Nỗi lo dịch bệnh ở những khu nhà trọ

21/07/2022 - 06:35

PNO - Với diện tích mỗi phòng khoảng hơn 10m2, ẩm thấp, chen chúc nhau từ 1-6 người, những khu nhà trọ cho công nhân thuê tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nhiều loại dịch bệnh.

 

“Đợt dịch COVID-19 năm ngoái, khu nhà trọ của tôi đã có bốn người tử vong, 100% người ở trọ và cả gia đình tôi cũng nhiễm bệnh”, anh Lương Ngọc Nhẹ, ở xã Thạnh Phú, H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai, nhớ lại. Nhà trọ của anh Nhẹ gồm khu A và B với tổng cộng khoảng 300 phòng, trong đó, khu A có đến 170 phòng còn lại là khu B. Mỗi phòng có diện tích từ 12-15m2 cộng thêm gác lửng vài m2. Do ở gần nhiều công ty có đông công nhân nên lúc nào nhà trọ này cũng kín người ở, riêng khu A đã có trên 300 người. 

Khu trọ được xây dựng theo kiểu hai dãy phòng song song, giữa là lối đi chỉ khoảng 1m. Do người ở đông, không gian chật hẹp nên mỗi đợt có dịch bệnh truyền nhiễm đều rất căng thẳng. Hiện anh Nhẹ đang lo, học sinh được nghỉ hè lên ở cùng cha mẹ đang làm công nhân tại khu nhà trọ khá đông. Trong khi, dịch sốt xuất huyết đang tăng mạnh và COVID-19 đang đe dọa quay trở lại thì việc có ca bệnh xuất hiện là khó tránh khỏi. 

Quê ở Nghệ An, gần 20 năm nay, bà Hồ Thị Hoa (52 tuổi) vào làm công nhân tại Công ty TNHH Chang Shin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai). Từ ngày làm công nhân, bà Hoa đã gắn liền với căn phòng trọ nhỏ chừng 10m2. Giờ tuổi đã lớn, lại không lập gia đình nên nhiều lần bệnh tật ốm đau, chỉ mình bà thui thủi ở phòng trọ. Các đợt dịch từ COVID-19 đến sốt xuất huyết, bà đều không tránh khỏi. 

Còn chị Hoàng Thị Kim Chi (quê ở Kiên Giang), mỗi khi đi làm về là đóng cửa ở trong phòng. Phần vì để “tránh” dịch bệnh, phần vì khu trọ nơi chị ở (thị trấn Hiệp Phước, H.Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), khá ẩm thấp, lại đông người. Chị chia sẻ: “Cả mùa dịch năm ngoái, tôi chỉ ở trong phòng, vì sợ thành F0. Năm nay, dịch sốt xuất huyết bùng phát, tôi càng lo hơn vì xung quanh đã có người bệnh. Trong khi muỗi ở khu vực này khá nhiều”.  

Theo Sở Y tế Đồng Nai, giám sát thực tế trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư cho thấy, rất nhiều khu nhà trọ trên địa bàn tỉnh được xây dựng theo kiểu hai bên song song nhau, ở giữa lối đi chỉ khoảng 1m. Từ đó, chỉ cần một ca dương tính với SARS-CoV-2 thì gần như cả dãy trọ trở thành F0. Rồi F0 đó lại đến giao lưu với dãy trọ khác tạo nên ổ dịch mới. Bác sĩ Đậu Ngọc Trung - phụ trách Khoa Kiểm soát bệnh tật, Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa - cho hay các ổ dịch sốt xuất huyết hay COVID-19 đa số đều xuất phát từ khu nhà trọ. “Việc phòng, chống dịch ở những khu này khá khó khăn vì chật hẹp, đông đúc. Không dễ gì ai cũng chịu ở yên trong phòng trọ nhỏ 24/24. Ít nhất, họ cũng ra trước cửa phòng hít thở hay nói chuyện nên chỉ cần một người bệnh là cả dãy bị”, bác sĩ Trung cho hay.

Năm nay, dịch sốt xuất huyết cũng “đi theo vùng” và lây lan nhanh nên số người lớn bị bệnh, kèm theo giảm tiểu cầu tăng cao. Bác sĩ Trung nhấn mạnh: “Nếu một con muỗi mang mầm bệnh sốt xuất huyết mà không bị diệt sẽ có khả năng lây bệnh cho gần 200 người. Từ người bị bệnh, con muỗi khác đốt và lại tiếp tục truyền bệnh nên số ca bệnh sẽ tăng theo cấp số nhân”.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Nai, vấn đề vệ sinh môi trường ở các khu nhà trọ công nhân hiện nay gần như rất khó kiểm soát. Sống trong những khu nhà trọ xuống cấp, ẩm thấp, điều kiện vệ sinh môi trường kém, làm việc vất vả, ăn uống sơ sài... là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tật cho người lao động. 

Gia Huy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI