Nữ sinh hút thuốc lá điện tử gia tăng

28/07/2025 - 20:39

PNO - Trong 2 ngày 28 và 29/7 tại Quảng Ninh, Bộ GD-ĐT chức Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT năm 2025 với sự tham dự của 34 Giám đốc sở cùng nhiều cơ sở đào tạo ngành sư phạm.

Quang cảnh Hội nghị Giám đốc Sở GD-ĐT năm 2025. Ảnh: Trần Hiệp
Quang cảnh Hội nghị - Ảnh: Trần Hiệp

Tại hội nghị, ông Hoàng Đức Minh - Vụ trưởng Vụ Học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) - cho biết, năm học 2023-2024 ghi nhận 466 vụ bạo lực học đường, liên quan đến 1.453 học sinh, giảm lần lượt 20,6% và 24,2% so với năm học trước. Đáng chú ý, số học sinh nữ có liên quan giảm 29,4%.

Tuy vậy, hiện tượng bắt nạt trên môi trường mạng vẫn đáng lo ngại với 28 trường hợp trong 5 tháng đầu năm 2025. Con số này được cho là còn thấp so với thực tế do tính chất âm thầm, khó phát hiện của hành vi này.

Từ ngày 21/12/2023 đến 21/12/2024, cả nước xảy ra 4.111 vụ tai nạn giao thông liên quan học sinh, chiếm 17,45% tổng số vụ tai nạn toàn quốc. Ngoài ra, có 365 trường hợp học sinh, sinh viên bị xử lý vì vi phạm an toàn giao thông.

Tai nạn đuối nước cũng là một vấn đề nghiêm trọng. Mỗi năm, khoảng 700 trẻ em tử vong do đuối nước, trong khi tỉ lệ học sinh biết bơi chỉ đạt 33,75%. Cả nước chỉ có 8,6% trường học có bể bơi, chủ yếu dạy bơi dựa vào nguồn xã hội hóa.

Dù 100% Sở GD-ĐT đã ban hành kế hoạch tuyên truyền phòng chống tai nạn thương tích, nhưng đến cuối năm học 2024-2025, chỉ 30% tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Quyết định 1717/QĐ-TTg về phòng chống đuối nước.

Tỉ lệ học sinh 13-15 tuổi từng sử dụng thuốc lá điện tử tăng từ 3,5% (2022) lên 8% (2023), trong đó, nữ sinh chiếm 4,3%. Nguyên nhân chủ yếu do học sinh dễ tiếp cận sản phẩm qua mạng và cửa hàng gần trường.

Ngoài ra, trong 5 tháng đầu năm 2025 đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm tại trường học, ảnh hưởng đến 58 học sinh. Nguyên nhân chính là suất ăn bên ngoài và thực phẩm không đảm bảo quanh cổng trường, trong khi chưa có quy định pháp lý cụ thể về giám sát bữa ăn học đường.

Tại hội nghị, Bộ GD-ĐT đưa ra 8 nhóm giải pháp trọng tâm cho năm học 2025-2026. Trong đó:

1- Hoàn thiện thể chế: Xây dựng hành lang pháp lý đủ mạnh, từ Luật Giáo dục, Luật Nhà giáo đến bộ tiêu chí trường học an toàn, không bạo lực, không thuốc lá.

2- Giáo dục đạo đức, lối sống: Đổi mới nội dung và phương pháp giáo dục tư tưởng, lý tưởng sống; phát triển quy tắc ứng xử, tăng cường hoạt động Đoàn - Hội - Đội.

3- Tư vấn tâm lý học đường: Đẩy mạnh công tác xã hội, giáo dục kỹ năng, bồi dưỡng giáo viên về hỗ trợ tâm lý học sinh, tăng cường kết nối nhà trường - gia đình - xã hội.

4- Hỗ trợ toàn diện người học: Xây dựng dịch vụ hỗ trợ theo luật, triển khai đề án khởi nghiệp học sinh, sinh viên giai đoạn 2026-2035.

5- Phòng chống rủi ro: Tăng cường các chương trình phối hợp phòng chống bạo lực, ma túy, đuối nước, tai nạn thương tích, thuốc lá và rượu bia học đường.

6- Chuyển đổi số: Ứng dụng bản đồ số, kết nối chuyên gia, khai thác dữ liệu để cảnh báo sớm nguy cơ mất an toàn trong trường học, nhất là từ môi trường mạng.

7- Phát triển thể chất: Tổ chức hệ thống giải thể thao học sinh, tăng cường dạy bơi, võ cổ truyền, thành lập câu lạc bộ thể thao học đường.

8- Chăm sóc sức khỏe học sinh: Rà soát kế hoạch bảo vệ trẻ em, đào tạo y tế học đường, giám sát chất lượng bữa ăn học sinh có sự tham gia của phụ huynh.

Bích Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI