Nước giàu chọn Pfizer, AstraZeneca, nước nghèo hài lòng với các vắc xin ít tên tuổi hơn

29/09/2021 - 14:07

PNO - Khi các nước giàu gia tăng tích trữ vắc xin COVID-19 của các hãng tên tuổi như Pfizer, Moderna và AstraZeneca, các nước nghèo và thu nhập trung bình buộc phải tìm đến sản phẩm của các hãng ít tên tuổi hơn, thậm chí cả những nhãn hiệu chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê chuẩn.

Tiêm vắc xin COVID-19 Abdala của Cuba ở Havana - Ảnh: AFP
Tiêm vắc xin COVID-19 Abdala của Cuba ở Havana - Ảnh: AFP

Tại các nước giàu như Kỹ, Anh, EU hay Israel đã đặt hàng và tích trữ nguồn cung cấp vắc xin của các nhãn hiệu nổi tiếng khi áp dụng các mũi tiêm tăng cường để bảo vệ người dân khỏi các biến thể virus độc hại.

Tuy nhiên, ở các nước đang phát triển, giới chức y tế và người dân hài lòng với các loại vắc xin ít được biết đến hơn và chưa được sử dụng rộng rãi bên ngoài quốc gia sản xuất chúng, và trong nhiều trường hợp các vắc xin này vẫn chưa được WHO phê chuẩn.

Hiện tại, vắc xin COVID-19 ít được biết đến đang trở thành tâm điểm chú ý, trong bối cảnh nguồn cung toàn cầu bị hạn chế đã ảnh hưởng đến nỗ lực tìm nguồn vắc xin của các nước đang phát triển.

Shabir Madhi, giáo sư về vắc xin tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg (Nam Phi) cho biết: “Vấn đề không phải là nơi sản xuất vắc xin, mà là bằng chứng khoa học về tính an toàn và hiệu quả của chúng”.

Các nước Mỹ Latinh và Caribe bao gồm Argentina, Venezuela và Jamaica đã phát tín hiệu muốn mua vắc xin của Cuba, và Iran bắt đầu sản xuất và cho phép sử dụng vắc xin Soberana 2 của Cuba vào đầu năm nay.

Nhà chức trách Cuba cho biết Abdala đã được chứng minh là có hiệu quả hơn 92% trong các thử nghiệm trong nước. Vắc xin Abdala là một trong 5 loại vắc xin bản địa đang được sử dụng hoặc được phát triển ở Cuba.

Tại Ấn Độ, các quan chức đã xác định kế hoạch tiếp tục xuất khẩu vắc xin “cây nhà lá vườn” từ tháng tới, sau khi đình chỉ các lô hàng từ tháng 3 trong bối cảnh nước này bị làn sóng lây nhiễm thứ tư tấn công dữ dội.

Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya nói với truyền thông địa phương rằng ông dự kiến ​​tổng sản lượng vắc xin trong nước sẽ vượt quá một tỷ liều trong quý cuối cùng của năm 2021, "quá dư để đáp ứng nhu cầu trong nước".

Trước khi hạn chế xuất khẩu, Ấn Độ - nơi có nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới là Viện Huyết thanh (SII) - đã tặng hoặc bán hơn 65 triệu liều vắc xin cho hàng chục quốc gia, chủ yếu là phiên bản sản xuất trong nước của AstraZeneca, được biết đến ở Ấn Độ với tên Covishield.

Ba loại vắc xin nội địa được Ấn Độ chấp thuận sử dụng, bao gồm cả Covaxin của Công ty dược Bharat Biotech, đều chưa được WHO phê chuẩn. Các quan chức của WHO dự kiến ​​sẽ họp vào tháng tới để thảo luận về việc cấp phép khẩn cấp cho Covaxin, loại vắc xin cho đến nay mới chỉ được cấp quyền sử dụng ở một số ít các nước đang phát triển như Guyana, Philippines và Zimbabwe.

Bharat Biotech cho biết họ dự kiến ​​sẽ sản xuất 35 triệu liều vắc xin Covaxin (được báo cáo hiệu quả 77,8%) vào tháng 9 và 55 triệu liều vào tháng 10, với kế hoạch sản xuất 100 triệu liều mỗi tháng trước cuối năm nay.

Ngoài Cuba và Ấn Độ, các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam cũng đang nỗ lực phát triển vắc xin sản xuất trong nước với kỳ vọng đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nhiều năm tới.

Thanh Hiền (theo SCMP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI