Những đổi thay bên dòng kênh Ông Kiệt

17/11/2022 - 06:11

PNO - Ở xã Lạc Quới, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, 25 năm trước, có một dòng kênh ra đời, được đặt tên là kênh T5 và 12 năm sau, được đổi tên thành kênh Võ Văn Kiệt. Thế nhưng, từ khi hình thành đến nay, người dân vẫn quen gọi bằng cái tên dân gian là kênh Ông Kiệt.

Sắc xanh ở nơi từng là “đất chết”

Những ngày này, đứng trên cầu T5 nhìn cánh đồng lúa xanh bạt ngàn, lão nông Trần Văn Được (Tám Được) - 71 tuổi, ở ấp Vĩnh Thuận, xã Lạc Quới - bồi hồi: “Hồi trước, đất dọc 2 bên con kênh Vĩnh Tế còn trồng được cây này cây kia, chứ đi sâu vô trong toàn là đất phèn. Có khi, nhìn nước trong veo, nhưng uống vào chua quéo lưỡi bởi nước chứa phèn xanh, chỉ cần một cơn mưa đổ xuống là phèn đỏ xì lên, không cây gì sống nổi”.  Rồi ông chậc lưỡi: “Hồi đó, mỗi mùa kiếm được 5 giạ lúa để ăn đã là ngon. Những lúc con nước ở ngoài này mà không vô được trong đó thì coi như cánh đồng bỏ đi. Có năm, nước phèn trong đồng dội ngược ra đây, đỏ như nước mắm”. 

Ông Huỳnh Ngọc Ân - 68 tuổi, một trong những người đầu tiên đến khẩn hoang vùng đất Lạc Quới - tâm sự: “Ngày xưa, vùng này là cánh đồng hoang, mà cũng có thể gọi là cánh đồng chết. Phèn nhiễm nặng đến nỗi tôm cá còn hôi mà”. 

Hơn 40 năm trước, cả gia đình ông Ân vào khẩn hoang vùng đất phèn mặn ở xã Lạc Quới. Cùng lứa với ông, còn có các ông Năm No, Tư Ngoạn, Chín Xị, Hai Râu, Năm Bạch...

Ông Năm Bạch nói: “Bây giờ, đất đai màu mỡ, trồng lúa hay rau màu, cây ăn trái đều tốt chứ lúc đó hầu hết người đi khai hoang đều không nghĩ mình sẽ định cư lâu dài ở đây”.

Thủ tướng lội bùn hỏi chuyện dân

Ông Huỳnh Ngọc Ân nhớ lại, năm 1996, ông đang nằm võng hóng gió thì thấy một đoàn cán bộ đến. Dẫn đầu đoàn công tác là Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông nhớ lại: “Lúc đó làm gì có đường sá mà đi. Cán bộ địa phương mới điều 2 chiếc máy cày để đưa Thủ tướng đi thị sát sâu trong đồng phèn. Ông Kiệt xắn quần lội bùn, gặp cán bộ hay dân, ông đều ôm vai hỏi han về khó khăn, nguyện vọng”. 

Tiếp lời, ông Tám Được kể, sau khi hỏi han cặn kẽ, nét mặt ông Kiệt trầm ngâm một hồi lâu, rồi ông gật gật đầu. Thế rồi, vào tháng 4/1997, máy xúc, máy ủi ùn ùn kéo về đây, tiếng máy nổ rầm trời. Ban ngày, xáng cuốc chạy ầm ầm. Ban đêm, người ta nổi đèn, máy móc, nhân công tiếp tục thay nhau đào kênh. 4 tháng sau, con kênh thành hình. Tháng Mười một năm đó, Thủ tướng Võ Văn Kiệt lại về đây lần nữa bằng bo bo (ca nô), tiếp tục xắn quần lội bùn để kiểm tra công trình. 

“Nhờ ông Kiệt phóng con kênh này mà dân có ăn, phấn khởi dữ lắm. Đào xong con kênh, khoảng 10 năm sau, đất khu này mới tháo rửa được hết phèn, dân mới mần lúa trúng mùa, rồi từ từ dân các nơi mới kéo về ở xôm tụ. Đất đai bây giờ dồi dào dinh dưỡng lắm, trồng lúa hay cây ăn trái đều tốt” - ông Tám Được nói. 

Đời sống người dân ngày càng khấm khá

Mấy ngày này, chính quyền và người dân xã Lạc Quới tất bật cho lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông Trần Văn Niên - Phó chủ tịch UBND xã Lạc Quới - khoe rằng, địa phương tổ chức lễ này với quy mô khoảng 300 khách mời. Ông nói: “Toàn xã này có 2.255ha đất, chủ yếu trồng lúa, cây ăn trái và rau màu. Trong số này, có 580ha đất của hơn 200 hộ dân dọc 2 bờ kênh Ông Kiệt. Nhờ con kênh này mà dân 2 ấp Vĩnh Thuận, Vĩnh Lộc ngày càng đông đúc, nhà cửa khang trang, đường sá rộng rãi”.

Dọc theo kênh Ông Kiệt, ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn, nhà tường cũng san sát, ruộng đồng phì nhiêu, hộ nào cũng sắm máy móc phục vụ nghề nông. Ông Nguyễn Thành Đạo (68 tuổi) cho biết, ông vốn ở huyện Châu Phú, dẫn theo vợ cùng 3 đứa con vô ấp Vĩnh Thành này sinh sống khi vùng đất này còn hoang vu, không bóng người: “Tui vô đây sống năm 2000. Lúc đó không có điện, không đường, không nước hay trường học. Mỗi lần muốn ra ngoài Ba Chúc mua đồ, phải mất nửa ngày vì đi bộ”. 

Vài năm sau ngày ông Đạo vào đây lập nghiệp, vùng đất hoang hóa được rửa sạch phèn, việc làm nông ngày càng thuận lợi, dân kéo về sinh sống ngày một đông hơn. Từ đó, đường sá cũng hình thành rộng rãi. Ông nói, nhờ con kênh này mà nay dân mới no đủ, có đường bộ lẫn đường sông, giao thương thuận tiện, rồi điện, đường, trường, trạm cũng mọc theo.

“Phải nói rằng, ông Kiệt là vị lãnh đạo gần dân, lo cho dân, sống vì dân. Chúng tôi luôn ghi nhớ trong lòng về người tạo ra con kênh chiến lược này” - nông dân Huỳnh Ngọc Ân bày tỏ. 

Sau 25 năm hình thành, kênh T5, tức kênh Võ Văn Kiệt, kênh Ông Kiệt đã giúp vùng tứ giác Long Xuyên trở nên trù phú, ấm no
Sau 25 năm hình thành, kênh T5, tức kênh Võ Văn Kiệt, kênh Ông Kiệt đã giúp vùng tứ giác Long Xuyên trở nên trù phú, ấm no

Kênh Võ Văn Kiệt giúp hình thành vùng lúa 125.000ha

Những năm đầu 1990, vùng đồng bằng sông Cửu Long chịu những cơn lũ lớn, nước ngâm lâu, gây nhiều thiệt hại về người, tài sản. Khi đó, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Sinh Huy và phó giáo sư, tiến sĩ Hồ Văn Chín (Trường đại học Thủy lợi) đã có công trình nghiên cứu, đề xuất giải pháp thoát lũ ra biển Tây. Năm 1996, ý tưởng của nhóm này được giáo sư Nguyễn Văn Hiệu - khi đó là Giám đốc Trung tâm Khoa học tự nhiên và Công nghệ quốc gia (nay là Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) - biết đến. Giáo sư Nguyễn Văn Hiệu đã mời giáo sư Nguyễn Sinh Huy trình bày với Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt về giải pháp trên.

Ngày 9/2/1996 Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đã ký ban hành Quyết định số 99/TTg về định hướng dài hạn và kế hoạch 5 năm (1996-2000) đối với việc phát triển thủy lợi, giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cũng trong năm 1996, nhóm các nhà khoa học trên đã đề xuất với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện dự án nghiên cứu về điều khiển lũ ở tứ giác Long Xuyên. Dựa vào kết quả nghiên cứu, bộ đã đề xuất hệ thống công trình thoát lũ ra biển Tây nhằm kiểm soát lũ tràn từ biên giới Campuchia vào đồng ruộng của vùng tứ giác Long Xuyên, đồng thời khai thác vùng đất hoang hóa để phát triển nông nghiệp. 

Tháng 4/1997, công trình đầu tiên trong hệ thống này là kênh T5 đã được khởi công và hoàn thành vào ngày 30/8/1997. Ngày 10/7/2009, HĐND tỉnh An Giang đã ra nghị quyết đặt tên kênh T5 là kênh Võ Văn Kiệt và dựng bia tưởng niệm Thủ tướng Võ Văn Kiệt ở đầu tuyến kênh. Kênh Võ Văn Kiệt dài 48km, có quy mô lớn nhất, có vai trò quan trọng nhất trong hệ thống kênh gồm T4, T5, T6. 

Theo ông Trần Anh Thư - Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang - công trình đã giúp vùng này cải tạo lại đất đai, hình thành nên một vùng lúa rộng 125.000ha, tạo ra công ăn việc làm, tăng sản lượng xuất khẩu lúa gạo cho vùng tứ giác Long Xuyên. Hệ thống kênh này cũng giúp hình thành các khu dân cư đông đúc, góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực biên giới. 

Kim Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI