Nhu cầu ghép tạng tăng khi COVID-19 tàn phá phổi nhiều bệnh nhân

28/06/2021 - 05:44

PNO - Đơn cử tại Mỹ, quốc gia có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới, các bệnh viện đang chứng kiến một nhóm ngày càng tăng bệnh nhân cần thay thế nội tạng - thường là tim và phổi - bị phá hủy bởi SARS-CoV-2.

 

Bệnh nhân Mark Buchanan người Mỹ (ngồi xe) được cấy ghép hai lá phổi vào tháng 10/2020 - ẢNH: NBC
Bệnh nhân Mark Buchanan người Mỹ (ngồi xe) được cấy ghép hai lá phổi vào tháng 10/2020 - ẢNH: NBC

Xu hướng đáng quan tâm

Trận chiến của John Micklus với COVID-19 bắt đầu vào kỳ nghỉ Giáng sinh năm 2020 và kết thúc năm tuần sau đó với lá phổi bị tổn thương đến mức các bác sĩ nói rằng họ không thể làm gì để cứu sống anh.

Micklus kể lại: “Lời khuyên của bác sĩ là tôi hãy thực hiện những nguyện vọng còn dang dở”. Nhưng khi bệnh nhân 62 tuổi chia sẻ tin dữ cho vợ từ giường bệnh ở bang Maryland Mỹ, người phụ nữ tuyệt vọng gọi cho một số bác sĩ, và cuối cùng biết được một lựa chọn cuối cùng: Phẫu thuật ghép cả hai lá phổi.

Micklus được chuyển đến Trung tâm Y tế Đại học Maryland ở Baltimore, nơi một cuộc đánh giá nghiêm ngặt chứng nhận điều kiện để anh nhận phổi từ một người hiến tặng phù hợp vài ngày sau đó. Micklus được xuất viện vào ngày 30/3, đánh dấu ca ghép phổi thành công thứ hai của trung tâm cho một người sống sót sau COVID-19.

Giữa tháng Sáu, Cleveland Clinic - một trong những trung tâm y tế được xếp hạng hàng đầu của Mỹ - cho biết, các bệnh viện trên toàn liên bang đã báo cáo sự gia tăng số ca cấy ghép phổi cho các trường hợp COVID-19 nghiêm trọng. Tiến sĩ Jonathan Orens - một chuyên gia cấy ghép phổi tại Trường Y Đại học Johns Hopkins ở Baltimore - thừa nhận rằng các bệnh viện đang chật vật xử lý số lượng ngày càng tăng những bệnh nhân có nội tạng "về cơ bản bị phá hủy bởi vi-rút".

 Phẫu thuật cấy ghép có thể là giải pháp duy nhất cho những bệnh nhân trải qua một loạt tổn thương phổi đe dọa tính mạng do COVID-19, phản ứng viêm do miễn dịch và cơ thể không thể tự chữa lành đúng cách. Tất cả những điều đó có thể dẫn đến tích lũy mô sẹo sợi, tạo ra "sự thay đổi dạng tổ ong" làm cho phổi trở nên xơ cứng và phá hủy các túi khí nhỏ như quả nho – nơi đảm nhiệm việc trao đổi oxy. David Kleiner - người đứng đầu bộ phận khám nghiệm tử thi tại Trung tâm Lâm sàng Viện Y tế Quốc gia ở Bethesda, bang Maryland – cảnh báo, quá trình hình thành sẹo có thể xảy ra trong vòng vài tuần sau khi phổi bị lây nhiễm.

Ca phẫu thuật ghép hai lá phổi từ người hiến tặng đã chết cho bệnh nhân COVID-19 đầu tiên được thực hiện trên một bệnh nhân 65 tuổi vào tháng 4/2020 tại Vũ Hán, Trung Quốc. Đến đầu tháng 4/2021, lần đầu tiên trên thế giới, Bệnh viện Đại học Kyoto ở Nhật Bản cấy ghép thành công mô phổi từ người sống cho một bệnh nhân bị viêm phổi COVID-19 nghiêm trọng. Người phụ nữ nhận thành công các bộ phận phổi từ chồng và con trai trong ca phẫu thuật kéo dài 11 giờ, nhờ đội ngũ y tế lên đến 30 người.

Hiện tại, hơn hai mươi bệnh viện tại Mỹ đã thực hiện các ca cấy ghép và con số tăng lên mỗi tháng. Tiến sĩ Tae Song - giám đốc phẫu thuật phụ trách chương trình ghép phổi tại Trung tâm Y tế Đại học Chicago (Mỹ) – nhận định: "Tôi nghĩ đây mới chỉ là sự khởi đầu cho một hạng mục bệnh nhân cấy ghép hoàn toàn mới trên toàn thế giới".

Không phải ai cũng có thể phẫu thuật

Thủ thuật cấy ghép phổi cho bệnh nhân COVID-19 đã được thực hiện thành công ở Trung Quốc, Ý, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ,... Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng được điều trị. Một nghiên cứu đăng trên tạp chí y khoa The Lancet Respiratory Medicine vào tháng Năm đề xuất các tiêu chí để lựa chọn bệnh nhân COVID-19 phù hợp.

Đầu tiên, theo các bác sĩ tại Bệnh viện Northwestern Memorial ở bang Chicago - nơi diễn ra ca ghép phổi đôi đầu tiên cho bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ vào tháng 6/2020 – phương án chỉ dành cho những bệnh nhân không thể cai máy thở hoặc phổi nhân tạo, và cấy ghép là lựa chọn duy nhất để cứu sống họ.

Thứ hai, Tiến sĩ Tiago Machuca - trưởng khoa phẫu thuật lồng ngực tại Bệnh viện UF Health Shands, bang Florida (Mỹ) nói thêm: "Những ứng viên cấy ghép thành công chủ yếu là những bệnh nhân dưới 65 tuổi, có lá phổi khỏe mạnh trước căn bệnh nhưng không thể tự lành sau khi bình phục".

Cuối cùng, đối với những bệnh nhân COVID-19 cần ghép phổi, thời điểm rất quan trọng. Nếu ca phẫu thuật được thực hiện quá sớm, có nguy cơ bệnh nhân chưa loại bỏ hoàn toàn COVID-19. Đồng thời, ca phẫu thuật cũng “không thể quá muộn, bởi vì tại thời điểm đó, bệnh nhân có thể yếu đến mức không thể sống sót sau cuộc phẫu thuật và tham gia phục hồi chức năng”.

Theo Mạng lưới Chia sẻ Nội tạng Mỹ, hơn 107.000 người đang chờ đợi một ca cấy ghép nội tạng để sống sót. Trong đó, danh sách chờ đợi để được ghép phổi toàn bộ từ những người hiến tặng đã qua đời, là rất dài. Hơn nữa, COVID-19 có thể thu hẹp nguồn tạng hiến hiện tại và ảnh hưởng đến khả năng sẵn có trong tương lai.

Tấn Vĩ (theo NBC, Bloomberg, Asia Nikkei, Statnews, CGTN)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI