Những đứa trẻ trong sương: Lời ru buồn trên đỉnh non cao

20/03/2023 - 13:48

PNO - Hiếm có phim tài liệu nào đem đến nhiều tiếng cười như "Những đứa trẻ trong sương" của đạo diễn Hà Lệ Diễm - bộ phim lọt top 15 danh sách rút gọn của giải Oscar. Nhưng cảm giác đọng lại sau khi xem không phải là niềm vui mà là nỗi buồn về phận đời của những bé gái, phụ nữ đồng bào vùng cao.

Những đứa trẻ trong sương (khởi chiếu từ ngày 17/3) ghi lại hành trình của Di từ khi còn là cô bé 12 tuổi cho đến lúc 15 tuổi. Sống ở một bản làng cách thị trấn Sa Pa (Lào Cai) hơn chục cây số, việc hằng ngày của Di là đi học, đỡ đần cha mẹ chuyện đồng áng, việc nhà. Tính Di bướng bỉnh, vừa già dặn nhưng cũng còn ngây ngô. Vào một ngày tết, cô đi chơi và vướng vào tục “kéo vợ” - một nét văn hóa cổ truyền của người Mông.

Câu chuyện của cô bé Di trong phim vừa mang tính cá nhân vừa có tính phổ quát
Câu chuyện của cô bé Di trong phim vừa mang tính cá nhân vừa có tính phổ quát

Trái với suy nghĩ phim tài liệu thường mang tính thông tin khô khan, tác phẩm của Hà Lệ Diễm hấp dẫn như một bộ phim truyện điện ảnh vì vừa có yếu tố hài hước vừa chân thật, kịch tính. Từ những phút phim đầu, Những đứa trẻ trong sương đã cuốn người xem bởi vẻ đẹp của không gian núi rừng, con người Tây Bắc: căn nhà gỗ nép mình bên những tán hoa đào rừng, những thửa ruộng bậc thang, từng đám mây ùn ùn trôi lên từ thung lũng…

Nơi đó, trẻ em như Di ngoài những lúc đến trường hằng ngày thì tụ tập chơi đùa với nhau hoặc phụ giúp cha mẹ. Lớn lên chút thì làm bạn với chiếc điện thoại thông minh, túm tụm bàn về các chàng trai. Người lớn, cả đàn ông lẫn phụ nữ, xong việc nhà hay việc nương đồng thì cùng nhau ăn uống, chè chén. Họ sống hồn nhiên, vô tư nhưng người xem lại thấy băn khoăn, lo lắng. Di mới 15 tuổi đã nghĩ chuyện yêu đương, thích nhắn tin với các chàng trai. Chị gái Di làm vợ, làm mẹ lúc mới 15 tuổi. Cha Di hay đánh vợ, nhưng mẹ Di chỉ âm thầm chịu đựng. Bà không muốn Di lấy chồng sớm, đơn giản vì sợ nhà thiếu người chăn gà, heo để bà đi uống rượu. 

Nhà phát hành Beta Cinemas ghi điểm

Hành trình ra rạp của bộ phim Những đứa trẻ trong sương tại Việt Nam nhờ sự hỗ trợ kịp thời của nhà phát hành Beta Cinemas. Là một đơn vị nhỏ, ít người biết trên thị trường nhưng Beta Cinemas lại là cái tên "chịu chơi" nhất trong việc hỗ trợ một tác phẩm độc lập như Những đứa trẻ trong sương ra rạp. Không chỉ giúp phát hành phim miễn phí, Beta Cinemas còn hỗ trợ công tác truyền thông. 10% doanh thu phim sẽ được gửi về 2 trường mà Di theo học để giúp trẻ em vùng cao đi học.  

Phim không có lời bình, chỉ có những lời nói của nhân vật, thỉnh thoảng màn hình tối thui vì nhân vật che lại không cho quay, góc máy nhấp nhô có lúc chao đảo do máy quay rơi nhưng vẫn cuốn hút người xem bởi câu chuyện của Di vừa cá nhân vừa mang tính phổ quát. Nếu những cô gái dân tộc thiểu số vùng cao như Di đối mặt với tục kéo vợ ở tuổi vị thành niên thì phụ nữ ở Việt Nam cũng đứng trước áp lực lấy chồng, sinh con vì quan niệm xã hội “gái 30 tuổi đã toan về già”.

Trong mắt Di, tục bắt vợ chỉ như một trò chơi ở lễ hội, đến khi chuyện xảy ra với mình mới sợ hãi. Những băn khoăn, tâm sự của Di về việc ưng nhau chắc gì đã lấy, lấy về chắc gì đã sống với nhau êm ả rồi mong ước được đi đây đi đó, có tiền để đưa mẹ đi chơi cũng là những trăn trở của biết bao cô gái. Và người mẹ như mẹ Say của Di, như bao bà mẹ trên đời, cũng ưa la rầy con cái, thậm chí khắc khẩu với con, nhưng khi xa con lại nước mắt ngắn dài, dặn dò nhắn nhủ con với bao lời yêu thương.

Trailer Những đứa trẻ trong sương:

 

Cảnh mẹ Di gọi điện thoại cho cô trong nước mắt, dặn cô lúc ở nhà trai đừng để con trai chạm vào đai lưng, cố thức đừng ngủ hoặc tìm chị gái, em gái để ngủ cùng là một trong những cảnh phim gây xúc động mạnh. Một cảnh ám ảnh nữa là lúc Di giãy giụa, la hét, khóc đến khản cổ khi bị nhà trai bắt đi. Cha mẹ của Di không can thiệp, không phải họ không thương con mà vì tôn trọng tập tục truyền thống của dân tộc. Điều này càng làm người xem xót xa bởi lúc Di vùng vẫy đến tuyệt vọng, người mà em kêu cứu không phải là người thân mà là chính đạo diễn kiêm quay phim: “Chị Diễm ơi cứu em”. Sau tiếng kêu cứu đó là khoảnh khắc hiếm hoi khán giả thấy ống kính của đạo diễn không còn ở vai trò người ngoài quan sát nữa mà can thiệp vào câu chuyện, nhân vật. Kết quả là người xem nghe được loáng thoáng cả tiếng chửi thề dành cho Hà Lệ Diễm và ống kính chao đảo rơi xuống đất. 

Càng cảm xúc theo hành trình trưởng thành của Di bao nhiêu thì người xem càng cảm phục hành trình làm phim của Hà Lệ Diễm bấy nhiêu. Cách cô kiên trì đeo bám nhân vật suốt 3 năm để có được những thước phim tư liệu đắt giá. Việc phải cực nhọc vác chiếc máy quay nặng trĩu đi theo các nhân vật ở một địa hình nhiều đồi dốc không phải đạo diễn nào cũng làm được.

Hà Lệ Diễm may mắn chọn được nhân vật hay, nhưng để có được bộ phim hay, hấp dẫn như Những đứa trẻ trong sương hoàn toàn không phải nhờ vào may mắn mà là do nỗ lực, tài năng của Diễm. Cô đã kể một câu chuyện mang tính “miền núi”, của người dân tộc thiểu số nhưng chạm đến vấn đề mà khán giả miền xuôi, người Kinh cũng quan tâm. Đó là xung đột giữa giá trị truyền thống với cuộc sống hiện đại, là việc làm sao để những tập tục tốt đẹp xưa vẫn được gìn giữ mà không trở thành rào cản cho sự phát triển của bản thân...


Hương Nhu

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI