Những bệnh viện nào được phép dùng huyết tương chữa cho các ca COVID-19 nặng?

24/04/2020 - 19:51

PNO - Liệu pháp sử dụng huyết tương sẽ giúp Việt Nam tăng thêm "vũ khí" chống lại virus SARS-CoV-2 cho những ca bệnh nặng.

Sử dụng huyết tương là một trong những liệu pháp hướng tới điều trị cho các bệnh nhân nặng
Sử dụng huyết tương là một trong những liệu pháp được kỳ vọng sẽ tăng hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân nặng mắc COVID-19

Chiều 24/4, PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh, kiêm Phó Tiểu ban Điều trị thuộc Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống COVID-19 (Bộ Y tế) đã chủ trì cuộc họp hội đồng chuyên môn nghiệm thu "Hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19 tại Trung tâm Quản lý, điều hành trực tuyến hỗ trợ chuyên môn, chẩn đoán, điều trị COVID-19".

Các chuyên gia nhận định, nếu những phương pháp thông thường không giảm được lượng virus ở những bệnh nhân trở nặng do nhiễm SARS-CoV-2, cần tính đến phương án sử dụng huyết tương của người khỏi bệnh COVID-19.

Huyết tương của người khỏi bệnh được chiết tách sẽ là chế phẩm máu đặc biệt. Sau khi truyền vào cơ thể các bệnh nhân trở nặng sẽ hỗ trợ diệt virus. Phương pháp này cũng được đánh giá là ít có biến chứng.

Theo PGS.TS.BS Lương Ngọc Khuê, điều quan trọng nhất trong hướng dẫn này là lựa chọn người hiến huyết tương như thế nào và vấn đề sử dụng nó. Bên cạnh đó, việc bảo đảm an toàn từ huyết tương của người hiến sau khi điều trị khỏi bệnh COVID-19 cũng được đặt lên hàng đầu, để ngăn ngừa những nguy cơ lây nhiễm ẩn chứa cho người bệnh đang cần truyền và cho cả nhân viên y tế, cộng đồng

Để đảm bảo nguồn máu hiến được an toàn, Bộ Y tế giao cho các trung tâm lớn có các chuyên gia hàng đầu, đủ điều kiện lấy máu như: Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM. Nguồn máu hiến này sẽ được chiết tách huyết tương và đưa đến các bệnh viện.

Về điều trị, Bộ Y tế cũng chỉ giao cho 4 bệnh viện được phép điều trị cho những ca COVID-19 nặng là Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội), Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM.

Các đơn vị được giao nhiệm vụ lấy máu và điều trị từ huyết tương người bệnh phải phối hợp chặt chẽ với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, các viện Pasteur để đảm bảo việc lấy huyết tương đúng quy trình chuyên môn, nồng độ kháng thể.

Bên cạnh đó, các đơn vị thực hiện phải đảm bảo công tác an toàn sinh học trong tất cả các quy trình, vận động người hiến và có chính sách giúp đỡ, động viên người tham gia tình nguyện hiến huyết tương.

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, hướng dẫn tạm thời nhưng trên nguyên tắc vẫn phải đảm bảo tính khoa học, an toàn cho người bệnh và sẽ không ngừng cập nhật, hoàn chỉnh. 

Trước đó, ngày 8/4/2020, Cục quản lý Khám chữa bệnh đã có công văn giao 2 bệnh viện là Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương và Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) xây dựng dự thảo "Hướng dẫn tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị COVID-19, nhằm đẩy mạnh công tác điều trị cho những bệnh nhân nặng".

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI