Những ước mơ không cho riêng mình

07/03/2018 - 19:22

PNO - Không còn là sự thương cảm dành cho những số phận kém may mắn như ở mùa thi trước, 'Hát mãi ước mơ' mùa thứ 2 mang lại những cảm xúc đặc biệt ngay khi vừa phát sóng tập đầu.

Cô “ca sĩ” Đoàn Thị Sáu và chàng trai là Lê Văn Thành từng là bạn thời trung học. Cách đây 12 năm, anh Thành bị tai nạn, phải nằm một chỗ từ đó. Thương bạn, chị Sáu quyết định tham gia chương trình Hát mãi ước mơ để có tiền giúp bạn trang trải cuộc sống và cũng để động viên bạn. 

Trên sân khấu, Thành ngồi bất động trên xe lăn, khóc nấc khi nghe bạn nói: “Ở đời, không bao giờ có con đường cùng, chỉ có những ranh giới và điều quan trọng là chúng ta phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy”.

Nhung uoc mo khong cho rieng minh

Hạnh phúc lớn nhất của Y Byen lúc này là được nhìn con khỏe mạnh và lớn khôn từng ngày

Trong câu chuyện của anh Lê Văn Thành còn có một chuyện tình xúc động và đẹp như cổ tích: sau bảy năm chống chọi với bệnh tật, năm 2013, “cô tiên” Hồ Thị Nga đã xuất hiện trong cuộc đời Thành. Dù bị gia đình ngăn cản, chị Nga vẫn kiên quyết với lựa chọn của mình, bởi chị biết trái tim của chị đã thuộc về anh và anh rất cần có chị.

Cũng hát cho ước mơ dành cho “người dưng”, cậu sinh viên Đặng Duy Khang (sinh viên năm 3, Trường đại học Kiến Trúc TP.HCM) “liều mình làm ca sĩ”, mong có một số tiền giúp hai bà cháu - người bà đơn chiếc, hành nghề vá xe để nuôi cháu ăn học. Duy Khang khiến người xem liên tưởng đến sự hào sảng, nghĩa tình - đặc sản của dân Nam bộ nói chung, người Sài Gòn nói riêng.

Vẫn còn một câu chuyện cổ tích giữa đời thường nữa. 16 tuổi, cô học sinh Y Byen đã nài nỉ, thuyết phục gia đình sản phụ mới mất khi vừa sinh con cho mình được mang đứa bé về nhà nuôi, thay vì chôn bé theo mẹ như tập tục của người Ba Na.

Vừa đi học, vừa làm đủ mọi việc để có thêm tiền nuôi con “người dưng”, Y Byen và cha mẹ tự nhủ phải cho con đi học tới nơi tới chốn để vượt qua đói nghèo, lạc hậu. Nuôi một đứa con đã cực, vậy mà năm 2015, Y Byen lại mang thêm một đứa trẻ sinh non bị vứt ở nghĩa trang về nhà. 28 tuổi, làm mẹ của hai con, với những người Ba Na ở Tây Nguyên thì Y Byen đã đi qua tuổi xuân. Nhưng điều đó không làm cô chạnh lòng. Từ lâu, cô đã quên hạnh phúc riêng vì sợ “người ta sẽ không thương hai đứa trẻ không do mình sinh ra”.

Giọng Y Byen run run khi nhắc lại khoảnh khắc được ôm những đứa trẻ bị ruồng bỏ vào lòng, cảm nhận sự ấm áp từ những ngón tay bé xíu, yếu ớt nắm lấy tay mình và lần đầu được nghe tiếng bập bẹ gọi mẹ... Bước lên sân khấu để hát, Y Byen mang theo cả ước mơ “mong đồng bào dân tộc Ba Na xóa bỏ hủ tục, bởi đứa trẻ mới sinh không có tội tình gì”.

Trong bộn bề cuộc sống, cứ ngỡ con người lạnh lùng hơn, ích kỷ hơn. Nhưng không! Tình người vẫn đầy ắp và cuộc đời vẫn đẹp trong tình yêu thương, san sẻ. 

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI