Nhờ chuyển đổi số, quán ăn đường phố “lên đời”

24/03/2023 - 06:08

PNO - Ngày càng nhiều quán ăn đường phố ở TPHCM thực hiện chuyển đổi số, thanh toán qua tài khoản ngân hàng hoặc qua ví điện tử. Điều này giúp khách hàng thuận tiện khi trả tiền, hàng quán cũng vì thế mà “lên đời”.

 

Người dân quét mã QR thanh toán tại một quán bán đồ uống giải khát ở quận 1, TPHCM
Người dân quét mã QR thanh toán tại một quán bán đồ uống giải khát ở quận 1, TPHCM

Xoài lắc, đá me  cũng có… mã QR

Tại khu vực hồ Con Rùa (quận 3) những ngày cuối tháng Ba, các quán ăn đường phố bán xoài lắc, bánh tráng trộn, đá me… nườm nượp khách ra vào. Thay vì phải thanh toán bằng tiền mặt, xếp hàng chờ thối tiền thì khách mua hàng có thể trả tiền bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại.

“Với lượng khách đông như thế này, trước kia chờ tính tiền thôi đã mệt. Bây giờ xe hàng nào cũng có ví điện tử, mã QR và tài khoản ngân hàng, nên chỉ cần quẹt là xong” - chị Như Ý - một khách hàng - chia sẻ.

Anh Nguyễn Hoàng - người có thâm niên bán đồ ăn vặt 7 năm ở khu vực hồ Con Rùa - cho biết, mình đã áp dụng hình thức chuyển khoản vài tháng trở lại đây. Trên xe đẩy, anh bài trí đủ loại đồ ăn vặt bắt mắt. Nơi tấm bảng hiệu, anh ghi số điện thoại của tài khoản ví điện tử, mã QR, và cả tài khoản ngân hàng để khách hàng tiện tay là “quẹt” ngay. 

“Ở khu vực này khách hàng tìm đến ăn uống đa phần là người trẻ như sinh viên, nhân viên văn phòng, họ đều thích chuyển khoản. Nhiều lần mất khách vì không có dịch vụ thanh toán trực tuyến, nên tôi hỏi thăm rồi tự đăng ký tài khoản để vừa tăng thu nhập vừa giữ chân khách” - anh Hoàng nói.

Quán nước vỉa hè của bà Lao Thị Kim Chi (quận 1) cũng áp dụng hình thức thanh toán qua mã QR được 6 tháng nay. Bà cho biết, phần lớn khách hàng của bà là người trẻ tuổi, đa phần đều chọn thanh toán số. Với những khách quen, cứ uống xong ly nước, đứng lên là “em chuyển khoản vào ví rồi nha chị”.

Bà Chi kể: “Việc thiết lập mã thanh toán ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn, do không biết cách cài đặt ứng dụng, tạo tài khoản, cũng không biết phải rút tiền ở đâu. Nhưng nhờ 2 bạn trẻ hướng dẫn, tôi đã quen dần và sử dụng thành thạo. Vô cùng tiện ích. Nó giúp tôi quản lý thu chi thuận tiện và nhanh chóng hơn”.

Bà Chi cho biết, từ khi áp dụng chuyển đổi số, bà không còn phải chạy đi chạy lại đổi tiền lẻ để thối cho khách hàng. Nhờ có tài khoản thanh toán mà nhiều khách hàng khi hết tiền mặt vẫn có thể vào quán của bà.

Nhờ vậy mà bà có thêm thu nhập. Tiền vào tài khoản cũng không bị thất thoát, dễ quản lý. Khách hàng của bà Chi - bạn Đoàn Minh Thảo (28 tuổi) - cho biết thêm, do thói quen hình thành từ 3 năm nay nên Thảo rất ngại khi phải đi rút tiền. Mỗi lần cần mua sắm gì hay gặp gỡ bạn bè, cô nàng đều ưu tiên chọn hình thức chuyển khoản ngân hàng hoặc ví điện tử. 

Hỗ trợ người dân chuyển đổi số 

Dọc con đường Đặng Thị Rành (khu phố 4, phường Linh Tây, TP Thủ Đức) không khó để bắt gặp những hàng quán vỉa hè có treo biển có mã QR để thanh toán trực tuyến. Để làm được điều này, có sự đóng góp rất lớn của các bạn đoàn viên thanh niên.

Chị Ngọc Bích - người dân bán hàng trên đường Đặng Thị Rành - cho biết, mấy tuần trước có một nhóm bạn trẻ từ Thành đoàn TPHCM đến tiệm hướng dẫn chị tạo mã QR. Ban đầu, chị thực hiện các thao tác còn khá lóng ngóng. Nhưng chỉ sau 3 tuần thì mọi việc đã thuần thục. “Ngoài việc khỏi phải đổi tiền lẻ thì việc chuyển đổi số còn giúp mình lưu lại được lịch sử thanh toán nên không sợ bị nhầm lẫn hay thối lộn tiền” - chị Ngọc Bích chia sẻ.

Tương tự, ông Nguyễn Chí Kiên (TP Thủ Đức) bán hủ tíu hơn 20 năm cũng được các bạn đoàn viên của phường đến tận nơi hướng dẫn tạo mã QR, mở ví điện tử và thao tác để thanh toán không tiền mặt. Giờ đây, trên xe hủ tíu của ông Kiên có dán mã QR nên nhiều người gọi là “hủ tíu công nghệ”.

“Áp dụng chuyển đổi số không chỉ lợi cho tôi mà khách hàng cũng được lợi. Khi thanh toán bằng ví điện tử họ sẽ nhận được nhiều ưu đãi như: giảm giá, hoàn tiền… nên họ rất thích. Khách đến quán của tôi cũng vì thế mà đông thêm” - ông Kiên nói. 

Được biết, việc đoàn thanh niên hỗ trợ hàng quán chuyển đổi số là hoạt động nằm trong chủ đề “Tuổi trẻ thành phố tiên phong chuyển đổi số” do Thành đoàn TPHCM phát động.

Ông Đoàn Kim Thành - Giám đốc Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ (Thành đoàn TPHCM) - cho biết, chương trình chuyển đổi số có nhiều hoạt động bao gồm: thành lập các đội hình chuyển đổi số hỗ trợ cho các đơn vị, chuyển giao các phần mềm quản lý công việc, văn phòng điện tử. Các bạn trẻ sẽ hỗ trợ việc cải cách hành chính, số hóa dữ liệu, hướng dẫn sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tập huấn kiến thức nâng cao năng lực số cho thanh niên, phòng ngừa tội phạm sử dụng công nghệ cao. 

“Việc chuyển đổi số cũng là hoạt động nhằm phát huy tinh thần sáng tạo, xung phong của thế hệ trẻ mang kiến thức khoa học, kỹ thuật và công nghệ của các trí thức, nhà khoa học trẻ góp phần hỗ trợ người dân thuận tiện hơn trong việc kinh doanh, buôn bán và xây dựng, phát triển thành phố” - ông Đoàn Kim Thành nhìn nhận. 

Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, tốc độ tăng trưởng về giao dịch thanh toán di động bình quân hằng năm đạt hơn 90%. Riêng trong năm 2022, thanh toán di động ghi nhận tăng trưởng cả về số lượng và giá trị giao dịch. Dữ liệu công bố của hãng nghiên cứu thị trường Statista cho thấy, Việt Nam nằm trong tốp 3 quốc gia có tỉ lệ người dùng thanh toán qua di động và dự báo lĩnh vực này sẽ tiếp tục gia tăng với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm lên đến 30,2% trong giai đoạn 2020-2027.

Nguyễn Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI