên, cơ sở cần lắp đặt máy dò chất lượng không khí nhằm đo nồng độ CO₂. Hầu hết các viện dưỡng lão đều được sưởi ấm bằng hệ thống điều hòa không khí hoặc máy sưởi; phần lớn các lựa chọn này không giúp đưa không khí trong lành từ bên ngoài vào mà chỉ luân chuyển không khí bên trong căn phòng, hành lang. Vì vậy, các nhân viên chăm sóc nên mở cửa sổ càng nhiều càng tốt. Tạo luồng không khí ấm từ không gian hành lang trung tâm vào các phòng và ra ngoài qua cửa sổ là lựa chọn lý tưởng nhất, dựa vào khoản đầu tư vào hệ thống thông gió cơ học như quạt sưởi công nghiệp.

Lời khuyên trên cũng có thể áp dụng cho bất kỳ tòa nhà nào được thông gió tự nhiên, bao gồm trường học, nhà hàng, quán rượu, câu lạc bộ và cửa hàng. Các địa điểm này nên đảm bảo thông gió liên tục và lưu ý rằng nhiều thiết bị điều hòa không khí và sưởi ấm không cung cấp không khí trong lành. Đồng thời, mọi người không nên ở lâu trong một căn phòng nếu cảm thấy hệ thống thông gió không đủ tốt. Bên cạnh đó, điều quan trọng là chính phủ cần có biện pháp hỗ trợ nhóm người cao tuổi, người khuyết tật và nhân viên chăm sóc phải được đào tạo, chuẩn bị đầy đủ về biện pháp bảo vệ cá nhân như đeo khẩu trang, găng tay…  

Linh La (theo Conversation)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI