NSƯT Giang Châu: Còn đó tiếng khóc Trùm Sò

08/05/2019 - 14:20

PNO - Cuộc đời nam nghệ sĩ không có những vai kép chánh như ông từng mơ ước. Nhưng, những vai tính cách ghi dấu ấn của nghệ sĩ Giang Châu đã trở thành một phần ký ức đẹp của nghệ thuật cải lương.

Cuộc đời vốn là vòng xoay liên hoàn của sinh - lão - bệnh - tử, khó ai có thể tránh khỏi. Sau nhiều năm chống chọi với bệnh tật, NSƯT Giang Châu đã từ biệt khán giả trong những nỗi niềm tiếc thương. Mai đây, hình ảnh của cố nghệ sĩ sẽ lùi về dĩ vãng, nhưng tiếng hát Giang Châu sẽ còn vọng mãi theo năm tháng, như một phần hồi ức đẹp của nhiều thế hệ.

NSUT Giang Chau: Con do tieng khoc Trum So
NSƯT Giang Châu qua đời ở tuổi 67

Cố nghệ sĩ Giang Châu xuất thân trong một gia đình nghèo ở Bến Tre với nghề chăn trâu, làm ruộng. Mảnh đất miền Tây hiền hoà với những buổi đờn ca tài tử sớm nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật của Giang Châu, là khởi đầu để ông bước lên sân khấu lớn sau này. Buổi đầu, nam nghệ sĩ trui rèn bằng cách nghe cải lương qua radio rồi mày mò học theo. Trong hoàn cảnh khó khăn, ý chí và sự cố gắng của con người được thử thách để chinh phục những rào cản, Giang Châu là người như vậy, ông thuộc khá nhiều điệu, bài bản dù chỉ "học mò".

Khán giả đầu tiên của Giang Châu chính là những người dân quê, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời. Giọng hát trưởng thành từ những điều bình dị, gần gũi với cuộc sống đã giúp Giang Châu có sự trải nghiệm để thăng hoa về sau.

Để viết tiếp ước mơ, Giang Châu chọn Sài Gòn làm điểm đến bởi nơi đây quy tụ rất nhiều đoàn cải lương nổi tiếng. Đầu tiên, ông theo Đoàn Cải lương Phước Châu, sau đó là gánh Ngân Điện - Ngọc Đính, Thanh Hương - Hùng Minh, Minh Cảnh 2… - những gánh thuộc trung ban. Sau đó ông chuyển qua làm kép chánh cho gánh Trâm Hoa Mai rồi về gánh Hương Mùa Thu.

NSUT Giang Chau: Con do tieng khoc Trum So
Buổi đầu của sự nghiệp, nghệ sĩ Giang Châu từng hoạt động tại nhiều đoàn khác nhau, cả đại ban và trung ban.

Nghịch lý ở chỗ là kép trẻ nhưng Giang Châu sớm được giao những vai kép lão vì bị chê có giọng hát quá già. Phần vì không người nâng đỡ nên tài năng của ông như đoá hoa nở muộn. Về sau, khi nhìn lại, Giang Châu luôn biết ơn những ngày tháng khó khăn đó đã giúp ông mạnh mẽ, bản lĩnh hơn để tiếp tục theo đuổi nghề hát. Sau khi đất nước thống nhất, sự nghiệp của Giang Châu mới được chắp cánh khi ông về đoàn Sài Gòn 2. Nơi đây ghi dấu sự trưởng thành và giúp cái tên Giang Châu bắt đầu định hình rõ ràng.

Nhắc đến Giang Châu, vai Trùm Sò trong Ngao Sò Ốc Hến có thể là minh chứng rõ ràng nhất về thành tựu của ông trong sự nghiệp. Đi đến đâu, người ta cũng nhớ, nhắc và yêu cầu nam nghệ sĩ tái hiện tại hình ảnh kinh điển này. Giang Châu có gương mặt phúc hậu, nụ cười tươi tắn nhưng với Trùm Sò, nam nghệ sĩ biến hoá khá tài tình để trở thành một lão giàu có nhưng keo kiệt, tham lam tột độ.

NSUT Giang Chau: Con do tieng khoc Trum So
Trùm Sò là vai diễn để đời của cố nghệ sĩ Giang Châu. Trong ảnh, nghệ sĩ Giang Châu hoá thân thành Trùm Sò (bìa trái) diễn cùng nghệ sĩ Linh Châu và cố diễn viên Thái Sơn (bìa phải) - con trai của nghệ sĩ Giang Châu.

Từ tạo hình nhân vật đến lời thoại hay từng câu hát, Giang Châu đều mang đến sự trọn vẹn cho vai diễn. Người ta có thể cảm nhận rõ về sự tàn nhẫn, tham lam trong những lời đay nghiến của Trùm Sò với những kẻ yếu thế nhưng cũng thấy được sự keo kiệt, bủn xỉn và hèn nhát của nhân vật này khi kỳ kèo ngã giá với thần thánh hay ở chốn quan đường. Giang Châu mang đến nụ cười trào phúng, nhẹ nhàng mà thâm thuý từ trong cái chưa đẹp, từ bản ngã xấu xa của con người thông qua Trùm Sò.

Trước Giang Châu, vai diễn này đã gắn liền với tên tuổi của NSND Út Trà Ôn, một cây đại thụ của cải lương Việt Nam. Vì thế, nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại Giang Châu khó vượt qua cái bóng của người đi trước. Thực tế, có thời gian ông cũng đuối sức với vai Trùm Sò. Nhưng may mắn, ông kịp nhận ra để thay đổi chính mình. Giang Châu và các anh chị em nghệ sĩ bắt đầu trao đổi với NSND Ba Vân để phá cách các vai diễn, mang đến diện mạo mới mẻ hơn cho vở diễn này.

Trích đoạn trong vở Ngao Sò Ốc Hến:

Tiếng khóc của Trùm Sò tựa như điệu kèn đám ma, nghe quái dị, bi thương nhưng cũng đầy châm biếm cho một gã hà tiện, bủn xỉn, tiếc của đã trở thành dấu ấn khó thể phai nhoà của Giang Châu. Ông ra đi, nhưng tiếng khóc của Trùm Sò vẫn ở lại trong lòng khán giả, cũng là mãn nguyện cho một kiếp tằm nhả tơ. Người ta có thể ghét Trùm Sò nhưng thương Giang Châu bởi cái tình ông dành trọn cho vai diễn này. Để có được phiên bản Trùm Sò như thế, Giang Châu đã vượt qua chính mình bởi ngoài đời thật, tính cách ông hoàn toàn khác. Trùm Sò là cuộc sống của Giang Châu khi trao tay khán giả, còn với cuộc sống riêng ông khá thoải mái, phóng khoáng, vui vẻ nhưng có nguyên tắc.

Sự nghiệp của Giang Châu còn được nhớ đến với vai Trần Hùng, một phế binh trong vở cải lương Tìm lại cuộc đời. Ánh mắt đầy oán hận nhưng bất lực cùng tiếng "hỡi ơi" của Trần Hùng như gói trọn đau thương được thể hiện qua tài năng của Giang Châu đã trở thành những khoảnh khắc đẹp nhưng đầy ám ảnh của cải lương Việt Nam. Ánh mắt rưng lệ cùng lời than oán: “Ai đã giết tôi. Ai đã làm tan nát gia đình tôi” như gói gọn bi kịch của nhiều thanh niên thuộc thế hệ ấy. Hay câu hát “Rớt tú tài anh đi trung sỹ/ Em ở nhà lấy Mỹ sinh con/ Mai này yên chuyện nước non/ Anh về anh có Mỹ con anh bồng” được khán giả thuộc nằm lòng như một lời tự sự oán than đầy đau đớn của một kiếp người.

NSUT Giang Chau: Con do tieng khoc Trum So
Ánh mắt đầy ám ảnh của Trần Hùng (do nghệ sĩ Giang Châu thủ vai) trong vở Tìm lại cuộc đời.

Trích đoạn vở cải lương Tìm lại cuộc đời:

Vở cải lương Tìm lại cuộc đời cũng được nhiều đoàn dựng nhưng vai Trần Hùng có thể nói chỉ thuộc về Giang Châu. Từ cách ca, diễn, cố nghệ sĩ đều cho thấy chất đời rất rõ, không chỉ là một câu chuyện được mang lên màn ảnh, sân khấu. Gần 4 thập niên trôi qua, giọng hát mùi mẫn có phần uất nghẹn của Giang Châu dường như còn vẳng bên tai khán giả dẫu ông đã nói lời từ biệt nhẹ nhàng. Trần Hùng góp thêm một nét chấm phá độc đáo trên con đường chinh phục những vai cá tính của Giang Châu.

Xuất thân từ mảnh đất miền Tây nên vai Thừa trong Tiếng hò sông Hậu không thể làm khó Giang Châu. Ông vào vai một người nông dân dáng dấp cục mịch, tính tình bộc trực phải chịu sự bóc lột của cường hào, địa chủ. “Làm thì nặng, ăn thì nhẹ, nói thì bị cấm khẩu, chết còn sướng hơn” thốt ra từ chất giọng đậm chất miền Tây nhưng âm tiết nhấn nhá theo nhịp của Giang Châu như gửi trọn nỗi niềm của người nông dân một thuở.

Cách Giang Châu vấn thuốc rê, mang khăn rằn, điệu cười sảng khoái hay cách nói chuyện chân chất, mộc mạc nhưng đầy nghĩa tình đều khắc hoạ trọn vẹn hình ảnh người nông dân Nam bộ. Sự thể hiện có phần hài hước của Giang Châu giúp cái khổ, cái cùng cực đôi lúc trở nên nhẹ nhàng hơn. Diễn xuất cùng những tên tuổi như Diệp Lang, Út Bạch Lan… nhưng Giang Châu vẫn có chỗ đứng riêng của mình.

Trích đoạn vở Tiếng hò sông Hậu:

Miệt mài nhiều năm trên sân khấu, Giang Châu vẫn chưa có một vai kép chính như ông từng mong. Nhưng có lẽ ông không hối tiếc bởi sự nghiệp của Giang Châu cũng được ghi dấu ấn rõ ràng, sắc nét trong lòng nhiều thế hệ với Trùm Sò, Trần Hùng hay Thừa… Đời nghệ sĩ, bấy nhiêu là đủ cho một kiếp tằm nhả tơ. Giang Châu ra đi nhưng tình thương của khán giả dành cho ông vẫn còn mãi. Mai đây, người ta nhắc nhớ về Trùm Sò “Giang Châu” với những câu chuyện đẹp, huy hoàng của quá khứ để tiễn đưa ông.

Thuỵ Khuê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI