Nhớ con nước nổi

02/01/2022 - 06:00

PNO - Miền Tây sông nước không có khái niệm “mùa lũ”. Lũ là thứ “nước dữ” cuốn trôi mùa màng, heo bò, nhà cửa, con người. Dân miền Tây quê tôi chỉ biết “mùa nước nổi” hiền hòa.

 

Chừng tháng Bảy âm lịch, con nước bắt đầu trở. Sông ngày một đầy nước hơn, cao điểm là tháng Mười âm lịch, có năm trễ hơn, bà ngoại kêu là con nước rong. Nước lớn mấp mé ngang bờ sông, có khi tràn lên mặt đường đất. Quê ngoại Tiền Giang của tôi là vùng đất cao ráo nhất vùng Cửu Long nên không mấy khi nước ngập. Thế nhưng, với mấy vùng đất xung quanh, đó chính là mùa nước nổi tràn bờ. Nước cũng vẫn theo hai đợt lớn ròng mỗi ngày đầy ăm ắp sông, tràn lé đé chân vườn cây ăn trái và ngập ruộng. 

Mùa nước nổi - một “đặc sản” miền Tây Nam bộ
Mùa nước nổi - một “đặc sản” miền Tây Nam bộ

 

Mùa này là mùa cá linh. Con cá nhỏ nhưng bầy đông đúc lắm, tuôn theo dòng nước chảy. Cá linh là sản vật đặc trưng của mùa. Mùa nước nổi miền Tây rửa trôi nguồn sâu bệnh cho cây trồng. Nước tràn đồng cung cấp một lượng phù sa màu mỡ cho đất đai toàn vùng sông Cửu Long. Đó là chút nghỉ ngơi của đất, nguồn thực phẩm dự trữ dồi dào cá tép cho người và là mùa hè thú vị cho lũ nhỏ tha hồ lội mương bắt cá, tắm sông.

Đọc Sơn Nam viết về vùng Đồng Tháp Mười, bạn sẽ biết về giống lúa trời (còn gọi là lúa ma). Đó là một loài lúa rất đặc biệt vì vào mùa nước nổi, các loài thực vật thân cỏ khác sẽ bị nước nhấn chìm, chỉ riêng lúa trời sinh sôi phát triển. Nước dâng đến đâu, lúa lên tới đó. Đây là hồi ức về cuộc sống xa xưa, khi con người sống an nhàn trên một vùng đất sung túc đến mức không cần còng lưng gieo cấy, chỉ chờ đến mùa là bơi xuồng đi đập lúa; chờ nước nổi vớt cá ngâm mắm, hái bông điên điển, cắt cọng bông súng là có bữa cơm ngon. 

Qua đến Tịnh Biên, An Giang thì nước nổi xóa nhòa biên giới Việt Nam - Campuchia. Nước về ngập vùng hạ lưu sông Mê Kông bao gồm đồng bằng sông Cửu Long ở Việt Nam, Biển Hồ và Tonle Sap ở Campuchia. Đối với người dân miền Tây sông nước, mùa nước tràn về không phải là thiên tai mà là món quà thiên nhiên ban tặng. Cơ man cá về theo con nước, nên mắm Châu Đốc nổi tiếng là vậy. Những món mắm lóc, mắm sặc, mắm linh, mắm trèn, mắm ba khía… cực kỳ hấp dẫn. Trong các loại mắm được bày bán ở chợ Châu Đốc, mắm thái được nhiều người ưa nhất. Loại mắm này thường làm bằng cá lóc, lọc bỏ xương và da, xé nhỏ trộn với đu đủ xắt sợi và thịt ba rọi ram, thêm thính gạo rang thiệt thơm, nhận mắm bằng đường thốt nốt - đặc sản của xứ Bảy Núi (An Giang).

Ảnh Phùng Huy
Ảnh Phùng Huy

 

Mắm thái ăn kèm rau sống, chuối chát, thịt ba rọi luộc kỹ là đúng điệu miền Tây. Mắm cá linh nấu trong cái lẩu than, miền Tây kêu là cái cù lao, ăm ắp nào cá nạc, tôm sông và thịt ba rọi béo ngậy. Quẹo về hướng Trà Sư, rừng tràm mùa nước nổi đẹp mê mẩn. Lúc này, trong khu rừng tràm mênh mông, bèo tấm phủ kín mặt nước thành một tấm thảm thiên nhiên lộng lẫy. Bạn hãy ngồi yên vị trên chiếc tắc ráng, nghe tiếng mái dầm xắn nước đẩy mũi thuyền rẽ dọc tấm thảm bèo xanh mướt mà lướt đi dưới tán tràm thênh thang giữa thiên nhiên. Tán tràm chứa chấp vô số tổ chim sinh trưởng trong vùng lẫn chim thiên di theo mùa nước nổi mà về cư ngụ nơi này. Hoàng hôn nơi đây rợp trắng những cánh cò. 

Vòng về thị xã, bạn hãy thử món cá lóc nướng trui cuộn lá sen. Cá lóc cho thịt thơm ngon và săn chắc nhất vào mùa nước nổi, được nướng trui kiểu dân dã dậy mùi thơm. Muốn có món cá lóc nướng trui “chuẩn” hương vị miền Tây, phải phủ rơm vừa đủ bởi nếu rơm ít, cá sẽ sống còn rơm nhiều quá khiến cá khét, ăn bị đắng. Cá lóc nướng trui ngon nhất khi vừa chín tới. Thịt cá lóc ngọt thơm quyện chặt với vị mắm pha tỏi ớt hay chén mắm me dầm, đi với cảm giác mướt mát của các loại rau sống ăn cùng luôn là món ngon mùa mước nổi dành tặng cho dân miền Tây Nam bộ. 

Năm nay không nghe bà con báo lên rằng “Nước nổi đang tràn đồng kìa…”, tôi càng nhớ quê nhà nhưng do dịch giã nên vẫn chưa thể về… 

Kỳ Nam

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI