Lúng túng dạy và kiểm tra các môn tích hợp

14/11/2021 - 09:17

PNO - Từ năm học 2021 - 2022, học sinh lớp 6 bắt đầu học chương trình mới. Trong đó, vật lý, hóa học, sinh học được tích hợp thành môn khoa học tự nhiên; lịch sử, địa lý tích hợp thành môn lịch sử và địa lý; nghệ thuật tích hợp từ hai môn mỹ thuật và âm nhạc. Sau hai tháng triển khai, không ít giáo viên cũng như nhà trường vẫn lúng túng trong cả giảng dạy và đánh giá.

Dạy nối tiếp hay song song đều vướng

Từ đầu năm học đến nay, các trường dạy môn tích hợp dựa trên chương trình môn học và Công văn 2613 (về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học 2021 - 2022), Công văn 3699 (về hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học) của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Có một số hướng dẫn quan trọng trong việc giảng dạy môn khoa học tự nhiên (KHTN) như: Tùy theo điều kiện của nhà trường để tổ chức sắp xếp dạy học môn KHTN song song hoặc nối tiếp. 

Với chuyên môn sư phạm hóa học, cô giáo Bùi Thị H. (tỉnh Hòa Bình) đã có hơn 10 năm dạy môn học này ở bậc THCS. Nhưng đến năm học 2021 - 2022, do môn hóa tích hợp với vật lý và sinh học nên “bỗng dưng” cô H. lại phải dạy thêm cả môn sinh.

Môn tích hợp lịch sử và địa lý lớp Sáu được  đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn trong giảng dạy
Môn tích hợp lịch sử và địa lý lớp 6 được đánh giá là có nhiều thuận lợi hơn trong giảng dạy

Cô H. chia sẻ, bản thân cô trước đây thi khối B nên kiến thức căn bản của sinh học vẫn nằm đâu đó trong trí nhớ. Khi đọc lại những phần về sinh học trong sách giáo khoa (SGK), cô vẫn nắm được vấn đề, nhưng không thể hiểu rõ, hiểu sâu bằng giáo viên (GV) được đào tạo và giảng dạy môn sinh học được. Ngoài ra, cô H. vẫn phải giảng dạy riêng môn hóa ở các khối lớp khác. Mỗi tuần, cô phải dạy hơn 20 tiết nên nếu dành bao nhiêu thời gian để có thể đạt kiến thức sinh học ở mức trung bình khá, cô H. cũng sẽ phải bớt xén bấy nhiêu thời gian với môn hóa của các khối lớp khác.

Không giấu giếm, cô tự đánh giá bản thân truyền đạt kiến thức môn sinh học cho học sinh không khác gì SGK… “biết nói”. Không ít đồng nghiệp của cô cũng đang rơi vào cảnh “dạy cho có” tương tự như thế, dù có những người đã đóng 6 - 7 triệu đồng cho khóa học hơn ba mươi tín chỉ về bồi dưỡng GV dạy môn KHTN.

Để khắc phục hạn chế khó xếp thời khóa biểu và phân công GV, trường của thầy Trần Trọng D. (tỉnh Hà Nam) chọn cách dạy song song linh hoạt hơn, các chủ đề được chia thành hai nhóm lý - hóa và hóa - sinh. Cách dạy này cũng được đánh giá là dễ phân công GV, dễ xếp thời khóa biểu.

Đến tiết dạy được phân công là thầy D. dạy các chủ đề lý - hóa nên việc tiết này thầy D. dạy bài 2, đến tiết sau của lớp đó thầy dạy bài 5 là việc hết sức bình thường. Thuận lợi là thế, nhưng thầy D. bảo với cách dạy này, GV chỉ dạy những gì mà mình được giao theo đúng nhóm, không khác gì dạy đơn môn như trước đây. Dễ cho GV, nhưng theo thầy D. việc dạy song song như vậy nhiều khi không đảm bảo được tính logic và làm gián đoạn mạch kiến thức của môn học. Thầy D. còn cho biết đồng nghiệp của thầy ở các trường khác vẫn đang trong tình trạng khắc phục được nhược điểm này thì lại vấp phải nhược điểm kia.

Cần linh hoạt và chính xác

Với môn KHTN, đánh giá thường xuyên có bốn đầu điểm, cô H. và cô giáo dạy vật lý có thể chấm điểm riêng. Song, với bài kiểm tra giữa kỳ vừa rồi (và sắp tới là bài kiểm tra cuối kỳ), cô H. và cô giáo dạy lý phải mất nhiều thời gian hơn, ngồi lại với nhau để tính toán tỷ lệ câu hỏi trong đề. 40% câu hỏi sinh học do cô H. soạn, 60% là cô H. và cô giáo dạy lý chia nhau soạn rồi ghép “ba mảnh” lại thành một đề kiểm tra. Việc chấm bài kiểm tra giữa kỳ cũng phải chia nhỏ ra như vậy. Song, vấn đề khiến không chỉ trường cô H. mà rất nhiều trường khác đang phải đắn đo rất nhiều là: Hai thậm chí ba GV cùng ra đề và chấm điểm thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm ghi điểm và nhận xét, ký tên trong học bạ của học sinh?

Với hai môn tích hợp lịch sử và địa lý, môn nghệ thuật (âm nhạc và mỹ thuật) thì chương trình các phân môn trong hai môn này vẫn riêng rẽ nên hai GV có thể dạy song song. Các môn này cũng không vướng nhiều hạn chế như môn KHTN. Song cũng do đặc thù mà môn nghệ thuật lại gặp nhiều “khó xử” hơn môn KHTN trong phần nhận xét chung và vào điểm. Các GV môn nghệ thuật chưa biết phải đánh giá ra sao nếu học sinh chỉ “đạt” một trong hai phân môn; trong khi nhiều trường yêu cầu nếu chỉ có một phân môn “đạt” thì cả môn học đó học sinh “chưa đạt”.

Trường THCS Ba Đình (Hà Nội) là một trong số ít trường không chọn cả hai phương án dạy song song hay dạy nối tiếp bởi hai phương pháp đó đều bộc lộ nhiều hạn chế. Phương án được trường này đưa ra là: môn tích hợp chỉ do một GV dạy. Thuận lợi của trường là GV có trình độ, các thầy cô đã chủ động học hỏi, bổ sung kiến thức, đã chấp nhận vất vả để mang đến phương án tiếp nhận kiến thức tốt nhất cho học sinh. Đồng thời cũng không “làm khó” GV khi 2 - 3 GV dạy mà nhận xét và ký vào học bạ chỉ có một người.

Theo phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Văn Biên, giảng viên cao cấp môn phương pháp, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, các GV của môn học tích hợp cùng thống nhất về nội dung ghi vào sổ đánh giá theo dõi học sinh theo lớp; bởi đây là sổ chung của lớp chứ không phải của từng GV.

Đến cuối học kỳ, 2 - 3 GV có thể cùng ký và ghi tên vào sổ theo dõi để đánh giá học sinh. Cách đánh giá này mới với bậc phổ thông. Bên cạnh đó, sự linh hoạt trong giảng dạy, trong hoạt động ôn tập và đánh giá nội dung cũng cần được chú trọng. SGK chỉ mang tính tham khảo, gợi ý, còn thiết kế môn học như thế nào vẫn là do GV quyết định.

Còn theo giáo sư Đinh Quang Báo, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội, không chỉ trong dạy học các môn tích hợp, mà với dạy học nói chung; kiểm tra, đánh giá là một yếu tố quyết định (trong nhiều yếu tố) việc một chương trình có thành công hay không. Do đó, GV kiểm tra, đánh giá học sinh phải dựa vào chuẩn đầu ra của chương trình. Đây cũng là sự phản hồi kết quả học tập từ học sinh đến học sinh, từ học sinh đến GV để từ đó cải tiến cách dạy cũng như cách học theo đúng mục tiêu đề ra. 
 

Ngọc Minh Tâm

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI