Nỗi đau của người ở lại sau thảm họa

17/02/2023 - 06:34

PNO - Sau hơn 11 ngày thảm họa động đất xảy ra, các lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm người sống sót ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. “Phép màu” mới nhất là cô gái 17 tuổi tên Aleyna Olmez, đã được giải cứu ở tỉnh Kahramanmaras, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, 248 giờ kể từ trận động đất mạnh 7,8 độ Richter xảy ra vào sáng 6/2. Với nhiều người sống sót, nỗi sợ hãi, ám ảnh… đang đeo theo họ trong hoàn cảnh màn trời chiếu đất.

Một phụ nữ bế con đứng gần đống đổ nát sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - ẢNH: REUTERS
Một phụ nữ bế con đứng gần đống đổ nát sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh: Reuters

Không dám nghe điện thoại từ quê nhà

Có lẽ trường hợp đau lòng tột độ là Ali Tekce - chủ nhà hàng người Thổ Nhĩ Kỳ sống tại Anh quốc - đã cùng lúc mất 10 người thân. Mỗi lần nhìn thấy số điện thoại gọi từ Thổ Nhĩ Kỳ hiện lên màn hình, ông sợ hãi, không còn dám nghe máy vì “không muốn mất thêm hy vọng”. “Tôi sợ phải trả lời các cuộc gọi vì không biết tiếp theo ai sẽ ra đi, ai đang nguy kịch. Tôi còn cha mẹ, anh, em gái ở quê nhà và đang sống cảnh màn trời chiếu đất trong điều kiện nhiệt độ dưới âm 150C. Họ không có thức ăn, không quần áo ấm hay lều, nói chung không có gì ngoài túi đựng xác” - ông nói.

Quấn mình trong chiếc khăn choàng len để chống lạnh, Ayesha lê bước cùng đứa cháu gái mới chập chững biết đi từ lều trú ẩn đến nhà vệ sinh gần nhất mất 15 phút. Nhà họ ở thị trấn Atarib, tây bắc Syria, vẫn không có nước, điện. Tất cả đang phải chen chúc trong những chiếc lều tạm bợ. Tại Syria, phụ nữ đang phải đối mặt với gánh nặng kép: trách nhiệm gia đình trong hoàn cảnh hàng chục năm nội chiến và giờ thêm hậu quả tàn khốc của thiên tai.

Theo các nhà tâm lý trị liệu của Anh, thảm họa thiên nhiên như động đất, sóng thần có thể gây ra tổn thương cực lớn về thể chất lẫn tinh thần. Nghiên cứu trên những người sống sót đã phát hiện ra những sang chấn tâm lý nghiêm trọng. Thậm chí 50 năm sau trận động đất lớn ở Hy Lạp, thảm họa này vẫn còn tác động đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của gia đình các nạn nhân.

Cụ thể, gần 80% người sống sót thừa nhận bị ám ảnh bởi trận động đất. Hầu hết đều ghi nhận ký ức sâu sắc và sự xúc động mạnh mẽ về sự kiện tại những buổi lễ tưởng niệm. Thanh niên từ 17-25 tuổi và phụ nữ nói chung là những nhóm dễ bị tổn thương nhất trong quá trình phát triển cảm xúc.

Một nghiên cứu khác mang tên “Tôi mang não bộ động đất” xem xét phản ứng của cư dân của trận động đất mạnh 7,1 độ richter tấn công thành phố Christchurch (New Zealand) tháng 9/2010. Một người sống sót giải thích: “Tôi luôn trong trạng thái lo lắng và sợ rằng sẽ có một trận động đất tiếp theo lớn hơn. Tôi không thể nào ngủ hay bình tâm phút giây nào”.

Trước khi thảm họa xảy ra, người ta có niềm tin vào sự vững chắc trong kết cấu của các tòa nhà. Nhưng chứng kiến cảnh sụp đổ như domino của hàng loạt tòa nhà trong cơn thịnh nộ của thiên nhiên, ai cũng sẽ cảm thấy bất an. Điều này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của họ. Sự mất mát, chia cách với các thành viên trong gia đình cũng như những ám ảnh về những gì đã xảy ra trong các cơn dư chấn cũng gây ra lo âu thường xuyên cho người còn sống.

Cuộc sống mong manh, quý giá

Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu Mỹ, lại có sự phát triển cá nhân bất ngờ sau “chấn thương”. Nhiều người tham gia nghiên cứu đã thảo luận về việc trận động đất đã thay đổi thế giới quan của họ theo hướng tích cực. Sự ra đi của người thân đã mang họ lại gần nhau hơn và đặt những điều quan trọng trong cuộc sống như giá trị gia đình, tình yêu thương, sự quan tâm lẫn nhau lên hàng đầu. Điều một lần nữa cho thấy rằng cuộc sống thật mong manh nhưng vô cùng quý giá.

Sang chấn ảnh hưởng đến trẻ em khác người lớn. Theo thống kê của Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ, trận động đất ở Syria và nước này đã khiến 7 triệu trẻ em bị ảnh hưởng. Hình ảnh những đứa trẻ được giải cứu thu hút sự chú ý của thế giới. Nhưng đã có hàng ngàn đứa trẻ khác chết và cũng ngần ấy trẻ đã mất cha, mẹ hoặc người chăm sóc.

Chuyên gia truyền thông của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) Joe English cho biết, trẻ em phải đối mặt với tình trạng nguy hiểm, đặc biệt sau thảm họa thiên nhiên. Nếu như ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhiều đứa trẻ đang đói thì bên kia biên giới, trẻ em Syria còn phải sơ tán vì nội chiến. Các nhân viên cứu hộ đang ưu tiên đáp ứng nhu cầu “tìm cha mẹ” của trẻ trong những ngày quan trọng sắp tới.

“Khẩn trương xác định những đứa trẻ không có người bảo hộ, trẻ đã lạc mất cha mẹ là vô cùng quan trọng. Sau thảm họa, trẻ em bị tách khỏi gia đình dễ bị bạo hành, bóc lột và lạm dụng, bao gồm cả nguy cơ bị buôn bán hoặc bạo lực giới” - English nói.

Theo khảo sát về phản ứng căng thẳng đối với vụ tấn công 11/9 công bố trên Tạp chí Y học New England, trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị rối loạn và suy yếu tâm lý lâu dài nhất sau thảm họa. Chúng thường trở nên lo âu khi phải rời xa người chăm sóc, không thể học hành và rất cảnh giác. Ít nhất 35% các gia đình được khảo sát sau ngày 11/9 cho biết con cái họ có triệu chứng căng thẳng. Nói cách khác, nếu một đứa trẻ bị bỏ lại giữa đống đổ nát hoặc các thi thể... chúng có nhiều khả năng mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Nhưng các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trẻ em có khả năng vượt qua bi kịch một cách không ngờ. Trong một bài báo về phản ứng của trẻ em đối với chấn thương tâm lý, tiến sĩ Froma Walsh (Đại học Chicago) phát hiện “các triệu chứng căng thẳng cấp tính” thường xảy ra ngay sau sự kiện. Tuy nhiên, hầu hết mọi người, nhất là trẻ em, đều kiên cường đối phó và thích nghi, đồng thời thể hiện sự biến đổi, phát triển tích cực. 

Nam Anh (theo BBC, CNN, CSM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI