Nỗi khổ thi trực tuyến

15/11/2021 - 13:29

PNO - Học trên phần mềm này đến khi thi lại cài thêm một phần mềm khác để nộp bài, tìm đâu ra camera để giám sát làm bài, đang thi rớt mạng… là những khó khăn mà học sinh học online phải đối diện trong những kỳ thi đặc biệt này.

 

 

Học sinh tiểu học gặp nhiều rắc rối khi kiểm tra trực tuyến
Học sinh tiểu học gặp nhiều rắc rối khi kiểm tra trực tuyến

Rắc rối với cả người lớn

Anh Trần Thanh, phụ huynh lớp 4 tại Q.12 (TPHCM ), cho biết: “Thời gian này, trường con tôi đang trong thời gian thi giữa học kỳ I. Lần đầu tiên thi theo hình thức trực tuyến nên phụ huynh nháo nhào cả lên để tìm cách hỗ trợ con vô đúng giờ thi. Trước một ngày thi, trong nhóm Zalo của lớp, phụ huynh hết nêu ý kiến vì rắc rối khi cài phần mềm mới đến thắc mắc về mã ca thi. Bình thường các con học bằng Google Meet hoặc Zoom. Đến ngày thi giữa học kỳ phải cài thêm phần mềm Azota. Rồi ở một nhóm khác, cô chủ nhiệm lại gửi thêm đường link đăng nhập vào hệ thống kỳ thi chính thức gì nữa… hoa mắt cả lên. Nhiều phụ huynh cài đặt trật vuột mấy lần vẫn không được”. 

Các phụ huynh trong nhóm lớp bày tỏ rằng thi trực tuyến quá rắc rối. Bản thân phụ huynh còn chới với trong mớ phần mềm chưa được hướng dẫn trước, huống hồ gì những học sinh không có cha mẹ hỗ trợ hoặc cha mẹ không biết chút gì về công nghệ là coi như bó tay. Nếu không có người hỗ trợ, các con sẽ không thể vào thi được, rất thiệt thòi.

Trong khi đó, chị Nguyễn Lan, phụ huynh lớp 4 Trường tiểu học Trần Bình Trọng (Q.5, TPHCM ), cho hay, theo lịch thi giữa kỳ thì con chị đã thi xong môn tập đọc, còn môn tiếng Việt sẽ thi vào ngày 23/11 và toán thi vào ngày 24/11. Bình thường con chị học bằng Zoom nhưng phần mềm này không có chức năng thi nên khi kiểm tra hay thi học sinh sẽ nộp bài bằng phần mềm Azota. Trước khi thi, cô có gửi mẫu giấy thi, phụ huynh có điều kiện in thì in, không thì dùng giấy đôi và kẽ theo mẫu. Ở môn thi tập đọc, học sinh lần lượt đọc và trả lời câu hỏi, sau khi thi xong thì “out” khỏi lớp.

Với hai môn còn lại, học sinh mở phần mềm Zoom, camera sẽ quay được học sinh làm bài và quy định là sau khi hết giờ làm bài phụ huynh phải chụp gửi nộp giáo viên ngay. Vì vậy, lúc con thi, chị sẽ xin nghỉ làm để ngồi bên cạnh hỗ trợ. Khi làm bài xong, học sinh sẽ chụp hình và gửi về cho giáo viên bằng phần mềm Azota; cô sẽ chấm điểm và góp ý trên đây, phụ huynh đăng nhập vào sẽ thấy kết quả…

Còn chị Thiện Nhung (Q.1, TPHCM ) hơi lo về đứa con học lớp 2: “Lịch thi giữa kỳ dự kiến của con sẽ diễn ra vào 17/11. Cô đã gửi cho cha mẹ mẫu giấy làm bài để in sẵn cho con. Đến giờ thi, các con sẽ vào chương trình Google Meet bật camera để cô quan sát quá trình làm bài. Khi đó, cô sẽ ra yêu cầu làm bài, các con làm trực tiếp trong thời gian quy định. Hết giờ, sẽ chụp lại bài làm rồi đăng nhập vào tài khoản trên chương trình Google Classroom để nộp bài”. 

Con thi nhưng cha mẹ phải nghỉ làm để hỗ trợ, đồng hành là tình huống bất khả kháng mà việc dạy học online mang lại. Cả thầy, trò lẫn phụ huynh đều mệt mỏi sau nhiều giờ căng thẳng trên máy tính. Rắc rối với phần mềm, trục trặc với đường truyền… cũng làm giảm hứng thú và hiệu quả học đáng kể. Nhiều phụ huynh lo rằng, nếu đang thi mà rớt mạng thì không biết tính thế nào.

Không tạo áp lực cho trò và thầy 

Theo các nhà sư phạm, dù thực sự việc dạy và học, thi cử bằng hình thức trực tuyến có nhiều khó khăn, song chúng ta phải chấp nhận và tìm cách thích ứng dù kết quả có thể chưa như mong muốn. 

Bà Phạm Thúy Hà, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Q.4 (TPHCM ), cho biết: “Về nội dung kiểm tra giữa kỳ, chúng tôi bám sát vào hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo để hướng dẫn các trường cho học sinh kiểm tra theo tiêu chí tinh gọn, nhẹ nhàng, không gây áp lực cho học sinh. Riêng với phần mềm để kiểm tra, các trường chủ động lựa chọn miễn sao hiệu quả và tiện lợi cho người học. Trong quá trình kiểm tra, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh bật camera để quan sát nhưng đồng thời cũng là để hỗ trợ khi học sinh cần. Vì thế, học sinh cũng như phụ huynh không nên quá căng thẳng”. Bên cạnh đó, bà Phạm Thúy Hà cũng lưu ý phụ huynh có thể hỗ trợ con về kỹ thuật trong quá trình con kiểm tra nhưng tuyệt đối không tìm cách can thiệp vào kết quả làm bài của con.

Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TPHCM ) đã chọn cách kéo giãn thời gian thi giữa kỳ đến ba tuần để thầy cô và học sinh thoải mái. Đề thi của phần lớn các môn thi sẽ ra dạng mở, hình thức thể hiện là yêu cầu học sinh làm sản phẩm, làm dự án nhóm, làm video clip, sơ đồ tư duy hoặc thuyết trình… Để làm được những yêu cầu này, bắt buộc học sinh không chỉ học hiểu kiến thức của môn học mà còn phải đọc thêm tài liệu các môn khác. Với những môn cần trắc nghiệm, giáo viên làm sẵn Google Form để học sinh làm và nộp trực tiếp…

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng nhà trường, cho hay: “Chúng ta cần khai thác trí tuệ, sự sáng tạo của học sinh bằng cách kiểm tra mới, theo đề mở vận dụng kiến thức. Với cách làm này sẽ giảm thiểu việc thiếu niềm tin vào sự trung thực của người học bởi các em bắt buộc phải phân công nhau cùng làm. Thực tế, máy tính để học nhiều em còn thiếu huống hồ đòi thêm camera giám sát. Chưa kể, qua màn hình, các em dễ dàng gửi đề ra ngoài nhờ người giải hộ nếu muốn, còn có tình huống camera hư… Vì thế, chúng ta nên thay đổi cách thức để đánh giá người học, miễn mang lại hiệu quả”. 

Thầy Huỳnh Thanh Phú cho biết thêm: “Thi học kỳ I sắp tới, dù có khả năng một số khối lớp sẽ đến trường học trực tiếp nhưng trường vẫn sẽ kiểm tra theo hình thức trên ở mức độ yêu cầu cao hơn. Riêng khối 12 cần thi theo hình thức truyền thống, mỗi phòng bố trí tối đa 15 em, mức độ cũng sẽ nhẹ nhàng vì cả học kỳ các em học online. Sau khi có kế hoạch bù đắp kiến thức thì sẽ điều chỉnh dần các phương thức kiểm tra đánh giá phù hợp với điều kiện thực tế”. 

Cần rà soát chính sách hỗ trợ giáo viên mầm non và ngoài công lập

Sáng 14/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp đại diện các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Tại đây, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập.

Gần hai năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống xã hội. Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ những khó khăn này với ngành giáo dục và đào tạo, bởi đây là ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Dịch bệnh khiến hàng chục triệu trẻ em không được học trực tiếp dài ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng học. Cuộc sống của hàng triệu gia đình cũng vì thế mà ảnh hưởng. Thủ tướng đặc biệt chia sẻ với hàng triệu thầy cô, đặc biệt là giáo viên mầm non và ngoài công lập bị ảnh hưởng thu nhập, đời sống khó khăn do dịch bệnh. 

Người đứng đầu Chính phủ cho biết, khi làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông cũng đã chỉ đạo phải phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan giải quyết từng bước những khó khăn, bất cập của ngành giáo dục. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề liên quan đến chính sách, chế độ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non ngoài công lập, giáo viên vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… Thủ tướng cũng tiếp tục yêu cầu các bộ, ngành liên quan rà soát chính sách hỗ trợ đối với giáo viên, nhất là giáo viên mầm non và ngoài công lập. Thời gian qua, các chính sách hỗ trợ đã được thực hiện. Song theo Thủ tướng, chúng ta cần rà soát lại, đề xuất các phương án phù hợp và giải quyết các vấn đề phát sinh.

Thủ tướng đã dẫn lại câu nói tôn vinh người thầy của Bác Hồ: “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh. Đây là một điều rất vẻ vang”; và nhắc nhớ sứ mệnh đáng tự hào của người thầy. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề quan trọng cần được quan tâm hơn nữa là sự tôn vinh với các thầy cô bằng nhiều hình thức sâu sắc, rộng rãi để toàn xã hội nhận thức hơn nữa vai trò, vị trí của người giáo viên nói riêng và ngành giáo dục nói chung.

Uông Ngọc

Gia Tuệ

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI