NSND Trà Giang: ‘Tôi lười lắm, nhưng chồng vẫn thương'

20/01/2018 - 06:30

PNO - NSND Trà Giang không ngại ngần cho rằng mình là người phụ nữ không giỏi làm vợ vì bà không giỏi đi chợ, không giỏi nấu nướng món ăn cho chồng nhưng lạ lùng là chồng vẫn thương.

Gặp NSND Trà Giang tại buổi triển lãm cá nhân mới nhất của bà – Qua miền Tây Bắc. Bên cạnh cô con gái Bích Trà, NSND Trà Giang không giấu được sự xúc động khi cuộc triển lãm được diễn ra vì cứ nghĩ sức vẽ của một người phụ nữ hơn 75 năm có mặt trên cuộc đời này không còn đủ sức. Nhưng rồi, niềm xúc động không chỉ đến từ niềm vui trong tranh vẽ mà còn là những giọt nước mắt nghẹn ngào khi nhớ về người chồng, người cha quá cố.

Tôi sợ vẽ cánh hoa tàn

* Sau 3 lần triển lãm cá nhân, hẳn bây giờ NSND Trà Giang đã tự tin với vai trò là một hoạ sĩ?

Thật sự, tôi bước vào thế giới hội hoạ vẫn còn rón rén bởi vì mỗi lần triển lãm là mỗi chủ đề, mỗi kỷ niệm khác nhau. Đối với mọi người như thế nào tôi không rõ nhưng với tôi, cứ âm thầm vẽ mỗi ngày rồi nghề dạy nghề thì mình lên tay. Nghệ thuật cũng cần sự tập luyện mà tôi thì thời gian và đam mê đủ lớn để có thể thực hiện mỗi ngày. Có hoạ sĩ không miệt mài vẽ như tôi nhưng chắc cũng vì hoàn cảnh của bản thân nên mỗi ngày tôi không vẽ cũng không được.

NSND Tra Giang: ‘Toi luoi lam, nhung chong van thuong'
NSND Trà Giang đã tổ chức 3 cuộc triển lãm tranh cá nhân

* Sự rụt rè đó cũng dễ hiểu khi bà từ một người “tay ngang” tham gia hội hoạ…

Việc đến với hội hoạ như một cơ duyên tôi cũng chẳng lý giải được, vì chưa bao giờ nghĩ đến việc mình sẽ vẽ khi về hưu. Tôi nghỉ đóng phim cũng lâu, từ năm 1990 rồi làm ở Viện tư liệu phim. Lúc đầu, vẽ chỉ là một cách để tôi giết thời gian nhưng rồi sau đó tôi nhận ra đây là niềm đam mê của mình.

Giai đoạn trước khi tôi còn khoẻ, có nhiều ngày tôi vẽ sáng, vẽ chiều đến đêm khi không còn chồng bên cạnh, tôi cũng tiếp tục vẽ vì mình cứ trằn trọc, cứ muốn nhìn bức tranh hoàn thiện nên thức đêm để vẽ. Đam mê đến mức mà ngủ mơ thấy màu, thấy tranh giống như hồi xưa trong giấc ngủ nằm mơ thấy nhân vật thời còn làm diễn viên vậy.

* Con gái của bà – nghệ sĩ piano Bích Trà nói gì trước đam mê hội hoạ của mẹ?

- Sau khi chồng mất, tính ra cũng 20 năm rồi, lúc đó Bích Trà là người chở tôi đi mua những hộp màu đầu tiên, chở tôi đi mua cọ, mua giấy. Tôi đam mê vẽ thì Trà cũng yên tâm mà học ở nước ngoài.

Trà bộc lộ sở thích vẽ còn sớm hơn tôi nữa. Trong năm đầu sang Anh du học, Trà đem về 3 bức tranh tự vẽ trong đó có 1 bức vẽ về mẹ. Tôi và chồng thích lắm nhưng sau đó con bận bịu với việc học rồi làm nên cũng không vẽ thêm. Còn chồng tôi là người khuyến khích tôi đi học vẽ, ông động viên tôi vẽ để giải toả cảm xúc nhưng được một thời gian thì chồng tôi lâm bệnh rồi qua đời.

* Thật khó để nhắc lại khoảng thời gian đó nhưng sau hơn 20 năm, với những nỗi buồn đã trải, dường như trong tranh của bà có một điều gì đó phảng phất những nỗi buồn này?

- Tôi cũng có nhiều nỗi buồn. Cuộc đời mà. Những mất mát, những khoảng trống khi người thân mất đi trong tôi nhiều lúc khiến mình nghĩ đến sự cô đơn trong cuộc đời.

Tôi cũng nghĩ trong hội hoạ, vẽ được nỗi buồn của con người, khắc hoạ được số phận của họ là điều hay nhất nhưng rồi cảm giác trong mình cứ không nỡ. Cuộc đời con người đẹp nhất lúc thanh xuân nên khi về già cảm giác mình lo nhiều thứ, lo những ngày sắp tới khi tuổi càng cao, sức khoẻ yếu dần thì tôi sẽ làm gì.

Hoặc giả, tôi thấy những hoạ sĩ vẽ những cánh hoa tàn là tôi cứ xót xa, không nỡ vẽ như vậy. Hoa cũng như đời người vậy, lúc đẹp nhất là khi còn trẻ nên tôi chỉ muốn vẽ lúc nó đang đẹp. Vẽ tranh thì truyền nỗi buồn vào tranh còn vẽ nên những bức tranh buồn thì tôi không dám. Tôi sợ mình vẽ xong đến khi nhìn lại vẫn thấy buồn và rồi người khác buồn theo.

NSND Tra Giang: ‘Toi luoi lam, nhung chong van thuong'
NSND Trà Giang và con gái - nghệ sĩ piano Bích Trà

* Trong những chuyến đi dài đóng phim thuở trước, chắc chắn sẽ có nhiều kỷ niệm đủ để NSND Trà Giang vẽ thành tranh, phải không?

- Lúc làm phim, tôi đi ngang cửa biển thấy đôi vợ chồng đang giặt lưới, xa xa là biển cả và những con thuyền nhỏ xíu trôi. Hình ảnh đó cũng làm tôi xúc động để vẽ thành tranh.

Khi tôi làm phim Chị Tư Hậu, tôi nhớ thời điểm quay phim gặp một cơn bão lớn. Cả làng chài không một bóng điện, chỉ có vài ánh đèn dầu sáng mờ mờ. Bầu trời thì đen kịt nhưng sấm chớp cứ nhá sáng rất hung dữ. Liên tục vài đêm liền khi mưa bão đến, tôi đi ra bờ biển nhìn thấy hình ảnh những người phụ nữ thắp nhang khấn vái trước biển để mong những chuyến tàu bình an. Tôi thật sự rất ám ảnh nhưng khả năng của mình chưa vẽ được cảnh phong ba bão táp đó.

* Nhưng thật sự, khi nhắc đến NSND Trà Giang, khán giả vẫn còn quen với danh xưng của một người diễn viên hơn là một hoạ sĩ, điều này có làm bà đắn đo trong vai trò mới?

- Khi chuyển sang hội hoạ, những kinh nghiệm khi tham gia phim ảnh cũng giúp tôi khá nhiều. Tôi học được từ người quay phim bố cục, hình ảnh, ánh sáng, màu sắc hoặc chí ít là có được kỷ niệm với mỗi vùng đất mà mình đi ngang để thành cảm hứng cho mình vẽ sau này.

Nghệ thuật thì vô chừng. Đôi khi mình tâm huyết thì sản phẩm không được đánh giá cao còn mình cứ cần mẫn vẽ thì có tác phẩm lại được người khác thích. Thôi thì chuyện này để dành cho khán giả nhận xét vậy.

NSND Tra Giang: ‘Toi luoi lam, nhung chong van thuong'
Hoa là một trong những hình ảnh thường được NSND Trà Giang vẽ

Điều may mắn trong cuộc đời là có được người chồng tốt

* Trong điện ảnh, hội hoạ bà được đánh giá cao, nhưng trong việc làm vợ, làm mẹ?

- Tôi không giỏi nội trợ, cũng không giỏi đi chợ quán mua thức này thức kia như nhiều người phụ nữ khác. Tôi là người lười ăn uống, lười tự chăm sóc mình. Ai cũng nói con gái thì nên uống cam mỗi ngày thì tốt cho da, cho tiêu hoá, ví dụ như vậy, nhưng tôi lười lắm, chẳng tự lo được. Nhưng rồi chồng vẫn thương.

Mỗi buổi sáng ông thường vắt cho tôi một cốc nước cam để đó. Tối thì ông pha cốc sữa. Sau này, khi con gái đi du học chỉ còn hai vợ chồng ở nhà, nếu không có ông thì tôi cũng chỉ ăn những bữa cơm cho qua ngày chứ không ăn uống những thứ tốt cho sức khoẻ. Đến những ngày đóng phim, ông cũng là người chăm con để tôi an tâm đi diễn. 

* Dẫu ông đã qua đời 20 năm nhưng dường như trong bà hình ảnh người chồng vẫn in sâu…

- Ông là người thương gia đình, thương vợ thương con. Ngày ông mất là một sự đau đớn, mất mát rất lớn với tôi. Tôi dễ xúc động khi nhớ lại những ngày đó.

Tôi nhớ một kỷ niệm mà thương nhất là lúc tôi đóng xong bộ phim Vĩ Tuyến 17 ngày và đêm, Bộ Văn hoá cử tôi đi tham gia Liên hoan phim Quốc tế Maxcova. Tôi không muốn đi vì khi đó Bích Trà mới có 3 tháng tuổi, nhưng rồi chồng tôi khuyên nên đi: “Em đi không phải vì em mà em đi vì đất nước mình”.

Tôi cứ chần chừ vì không muốn cai sữa cho Bích Trà quá sớm. Đến thời điểm còn 1 tuần nữa đi thì Bích Trà hoàn toàn không chịu bú bình, hễ đưa là cháu khóc thét lên. Tim tôi thắt từng đợt mỗi lần con khóc nhưng chồng kiên trì, hết bế bồng dỗ dành rồi đưa bình sữa tập cho con quen. 

Người ngoài nhìn vào cứ bảo chồng tôi sao vớ được cô Trà Giang hay thế vì lúc đó tôi có ngoại hình và lại còn nổi tiếng. Nhưng với tôi, tôi mới là người vớ được ông. Ông là người tử tế, yêu thương và hiểu vợ mình. Nghề nghiệp của tôi phải đi đóng với người này người kia, đi diễn ở xa thì nếu gặp một người chồng ghen tuông, không thương con, chắc gia đình tôi cũng tan vỡ từ lâu rồi.

NSND Tra Giang: ‘Toi luoi lam, nhung chong van thuong'
Trà Giang từng ghi dấu ấn trong nhiều vai diễn thời trẻ: Chị Tư Hậu, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm

* Có bao giờ, bà nghĩ đến một điều giá như trong cuộc sống này còn sự hiện diện của ông…

- Có chứ. Tôi buồn vì ông phải đi sớm. Tôi và Trà cũng thường nói với nhau, đến lúc con trưởng thành, kinh tế gia đình đã khấm khá hơn thì ông không còn. Con hay nói không còn ba để gia đình mình đi chơi ở chỗ này chỗ kia với nhau. Nhưng thôi nếu ông biết được ngày hôm nay tôi làm triển lãm này chắc sẽ vui và bất ngờ lắm. Nhiều khi cứ nghĩ đến chuyện giá như ông còn sống, à nhưng nếu còn ông thì chắc sẽ không có triển lãm đâu vì tôi phải lo cho ông rồi 2 vợ chồng còn phải đi du lịch nữa.

NSND Tra Giang: ‘Toi luoi lam, nhung chong van thuong'
Chuyến đi Tây Bắc cùng NSND Thanh Vân, Lý Thái Dũng để tìm cảnh quay phim giúp nữ nghệ sĩ chớp được nhiều khoảnh khắc đẹp

Tôi nhớ những vai diễn của mình

* Nhắc đến NSND Trà Giang, khán giả không thể quên những vai diễn trong … bây giờ nhắc lại, bà nhớ nhất điều gì?

- Tôi nhớ đến những chuyến đi thực tế ngày trước khi đóng phim. Trước mỗi bộ phim, nếu có đủ kinh phí, chúng tôi đều được đi thực tế để viết lý lịch nhân vật. Tôi phải phân tích kịch bản, nhân vật mà mình thể hiện. Nếu tôi đóng vai người yêu hay vợ của anh này thì tôi phải tưởng tượng cảnh tôi và anh gặp nhau như thế nào, tự tình như thế nào để nắm chắc được tâm lý nhân vật. Hồi đó được một vai diễn đâu có dễ nên chúng tôi trân quý lắm.

* Theo bà, diễn viên bây giờ có được sự nghiêm túc và hết mình với nghề như thời mà bà từng trải?

- Tôi không quơ đũa cả nắm vì ở thời điểm hiện tại, vẫn có những bạn trẻ hoạt động nghiêm túc, xả thân vì nghề. Ví dụ như Trương Ngọc Ánh là diễn viên có nhiều vai diễn tôi thấy cô ấy phải bỏ công sức nhiều như trong Hương Ga hoặc lớp trẻ về sau còn có Kim Tuyến, Nhã Phương.

Đặc biệt là Nhã Phương, nữ diễn viên có đôi mắt truyền tải được cảm xúc trong nhiều cảnh rất tốt. Nhiều khi nghề của tôi, người diễn viên cần rất nhiều cận cảnh để thể hiện được nhân vật, từ cái rung trên gương mặt, ánh mắt để thể hiện mình am hiểu nhân vật đến đâu thì Nhã Phương làm rất tốt cận cảnh. Đôi mắt của cô ấy tôi rất thích.

Sau thời của tôi, ở ngoài Bắc thì có Minh Châu, Phương Thanh, Thanh Quý… trong Nam thì có Ngọc Hiệp, Hồng Ánh. Tôi cũng ấn tượng với Hồng Ánh, đâu dễ gì trong 2 mùa Liên hoan phim, một nữ diễn viên được nhận giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất. Đó là một sự công nhận dành cho các diễn viên trẻ sau này.

NSND Tra Giang: ‘Toi luoi lam, nhung chong van thuong'
Sau nghiệp diễn xuất, NSND Trà Giang tìm thấy niềm vui trong hội hoạ

* Vậy còn về điện ảnh Việt Nam, một người từng chứng kiến nhiều thăng trầm như bà, ắt hẳn cũng có nhiều điều muốn nói?

Thật sự bây giờ, điện ảnh khác trước nhiều lắm. Ngày xưa đơn giản hơn, thời của tôi, cái khó khăn là phương tiện kỹ thuật. Máy quay thì Liên Xô cho, Trung Quốc thì cho hộp màu trang điểm đánh vào thì mặt nổi dị ứng ngứa đỏ hết.

Các em bây giờ thì đầy đủ mọi thứ, đến cơ hội ra quốc tế học cũng có nhiều nên các em được rộng mở con đường diễn xuất. Nhưng các em gặp khó ở chỗ là thiếu sự công nhận từ công chúng. Các em thiếu kịch bản hay để được mọi người nhắc đi nhắc lại, hoặc xong một bộ phim chiếu ra thị trường nhưng rồi chẳng ai nhớ vai diễn đó, nhớ kịch bản phim đó là gì.

Đặc biệt phim truyền hình làm rất ẩu. Phim điện ảnh thì vì kinh phí cao nên họ chú trọng nhiều hơn đến chất lượng và nếu muốn biết điện ảnh Việt Nam đang như thế nào thì nên xem phim rạp để cảm nhận.

* Với một người tâm huyết với điện ảnh nước nhà, có lẽ những thay đổi trong kỳ Liên hoan phim lần thứ 20 vừa rồi cũng khiến bà phải suy nghĩ?

Phim nhà nước lọt khỏi Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 20 cũng có nhiều lý do chứ không tự nhiên mà mất đi được. Thời điểm đầu khi mới thành lập Hãng phim Truyện Việt Nam thì mỗi một năm làm được 4 phim đã là nhiều. Chung một dòng sông là bộ phim đầu tiên rồi sau đó mỗi một năm, con số phim thực hiện được cứ tăng lên từ 1, 2, 3, 4 cho đến 10 phim khi đất nước được thống nhất.

Nhưng rồi nền kinh tế thay đổi, phương thức làm phim cũng thay đổi nên việc sản xuất phim một cách ào ào mà không có chất lượng khiến phim nhà nước đi xuống. Việc đòi hỏi diễn viên truyền hình nắm được kịch bản, thuộc thoại trước khi diễn cũng là điều bất khả thi. Cho đến bây giờ, phim điện ảnh tư nhân với tôi là một sản phẩm được làm chỉn chu còn về truyền hình hay phim nhà nước có nhiều điều phải nói đến.

NSND Tra Giang: ‘Toi luoi lam, nhung chong van thuong'
NSND Trà Giang vẫn giữ được vẻ đẹp vốn có dù bà đã 75 tuổi

* Bà là một trong những người từng lên tiếng về việc cổ phần hoá Hãng phim truyện  Việt Nam, thật sự đến giờ phút này quan điểm của bà như thế nào?

- Chuyện cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam đến giờ nay mệt mỏi lắm rồi. Tôi không còn làm nghề nhưng nhìn các em làm phim hiện tại như đạo diễn Thanh Vân chẳng hạn, thấy rất thương.

Nhưng phải nhắc để nhớ, việc tồn tại hơn nửa thế kỷ của Hãng phim truyện không quan trọng bằng việc Hãng phim đã làm được những bộ phim phản ánh được cả một giai đoạn lịch sử, phản ánh được số phận con người của một thời kỳ, chế độ. Nhưng rồi cổ phần hoá, doanh nghiệp bước vào và đánh giá những giá trị chúng tôi đã làm ra được bằng con số 0. Điều đó thật sự đau đớn và tôi không ngại gọi là sự vô ơn.

Họ không hiểu được tính chất nghề nghiệp, đâu thể coi xưởng phim là một xí nghiệp để rồi mọi người phải đến chấm công hằng ngày. Lãnh đạo mới của hãng phim phải là một người trong nghề thì mới hiểu được tính chất công việc, sự việc được lên tới Chính phủ nhưng hiện tại kết luận cũng không thấy đâu. Chúng tôi đã chờ đợi quá lâu rồi.

* Có phải vì những thay đổi trong thời thế từ giai đoạn mở cửa và những khúc mắc như thế này khiến bà quyết định thôi việc làm diễn viên của mình từ rất sớm?

- Tôi kết thúc nghiệp diễn xuất cũng là một câu chuyện tình cờ, không phải trong đầu mình nghĩ mình sẽ nghỉ diễn. Thời kinh tế hội nhập và mở cửa, tôi cứ đau đáu chờ một kịch bản hay, một vai diễn phù hợp cho tôi thể hiện bản thân.

NSND Tra Giang: ‘Toi luoi lam, nhung chong van thuong'
NSND Trà Giang hiện tại sống ở TP.HCM

Lúc đầu là tôi thật sự chờ kịch bản hay nhưng cứ chờ hoài mà không thấy thành ra đến lúc thấy mình già đi. Tôi không gặp được kịch bản thể hiện được đời sống con người thường nhật còn những kịch bản trần trụi thì tôi sợ bên phát hành phim lại không mua.

Tính ra lúc chờ đợi mòn mỏi, tôi cũng nhận được một kịch bản phim bấm máy sau tết nhưng đang tết thì bên phát hành bảo không mua nữa, thế là ê-kíp làm phim phải giải tán. Tôi thấy tới đó thì đời làm phim của mình sao mà khổ cực quá nên rồi thôi. Có thể ông trời cũng cho tôi dừng lại đúng thời điểm để khán giả vẫn nhớ đến tôi với các vai diễn của mình.

* Cảm ơn NSND Trà Giang đã chia sẻ.

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI