Những cô gái trẻ là nạn nhân của bọn buôn người ở Anh

11/03/2022 - 21:11

PNO - Trong khi tình trạng bóc lột lao động và tội phạm có xu hướng là những hình thức nô lệ hiện đại phổ biến nhất ở Anh, phần lớn nạn nhân của nạn bóc lột tình dục và ma túy tại nước này lại phụ nữ và trẻ em gái.

Emily (tên của nhân vật đã được thay đổi) đã bắt đầu chịu nạn bóc lột trẻ em khi mới 11 tuổi. Một người hàng xóm trung niên đã dụ dỗ em bán ma túy lậu quanh các thị trấn ở miền Bắc nước Anh và xứ Wales.

Tuy chưa bao giờ bị giam cầm về mặt thể chất, nhưng Emily cảm thấy mình như người bị nô lệ về mặt tâm lý, bởi những kẻ lạm dụng và luôn kiểm soát mình
Tuy chưa bao giờ bị giam cầm về mặt thể chất, nhưng Emily cảm thấy mình như người bị nô lệ về mặt tâm lý, bởi những kẻ lạm dụng và luôn kiểm soát mình

Mỗi lần vận chuyển ma túy đều được các nhóm tội phạm dàn dựng cẩn thận. Emily có thể được chở từ nhà này sang nhà khác trên xe của hàng xóm. Người ngoài nếu nhìn vào, sẽ nghĩ đó là một cô bé đang được cha đưa đi chơi. Cảnh sát đang làm nhiệm vụ cũng không thể ngờ rằng, dưới lớp áo của Emily là nhiều túi nhựa chứa đầy chất cấm.

Khi lớn hơn, Emily bắt đầu tự mình thử nghiệm ma túy. Người hàng xóm đã đề nghị quan hệ tình dục với em, và hứa sẽ cung cấp nguồn ma túy thường xuyên cho em. Do thường bị bắt nạt ở trường, Emily bắt đầu trở nên thân thiết với người hàng xóm này.

Đến năm 14 tuổi, Emily liên tục trốn học, tự buôn bán ma túy và từng bị đuổi học một lần vì đánh nhau. “Khi đó, tôi trở nên bất cần, không còn quan tâm đến bất cứ điều gì nữa”, cô buồn bã nhớ lại.

Từ đó, em bị rơi vào tình trạng lạm dụng chất kích thích và trầm cảm. Emily lại chưa bao giờ nói với cha mẹ và họ nghĩ rằng em chỉ đang trải qua “một giai đoạn nổi loạn” của trẻ vị thành niên.

Chỉ sau khi mang thai đứa con gái ở tuổi 20, Emily mới có thể cắt đứt mọi liên lạc với những kẻ buôn người.

Hiện, Emily đang quản lý một tài khoản biệt danh trên Twitter, trong vai trò là một người ủng hộ việc đấu tranh chống nạn buôn người. Những bài viết của Emily giúp nâng cao nhận thức của các tổ chức và cá nhân làm việc trong lĩnh vực này, và thể hiện tinh thần đoàn kết, tương ái với các nạn nhân và những người sống sót khác.

Vào năm 2018, hơn mười năm sau khi tự giải thoát khỏi một loạt những kẻ buôn người đang hoạt động trên nhiều vùng khác nhau của miền Bắc nước Anh và xứ Wales, Emily đã lấy hết can đảm để báo cáo lên cảnh sát về việc bản thân đã bị bóc lột tình dục nhiều năm trước.

“Tôi cảm thấy đó là điều mình nên làm, đối mặt với quá khứ và hướng tới tương lai, để điều tương tự sẽ không xảy ra với những cô gái và trẻ em khác,” cô nói.

Khi không nhận được phản hồi từ cảnh sát, Emily đã liên hệ với Đường dây nóng hỗ trợ nô lệ hiện đại - tổ chức chuyên cung cấp thông tin và hướng dẫn ứng phó với nạn nô lệ, bóc lột và lạm dụng. Chỉ 6 tháng sau, cảnh sát đã giới thiệu cô cho Chương trình Cảnh báo quốc gia (NRM), do chính phủ Anh lập ra để hỗ trợ các nạn nhân tiềm năng của nô lệ hiện đại.

Trong khi bóc lột lao động và tội phạm có xu hướng là những hình thức nô lệ hiện đại phổ biến nhất ở Anh, thì phần lớn nạn nhân của nạn bóc lột tình dục là phụ nữ và trẻ em gái. Trong số 1.115 người trưởng thành được báo cáo cho NRM là những nạn nhân bóc lột tình dục vào năm 2020, 85% là nữ.

Trong thời đại dịch, dẫn đến nhiều đợt phong tỏa, nạn buôn bán tình dục lại càng khó bị phát hiện hơn; do nạn nhân bị cách ly và khó có thể tìm kiếm sự giúp đỡ, trong khi hoạt động này cũng gia tăng trên môi trường trực tuyến. Ước tính, số vụ cưỡng bức mại dâm tại Anh trong năm 2020 đã tăng 25% so với năm 2019. Theo Unseen - một tổ chức từ thiện chống tình trạng nô lệ - khoảng 100.000 người hiện có thể là nạn nhân của nạn buôn người ở Anh.

Nhất Nguyên (theo Al Zajeera)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI