Nhu cầu tự nhiên của trẻ, có gì là... bậy bạ?

19/03/2022 - 11:30

PNO - Có cậu bé ngoan hiền học giỏi, một ngày bị cha phát hiện cậu xem phim sex, thủ dâm. Cả nhà tá hỏa, phản đối, cắt điện thoại, xét hỏi: “Mày có xem nữa không?”, “Mày có chịu học không?”, “Mày làm những chuyện ấy mấy lần rồi”…

Cậu bé thấy mình như tội phạm, mặc cảm tội lỗi, nghĩ mình là đứa xấu xa, không ra gì. Mẹ cậu bé đã đến gặp chuyên viên tâm lý với nỗi ân hận khi con không muốn sống nữa. Vô tình vì lo lắng cho con, gia đình ứng xử sai cách khiến con bị sang chấn tâm lý.

Làm thế nào để “Bảo vệ con trước sự mời gọi của web “đen”, trước nguy cơ bị kẻ xấu trên mạng lôi kéo?”, tôi xin chia sẻ đôi điều với quý phụ huynh.

TS Phạm Thị Thúy
TS Phạm Thị Thúy

 

Trẻ không có nhu cầu tìm hiểu về giới tính mới là bất thường 

Tò mò các vấn đề về giới tính, mối quan hệ nam nữ là nhu cầu tự nhiên, bản năng. Những đứa trẻ nào xem clip, chơi game, đọc truyện có chi tiết nhạy cảm, có một số yếu tố kích hoạt những nhu cầu tìm hiểu cơ thể người khác, kích hoạt những rung động giới tính sớm thì đương nhiên sẽ đi tìm tòi chuyện ấy sớm. Còn những trẻ lo học, vô tư, hạnh phúc trong gia đình… vẫn có nhu cầu tìm tòi, nhưng trễ hơn. 

Tò mò về cơ thể mình và cơ thể người khác phái là thuộc tính tự nhiên của con người
Tò mò về cơ thể mình và cơ thể người khác phái là thuộc tính tự nhiên của con người

 

Giáo dục giới tính trễ, trẻ tự dò dẫm 

Cha mẹ phải hiểu tâm lý của con và định hướng nhu cầu, giáo dục giới tính cho con càng sớm càng tốt. Đã có kiến thức khoa học một cách rất rõ ràng, minh bạch, cụ thể, công khai, đàng hoàng thì con đâu cần tò mò. Công cụ chính thống để giáo dục con thì một số cha mẹ không lưu tâm, đến lúc con xem web “đen” thì lại phạt con. Muốn tìm hiểu sớm hay muộn là tùy từng trẻ, tùy từng điều kiện. Hơn nữa một phần trách nhiệm khi trẻ tìm hiểu qua web “đen” thuộc về cha mẹ. Đứa trẻ cần được tôn trọng quyền riêng tư nên phụ huynh không nên lục tìm từ máy tính điện thoại nhật ký của con. Phải phòng hơn chống, chứ không thể đợi con xem rồi, cha mẹ mới bắt đầu “bới lông tìm vết”.

Phản ứng thái quá gây tổn thương sâu sắc lên con trẻ 

Khi phát hiện con xem web “đen” hoặc có trao đổi vấn đề nhạy cảm trên mạng, cha mẹ tuyệt đối không nên la mắng, nhục mạ, bêu riếu, làm mất thể diện con. Những hành động này không làm cho con “bỏ tật” (vì đó là nhu cầu bản năng, không sớm thì muộn) mà gây hại cho trẻ, làm đứa trẻ hoảng sợ, cảm thấy mình như tội phạm. Cha mẹ phải nhìn nhận đây là nhu cầu thông thường của trẻ, không khủng khiếp như “trời sập”. 

Có quá thoải mái khi cho con vào mạng?

Tuy con tò mò lên mạng tìm hiểu là chuyện bình thường, con không xem sớm thì tốt hơn, nhưng cần hiểu đằng sau hành động xem đó liệu có phải do cha mẹ đã quá thoải mái trong việc cho con tiếp cận internet không? Cha mẹ đã bỏ qua khâu kiểm soát máy tính, điện thoại, cài đặt phần mềm bảo vệ chống những trang, những chương trình của người lớn thì con mới có cơ hội. 

Cha mẹ cần quản lý giao tiếp trên mạng, giờ giấc, ngoài giờ học online. Gia đình nên có nguyên tắc: thiết bị công nghệ như máy tính, iPad để ở phòng khách, nơi có bố mẹ qua lại để quan sát con đang xem gì, học như thế nào. Không nên cho con mang thiết bị công nghệ vào phòng riêng; đến độ tuổi trưởng thành mới cho con sử dụng điện thoại riêng (theo tôi, sớm nhất là từ lớp Chín). Cha mẹ cần hướng dẫn kỹ năng sử dụng và cách phòng ngừa các nguy cơ xấu từ mạng trước khi giao điện thoại, máy tính cho con. Giai đoạn dịch COVID-19, học online là điều kiện môi trường có nhiều nguy cơ thử thách bản lĩnh của trẻ. Trẻ được “tháo cũi sổ lồng”, có thể dễ dàng vào bất kỳ trang web nào. 

Thật bình tĩnh khi phát hiện 

Muốn vậy, cha mẹ cần nhìn nhận đó là nhu cầu bản năng của con, như bao nhu cầu tự nhiên khác, không nên coi là hành vi xấu xa, tội lỗi… mà cần coi đây là tình huống có thể tận dụng để dạy con về tình dục, tình yêu, về trách nhiệm và nghĩa vụ bảo vệ cơ thể, cách giữ gìn sức khỏe sinh sản… 

Nếu chưa bình tĩnh ngay được thì có thể trì hoãn: “Con tắt máy và về phòng đi! Bây giờ bố/mẹ chưa nói chuyện với con được, lúc khác bố/mẹ sẽ trao đổi với con về các vấn đề con đang quan tâm!”. Ngay lúc phát hiện ra chuyện con xem web “đen”, cha mẹ nên “tạm lánh”, lắng cảm xúc xuống, tìm tĩnh lặng cho cả cha mẹ và con. Khi bình tĩnh mới hỏi rõ các thông tin liên quan, nhu cầu của con, suy nghĩ của con về chuyện giới tính… Nghe trẻ nói cha mẹ sẽ hiểu hành động của con và từ đó sẽ định hướng dạy con những điều nên và không nên khi lên mạng tìm hiểu. Nguy hiểm nhất là cha mẹ nói chuyện hoặc xử lý tình huống ngay lúc đang có cảm xúc tồi tệ, gán cho đứa trẻ tội lỗi kinh khủng và đẩy vấn đề đi quá xa. 

Một buổi tư vấn sức khỏe sinh sản cho học sinh - sinh viên do báo Phụ Nữ phối hợp tổ chức
Một buổi tư vấn sức khỏe sinh sản cho học sinh - sinh viên do báo Phụ Nữ TPHCM phối hợp tổ chức (Ảnh: Phùng Huy)

Nghiêm túc khi nói chuyện với con 

Cha mẹ phải phân tích tại sao những hình ảnh này, nội dung này con chưa nên xem. Con tò mò thì cha mẹ trao đổi với con, mua sách cho con đọc hay cho xem những bộ phim khoa học trên mạng về vấn đề này. Hoàn toàn cởi mở với trẻ để trẻ biết nhu cầu khám phá là tự nhiên, không có gì xấu, chỉ là khám phá sao cho đúng nguồn tài liệu, phù hợp lứa tuổi. Cha mẹ có thể nhắc tuổi của con và hỏi vì sao những trang này người ta đề 18+, con chưa đủ trưởng thành về cơ thể, về mặt trách nhiệm xã hội, mặt cảm xúc, chưa tự chủ trong mọi việc… để có thể chịu trách nhiệm về hành vi tình dục. Hành vi tình dục là hành vi đẹp giữa những người yêu nhau khi người ta đủ lớn, đủ trưởng thành để chịu trách nhiệm.

Cất lăng kính của con người ở 20-30 năm về trước 

Giai đoạn dịch bệnh, học online quá khác biệt và chưa có tiền lệ, nên thầy cô, cha mẹ đều lúng túng, dễ mất kiểm soát. Điều gì cũng cần có thời gian thích nghi và đừng quên là trẻ cần được hướng dẫn. Con có những hành vi chưa chuẩn mực, chưa đúng vào lúc này thì người lớn phải hướng dẫn cho con làm đúng. Quan điểm của tôi là bảo vệ quyền riêng tư và quyền được tự do tìm hiểu của đứa trẻ. Cha mẹ phải nhận trách nhiệm là mình đã không hướng dẫn, cung cấp cho con sớm những kiến thức và sự bảo vệ an toàn. Nếu cha mẹ chưa làm hết trách nhiệm của mình thì con có chuyện gì xảy ra một phần là do mình, sao lại đi trách mắng, phê phán, đánh đập, quy tội cho con?

Cha mẹ phải thực sự bắt nhịp được sự phát triển của trẻ bây giờ. Đừng dán nhãn “tí tuổi đầu đã hư”; đừng lấy tư duy, cách nghĩ, lăng kính của con người 20 - 30 năm về trước áp lên đứa trẻ của thời nay, vì đã không còn phù hợp. 

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy
(giảng viên Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TP.HCM)

Tô Diệu Hiền (ghi)

Học online, bé gái bị kẻ lạ ép gửi hình nhạy cảm 

Chị N.L. (H.Bình Chánh, TP.HCM) mong muốn đưa câu chuyện cảnh giác cho các gia đình để không đứa bé nào phải rơi vào cơn ác mộng như con gái đang học lớp Bốn của chị.

Vào tháng 12/2021, một tối đi buôn bán về, thấy con gái xanh xao, tỏ vẻ bồn chồn, lo lắng, chị N.L. gặng hỏi và kiểm tra điện thoại thì phát hiện con đã chụp, quay, gửi hình, clip nhạy cảm cho người lạ. Bé khóc kể, bé đang học online thì có một kẻ lạ nhắn tin làm quen, hứa sẽ chỉ cho bé chơi mấy game hấp dẫn. Sau đó người này liên tục bắt ép bé phải chụp ảnh, quay clip vùng nhạy cảm của cơ thể để gửi cho hắn; nếu bé không tiếp tục gửi, hắn sẽ đăng tất cả hình ảnh lên mạng.

Vì bất ngờ, lo lắng, tức giận, trong lúc dạy con không được tự ý giao tiếp với người lạ qua mạng, chị N.L. đã đánh con và chị vẫn hối hận vì sự thiếu kiềm chế của mình. Chị nói: “Con mới 8 - 9 tuổi, nào có biết gì, lỗi là ở người lớn”.

Nhiều tháng trôi qua mà tinh thần của bé vẫn chưa ổn định, còn ám ảnh chuyện bị tấn công qua mạng. Đã nộp đơn tố giác tại Công an H.Bình Chánh, chị N.L. cùng gia đình mong kẻ xấu sớm lộ diện và nhận hình phạt thích đáng.


Nguyễn Thắng

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI