Những hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2021

06/10/2021 - 13:28

PNO - Khoảng cách toàn cầu về quyền tự do đi lại ngày càng rộng, theo báo cáo mới nhất của Công ty tư vấn cư trú và quốc tịch toàn cầu Henley & Partners có trụ sở tại London. Và theo tiêu chí đánh giá một hộ chiếu mạnh của công ty, hộ chiếu của Nhật Bản và Singapore là “quyền lực nhất” thế giới, vì nó cho phép công dân hai nước đi đến 192 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Các hộ chiếu đáng mơ ước nhất trên thế giới là những hộ chiếu cho phép chủ nhân của nó có thể đi đến nhiều quốc gia nhất trên thế giới - Ảnh: North America/Getty Images
Các hộ chiếu đáng mơ ước nhất trên thế giới là những hộ chiếu cho phép chủ nhân của nó có thể đi đến nhiều quốc gia nhất trên thế giới - Ảnh: North America/Getty Images

Chỉ số Hộ chiếu Henley (HPI) của Công ty Henley & Partners - dựa trên dữ liệu độc quyền do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cung cấp - thường xuyên được dùng để theo dõi những hộ chiếu thân thiện với du lịch nhất thế giới kể từ năm 2006.

Công ty Henley & Partners nói rằng việc gia tăng các rào cản đi lại được áp dụng trong 18 tháng đại dịch COVID-19 vừa qua đã dẫn đến khoảng cách toàn cầu về quyền tự do đi lại rộng nhất trong lịch sử 16 năm áp dụng chỉ số.

Tuy nhiên, chỉ số này không tính đến các hạn chế đi lại tạm thời, vì vậy nếu tạm gác quyền đi lại hiện tại sang một bên, thì những người có hộ chiếu đứng đầu bảng xếp hạng - Nhật Bản và Singapore - về lý thuyết có thể đi du lịch miễn thị thực đến 192 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Hộ chiếu Nhật Bản là một trong những hộ chiếu đáng mơ ước nhất trên thế giới vì nó có khả năng nhập cảnh miễn thị thực đến 192 điểm đến trên toàn cầu - Ảnh: CNN/Getty Images
Hộ chiếu Nhật Bản là một trong những hộ chiếu đáng mơ ước nhất trên thế giới vì nó có khả năng nhập cảnh miễn thị thực đến 192 điểm đến trên toàn cầu - Ảnh: CNN/Getty Images

Các hộ chiếu hàng đầu nhiều hơn hộ chiếu Afghanistan đến 166 điểm đến. Hộ hiếu Afghanistan đứng cuối bảng xếp hạng 199 hộ chiếu, chỉ cho phép công dân nước này đến 26 quốc gia không cần xin thị thực trước.

Sự thống trị của hộ chiếu châu Âu

Sau Nhật và Singapore, Hàn Quốc đứng cùng hạng với Đức ở vị trí thứ hai (190 điểm đến), và Phần Lan, Ý, Luxembourg, Tây Ban Nha đồng hạng ở vị trí thứ ba (189 điểm đến).

Các quốc gia EU thống trị nhóm đầu danh sách như thường lệ - với Áo và Đan Mạch ở vị trí thứ tư (188 điểm đến), còn Pháp, Ireland, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển ở vị trí thứ năm (187).

Châu Âu thống trị bảng xếp hạng hộ chiếu - Ảnh: CNN/Getty Images
Châu Âu thống trị bảng xếp hạng hộ chiếu - Ảnh: CNN/Getty Images

New Zealand, trong tuần này thông báo rằng họ từ bỏ chiến lược loại bỏ COVID-19 (Zero Covid) để ủng hộ hệ thống chứng nhận tiêm vắc xin, hiện đứng ở vị trí thứ sáu cùng với Bỉ và Thụy Sĩ.

Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, hai quốc gia cùng nhau giữ vị trí đầu bảng vào năm 2014, hiện được xếp hạng khiêm tốn hơn. Mỹ và Anh, cùng với Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Malta và Na Uy xếp hạng bảy với quyền miễn thị thực đến 185 điểm đến.

Australia và Canada ở vị trí thứ tám (184), Hungary đứng thứ chín (182), và Lithuania, Ba Lan và Slovakia đã cùng nhau chia sẻ vị trí thứ 10, với 182 điểm đến.

Phía dưới top 10, xếp hạng hộ chiếu hầu như không thay đổi.

Đức có hộ chiếu quyền lực nhất châu Âu - Ảnh: CNN/Getty Images
Đức có hộ chiếu quyền lực nhất châu Âu - Ảnh: CNN/Getty Images

Bất bình đẳng ngày càng tăng

Báo cáo của Henley & Partners chỉ ra "sự bất bình đẳng ngày càng tăng" và đưa ra gợi ý rằng "các chính sách hạn chế ban đầu được đưa ra để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19, hiện đang được “tiện thể áp dụng” để ngăn chặn sự di chuyển từ phía nam địa cầu”.

Mehari Taddele Maru, một thành viên của Viện Đại học Liên Hợp Quốc về Nghiên cứu so sánh hội nhập khu vực (UICRIS), nhận xét trong báo cáo rằng, "khu vực Bắc bán cầu gần đây đã và đang thực thi các chiến lược ngăn chặn di cư tích cực thông qua việc áp dụng chặt chẽ các biện pháp kiểm soát biên giới, cản trở sự di chuyển theo nhiều cách khác nhau, và các hạn chế đi lại liên quan đến COVID-19 là những công cụ bổ sung để Bắc bán cầu hạn chế sự di chuyển từ Nam bán cầu”.

Christian H. Kaelin, chủ tịch Công ty Henley & Partners và là người sáng tạo ra khái niệm chỉ số hộ chiếu, nói rằng những quyết định đó có thể gây ra những hậu quả sâu rộng.

Ông nói: “Nếu chúng ta muốn khởi động lại nền kinh tế toàn cầu, thì điều quan trọng là các quốc gia phát triển phải khuyến khích dòng di cư vào trong nước, thay vì kiên trì áp đặt những hạn chế đã lỗi thời”. Ông cũng nói, "các quốc gia nhiều tài nguyên cần phải bảo tồn nền kinh tế của họ trong tương lai bằng cách thu hút và chào đón thế hệ mới”.

Danh sách các hộ chiếu quyền lực nhất thế giới năm 2021:

1. Nhật Bản, Singapore (192 điểm đến)

2. Đức, Hàn Quốc (190)

3. Phần Lan, Ý, Luxembourg, Tây Ban Nha (189)

4. Áo, Đan Mạch (188)

5. Pháp, Ireland, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Thụy Điển (187)

6. Bỉ, New Zealand, Thụy Sĩ (186)

7. Cộng hòa Séc, Hy Lạp, Malta, Na Uy, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ (185)

8. Úc, Canada (184)

9. Hungary (183)

10. Lithuania, Ba Lan, Slovakia (182)

Các hộ chiếu tệ nhất:

109. Triều Tiên (39 điểm đến)

110. Nepal và các vùng lãnh thổ của Palestine (37)

111. Somalia (34)

112. Yemen (33)

113. Pakistan (31)

114. Syria (29)

115. I-rắc (28)

116. Afghanistan (26)

Cẩm Hà (theo CNN)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI