Nửa thế kỷ vẫn vẹn nguyên lời Bác dặn

20/05/2015 - 17:58

PNO - PN - Bà Ba Châu (Nguyễn Thị Châu, SN 1938) đã vinh dự được gặp Bác Hồ bốn lần tại Phủ Chủ tịch trong năm 1969. Dẫu đã qua hơn 45 năm, những lời dặn dò ân cần của Bác ngày ấy vẫn còn đậm sâu và là kim chỉ nam dẫn đường cho...

edf40wrjww2tblPage:Content

HỌC CHỮ TRÊN ĐƯỜNG RA CHỢ

Bà Ba Châu là con gái đầu trong một gia đình lao động nghèo tại Biên Hòa, Đồng Nai. Ba của bà làm giao liên từ thời chống Pháp, còn má vừa bán cá ngoài chợ Biên Hòa, vừa nuôi giấu bộ đội. Mới sáu-bảy tuổi, Ba Châu đã lẽo đẽo theo má ra chợ. Mỗi lần ngang qua ngôi trường nhỏ ven đường, Châu lại len lén kiễng chân nhìn vào tấm bảng đen, đánh vần từng chữ cái theo nhịp thước của ông giáo già.

12 tuổi, Châu thưa với má xin cho lên Sài Gòn thi vô trường nữ trung học Gia Long. Nghe con nói, má giật thót mình bởi con gái đã được cắp sách tới trường ngày nào đâu mà dám cả gan lên Sài Gòn. Vậy mà, Châu thi đậu thật. Cái khung nội quy thông báo ngày nhập học nhất thiết phải có ba bộ áo dài, hai bộ bà ba, một chiếc gối trắng, drap trải giường… khiến Châu rùng mình.

Ba bị cảnh sát tra tấn, treo ngược cho đến khi bất tỉnh, rồi mất năm Châu 11 tuổi. Trước đó, cậu của Châu cũng bị thực dân Pháp bắn đổ ruột. Không lâu sau, mợ qua đời bỏ lại năm người con nheo nhóc. Má Châu đón hết các cháu về nuôi, cả con, cả cháu thành 10 đứa. Cơm còn không đủ ăn, lấy tiền đâu má mua cho Châu những đồng phục như quy định của nhà trường. Nuốt nước mắt vào lòng, Châu về Biên Hòa bán cá, giấc mơ trở thành y tá hoặc cô giáo cứ tắt dần.

Hai người con trai của dì Năm Lình ở gần nhà Châu học trường Huỳnh Khương Ninh (Sài Gòn). Thương Châu nhà nghèo lại ham học, năm 1952, hai anh xin với nhà trường cấp học bổng cho Châu. Vậy là Châu lại khăn gói đi học. Ở trường Huỳnh Khương Ninh, cô bé bán cá Nguyễn Thị Châu là trưởng ban toán của lớp, kiêm đội trưởng đội văn nghệ Mầm Non.

Bà Ba Châu nhớ lại: “Chúng tôi tham gia rất nhiều phong trào của học sinh, sinh viên Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau khi Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời, tôi được tổ chức đưa vô chiến khu hoạt động từ cuối năm 1960.

Nua the ky van ven nguyen loi Bac dan

Bà Ba Châu trong một lần đi thăm nhà máy dệt nữ tại thành phố Minsk, Belarus năm 1969

“GẶP BÁC KHÔNG ĐƯỢC KHÓC”

Nghe tôi hỏi chuyện những lần vinh dự được gặp Bác Hồ, bà Ba Châu như chực khóc. Chuyện qua lâu rồi, nhưng với bà, hình ảnh Người vẫn nguyên vẹn trong tim. Tháng 2/1961, bà bị bắt. Trải qua không biết bao nhiêu đòn tra tấn dã man chết đi sống lại hàng trăm lần, bà Ba Châu vẫn giữ tròn khí tiết. Ngày 15/10/1964, ngụy quyền xử bắn anh Nguyễn Văn Trỗi. Sài Gòn sục sôi. Phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên bùng nổ. Trước tình hình rối ren đó, Ba Châu được thả. Về nhà với má đúng một đêm, bà vô lại căn cứ hoạt động trong Đoàn Thanh niên khu Sài Gòn - Gia Định (T4), sau chuyển qua Hội Liên hiệp phụ nữ giải phóng.

Tháng 5/1969, Ba Châu cùng đoàn đại biểu miền Nam được ra thăm Thủ đô Hà Nội. Trưa ngày 17/5/1969, Ba Châu và bà Phan Thị Quyên (vợ anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi) nhận được thông báo chuẩn bị đi công tác. Đúng 9g ngày 19/5/1969, một chiếc xe Volga đến rước Ba Châu và Quyên tới Nhà khách Ban Thống nhất. Đón họ vào Phủ Chủ tịch là đồng chí Vũ Kỳ, thư ký của Bác.

“Thấy chú Vũ Kỳ, tôi bấm tay Quyên nói khẽ “chắc mình được gặp Bác rồi Quyên ơi”. Vừa đi, chú Vũ Kỳ vừa dặn dò: “Gặp Bác không được khóc. Các cháu khóc nhiều sẽ làm Bác xúc động, không có lợi cho sức khỏe vì Bác dạo này yếu nhiều”, bà Châu xúc động nhớ lại.

Từ trong nhà sàn, Bác chống gậy vòng qua ao cá đi về phía hai người. Bác mặc bộ quần áo kaki, đầu đội mũ bê rê, tay chống gậy. Xúc động quá, hai cô gái miền Nam quên mất lời dặn của chú Vũ Kỳ, chạy ào tới ôm Bác và òa khóc. Bác xoa đầu từng người, hỏi Quyên đây phải không, Châu đây phải không. Rồi Bác ân cần hỏi về phong trào của phụ nữ miền Nam. Bác cũng hỏi đi đường thế nào, ra Bắc nóng quá có ngủ được không, tình hình trong Nam, ở R (Trung ương Cục miền Nam - PV) có thiếu thốn không, gia đình, cha mẹ ra sao… Kể đến đây, bà Châu nhìn ra cửa, môi run run vì xúc động.

Nua the ky van ven nguyen loi Bac dan

Vợ chồng bà Ba Châu xem lại những tấm hình thời trẻ

Ngày 5/6/1969, hai chị em lại được đón vào thăm Bác. Quyên và Châu báo cáo với Bác sẽ được Ban Thống nhất bố trí cho đi nghỉ và thăm một số nước XHCN, tham gia đoàn phụ nữ sang Cuba dự kỷ niệm 10 năm chiến thắng Moncada vào ngày 26/7. Bà Ba Châu kể: “Bác dặn chúng tôi, sang Cuba sẽ phải tiếp xúc với nhiều tầng lớp nhân dân, nên có bộ bà ba khi về nông thôn, bộ quân phục giải phóng quân cùng mũ tai bèo khi xuống thăm đơn vị bộ đội, còn áo dài để đi máy bay và dự tiệc. Lúc đó, tôi chỉ có 33kg, sức khỏe yếu. Bác sợ tôi đi đường xa không chịu nổi nên khuyên ra Hạ Long dưỡng bệnh hai tuần”.

Hôm 12/7/1969, Bác lại cho gọi hai người vào gặp. Đến ngày 14/8/1969, bà Ba Châu được gặp Bác lần cuối cùng. Bác ở nhà sàn, ngồi trên ghế mây, khăn len quấn cổ. Bác ôm ngực ho khan. Bác hỏi Châu đi Hạ Long về có lên cân không và bảo chú Vũ Kỳ lấy cân đồng hồ ra cân trước mặt Bác. Thấy Châu lên được hai ký lô, Bác rất vui.

Ngày 23/4/1975, bà Ba Châu trở lại Sài Gòn với nhiệm vụ đặc biệt là lãnh đạo cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Q.10. Vô nhà cơ sở được một lúc thì cảnh sát ập đến...

***

Từ 30/4/1975, bà Ba Châu làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Q.10. Sau đó, bà chuyển sang Hội LHPN TP.HCM phụ trách mảng chăm lo đời sống phụ nữ, trẻ em. Ghi nhớ lời dặn của Bác, dù ở cương vị nào, bà cũng kiên trì đi xuống cơ sở, vừa thăm nom, vừa sâu sát đời sống người dân để biết tâm tư, tình cảm, khả năng của từng người rồi bồi dưỡng, giúp đỡ.

Một chiều giữa tháng Năm, trong căn nhà nhỏ trên đường Nguyễn Duy Dương (P.3, Q.10), vợ chồng bà Ba Châu lúi húi bên chồng sách, báo cũ. Ông Lê Hồng Tư (SN 1935, chồng bà Ba Châu) xếp cẩn thận từng tờ báo và những cuốn sách về biển đảo, về Trường Sa - Hoàng Sa thân yêu. “Tôi làm cho gọn đặng san sẻ với bà con chòm xóm, ai muốn đọc thì tới lấy” - ông Tư giải thích. Như một nếp quen, bao năm nay, vợ chồng bà Ba Châu vẫn cần mẫn “học và hành” qua sách, báo, qua những buổi nói chuyện chuyên đề như thời son trẻ. Bà nói, lời dặn của Bác Hồ vẫn còn nguyên đó, học là hành trình dài cả đời người chứ đâu phải năm, ba năm...

 THẢO NGUYÊN

  

Xúc động quá, hai cô gái miền Nam quên mất lời dặn của chú Vũ Kỳ, chạy ào tới ôm Bác và òa khóc. Bác xoa đầu từng người, hỏi Quyên đây phải không? Châu đây phải không?
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI