Hà Lệ Diễm: Nữ đạo diễn tranh giải Oscar với máy quay mượn

07/01/2023 - 08:16

PNO - Hà Lệ Diễm - tác giả phim tài liệu "Những đứa trẻ trong sương" lọt vào danh sách rút gọn Oscar 2023 - đích thực là đạo diễn “con nhà nghèo” nhưng không ai “giàu” giải thưởng bằng cô.

“Sống chậm" và... "ngáo ngơ” 

Thông tin bộ phim Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) lọt vào danh sách rút gọn top 15 phim tài liệu tranh giải Oscar 2023 đến tai Hà Lệ Diễm qua những người bạn. Trước đó, cô cũng tò mò lên mạng tìm kiếm thông báo của Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Hoa Kỳ. Không thấy thông tin, Diễm nghĩ phim mình đã rớt và Diễm… yên tâm đi ngủ. Sáng hôm sau thấy tin nhắn bạn bè chúc mừng, Diễm mới biết mình vừa làm nên “kỳ tích” cho phim Việt.

Hà Lệ Diễm (áo xanh) và nhân vật Di trong phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương
Hà Lệ Diễm (áo xanh) và nhân vật Di trong phim tài liệu Những đứa trẻ trong sương

Hà Lệ Diễm, cô gái người dân tộc Tày sinh ra ở Bắc Kạn, dường như luôn “sống chậm” và “ngáo ngơ” (như cô tự nhận) kiểu như vậy. Như hồi quyết định làm quen với con đường làm phim tài liệu, cô cũng đi sau bạn bè.

“Lúc học báo chí năm thứ hai ở Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội, bạn bè rủ học miễn phí khóa làm phim tài liệu ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh TPD, tôi nhát nên bỏ lỡ mấy đợt ghi danh. Lần lượt 6-7 đứa bạn thân đi học hết, còn mỗi khóa cuối, gần sát ngày đăng ký tôi mới lấy hết can đảm mua vé xe buýt đi từ ký túc xá đến trung tâm làm bài tuyển sinh. Tôi sợ xe cộ, không dám qua đường. Dạo mới lên Hà Nội ở ký túc xá Mễ Trì để đi học, mỗi lần tôi qua đường, 2 đứa bạn phải cặp nách tôi kéo đi, suốt 2 tháng như vậy. Đến giờ, tôi vẫn sợ qua đường, không dám đi xe máy, chỉ chạy xe đạp” - Diễm kể.

Nỗi sợ đường sá, sợ đám đông của Diễm vẫn còn, dù giờ đây, nhờ Những đứa trẻ trong sương, cô đã vươn xa đến nhiều nơi trên thế giới (Mỹ, Úc, Pháp, Tây Ban Nha, Singapore, Thổ Nhĩ Kỳ, Hàn Quốc, Ý…).

Lúc bắt tay vào làm phim, có lẽ Diễm không nghĩ tác phẩm của mình có thể đi xa như vậy bởi cô như kẻ “tay không bắt giặc”. Diễm không có máy quay, micro, ống kính. Tất cả đều phải đi mượn. Không biết tiếng H’Mông nên Diễm không hiểu nhân vật nói gì. Cô cũng không có tiền để thuê người dịch nháp tiếng H’Mông, dựng phim. Việc ăn uống ngủ nghỉ ở Sa Pa (Lào Cai) trong mấy năm làm phim cũng nương nhờ gia đình nhân vật.

Diễm nhớ lại hành trình ban đầu với phim: “Năm 2017 tôi lên Sa Pa, được cha mẹ Di cho ở nhờ, sau đó suốt ngày tôi theo chân Di và các bạn của Di đi chơi trên đồi. Nhìn các em, tôi nhớ về tuổi thơ của mình và muốn lưu lại những khoảnh khắc hồn nhiên ấy. Mỗi năm, tôi lại lên Sa Pa 5-6 lần và mỗi tuần ôm máy quay 3-4 ngày. Gần 4 năm theo chân Di, thấy em lớn lên từng ngày, biết trốn gia đình hẹn hò đi chơi, được các bạn trai đến tán tỉnh, tôi bắt đầu lo có thể một ngày em và đám bạn sẽ biến mất. Từng có một người bạn cùng trường của Di bị giết trên đường đi học còn 2 bạn khác bị bắt cóc và suýt bị bán sang biên giới nhưng may mắn cắn được dây trói chạy thoát. Điều đó khiến tôi cảm thấy rất sợ hãi”.

Trailer Những đứa trẻ trong sương:

 

Đi ngược chiều 

Gần 4 năm đi theo nhân vật, Diễm thu được hơn 100 giờ quay. Cô bắt đầu hành trình xin tiền các quỹ để làm hậu kỳ. “Hầu hết các quỹ đều từ chối vì tôi là đạo diễn đầu tay, bản nháp phim không có gì nổi bật - chỉ quay các hoạt động thường ngày; các sản phẩm trước cũng bình thường. Sau đó, khi tôi nhận ra những điểm yếu của mình và quay tốt hơn, hồ sơ của tôi mới được chú ý” - Hà Lệ Diễm cho biết. 

Con đường làm phim của Diễm nhiều trắc trở nhưng cũng lắm may mắn vì xung quanh cô luôn có nhiều bạn bè nhiệt tình giúp đỡ. Ngoài việc cho mượn máy móc, cô còn được một người bạn “bao nuôi ăn ở” nửa năm. Lúc sang Hàn Quốc thuyết trình dự án xin quỹ, Diễm được đồng nghiệp giúp dịch hồ sơ sang tiếng Anh, hướng dẫn thuyết trình bằng tiếng Anh và thắng luôn giải thuyết trình. Những sự giúp đỡ ấy phần nào xua đi nỗi cô đơn, vất vả của một người chọn con đường làm phim độc lập.

“Có hôm đi tàu từ Sa Pa về Hà Nội, vì tiết kiệm nên tôi mua vé khoang ngồi ghế sắt cho rẻ. Lạnh quá, tôi chui xuống sàn tàu nằm nhưng không ngủ được, thế là tôi bật khóc vì tủi thân. Suốt 4 năm, có lúc tôi muốn bỏ cuộc nhưng tôi nghĩ mình muốn làm phim thì phim đầu tiên phải cố làm, nếu không sẽ không thể bước tiếp” - Hà Lệ Diễm tâm sự. 

Cứ thế, cô tiếp tục kiên nhẫn với sự lựa chọn của mình. Để có tiền trang trải, Diễm làm thêm các phim tài liệu ngắn cho những nơi đặt hàng. Một mình quay phim, lại “mù” tiếng H’Mông nên Diễm chỉ biết phán đoán tìm vị trí máy thích hợp để tránh bỏ lỡ những khoảnh khắc đắt giá. Những kiến thức học về nhiếp ảnh ở trường lúc này giúp ích nhiều cho cô nhưng có lúc Diễm cũng đoán… trật lất để rồi tiếc nuối. 4 năm sau khi quay xong và tìm được quỹ tài trợ thuê người dịch, Diễm mới hiểu tường tận những gì mình đã quay.

Hà Lệ Diễm lập nên kỳ tích cho phim tài liệu Việt Nam ở Oscar 2023 khi lọt vào top 15
Hà Lệ Diễm lập nên kỳ tích cho phim tài liệu Việt Nam ở Oscar 2023 khi lọt vào top 15

Chia sẻ về việc chọn gắn bó với phim tài liệu thay vì đi con đường an nhàn, ổn định là làm ở các đài truyền hình như cô từng làm 2 năm trong một nhà đài, Diễm cho biết: “Mọi người thường nghĩ phim tài liệu chán, khô khan nhưng phải đi làm phim tài liệu mới thấy thích vì được kể về những con người, sự kiện có thật, những cái đang diễn ra, những người bình thường mà ít khi nào truyền hình nhắc đến. Làm truyền hình phải chạy theo tiến độ nên không thể dành nhiều thời gian cho nhân vật. Phim tài liệu độc lập cho tôi thời gian tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa, phong tục tập quán các vùng đất. Những ngày lui tới Sa Pa làm phim, tôi như lạc vào chiều không gian khác rất thú vị. Tất nhiên cũng có những lúc tôi dao động khi theo con đường này nhưng tôi nghĩ chỉ cần chăm chỉ sẽ làm được. Làm phim giống như nghề thủ công, luyện tập nhiều sẽ làm tốt”.

Sự luyện tập của Diễm đã bắt đầu từ phim tài liệu Nga Xà Beng (2012), Con đi trường học (2013) và Giường xinh (2016). Trong đó, phim Con đi trường học (nói về nghị lực phi thường của một phụ nữ dân tộc Dao (Bắc Kạn) nhiễm HIV vẫn ngày ngày lặn lội vượt 10 cây số đưa con đến trường) nhận giải Cánh diều bạc 2013 hạng mục phim ngắn (năm đó không có Cánh diều vàng). Diễm mất gần 2 tháng đeo bám nhân vật và cũng gặp nhiều khó khăn với điều kiện làm phim “con nhà nghèo” của mình. Cô quay bằng máy ảnh nên phải sắm thêm thẻ nhớ và "cõng" cả laptop đi trong lúc quay phim. Những năm tháng theo chân nhân vật Di của phim Những đứa trẻ trong sương, máy quay của Diễm cũng hỏng đôi lần. Điện thoại cô dùng cũng vỡ màn hình nhưng còn nghe gọi được nên Diễm chẳng buồn thay.

Ở tuổi ngoài 30, trong khi phần lớn bạn bè cùng trang lứa đã yên ổn với cuộc sống, công việc, Diễm vẫn tung tăng tận hưởng sự tự do làm phim. Cô gái người Tày này dường như tối giản mọi thứ trong cuộc sống. Cô ít quan tâm chuyện mua sắm, ăn mặc. Túi đựng tai nghe và sạc máy tính thay vì mua, Diễm tỉ mỉ ngồi cắt chiếc áo cũ đã hỏng ra thành 2 mẩu rồi may tay thành 2 chiếc túi nho nhỏ. May xong, lục lọi thấy một sợi dây giày và hàng tá ruy băng vải ở một bó hoa được tặng, thế là cô luồn được 2 chiếc dây rút.

Những đứa trẻ trong sương đã chu du hơn 100 liên hoan phim, đoạt 25-26 giải thưởng, dự kiến sẽ ra mắt khán giả trong nước vào năm 2023. Diễm thổ lộ cô đang ấp ủ vài ý tưởng cho dự án mới. Điểm đến vẫn không phải thành thị mà là biển đảo hoặc núi non bởi Diễm sợ tiếng ồn của phố xá. Chúng khiến cô đau đầu, đau tai do lúc quay phải đeo tai nghe lâu. 

Nghe thấy thương. 

Hương Nhu

Ảnh: Nhân vật cung cấp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI