Chuyển đổi cùng chuyển đổi số

24/02/2022 - 06:21

PNO - Chị tôi bán cà phê cóc trong hẻm. Khi các đợt dịch COVID-19 xảy ra, phải nghỉ bán và tự cách ly ở nhà. Chị đã làm quen với Zalo, Facebook và nhiều dịch vụ online trên chiếc điện thoại di động vốn chỉ dùng để nghe và gọi trước đó.

Một phụ nữ trên 60 tuổi như chị làm quen Facebook, Zalo vài tháng nay khiến tôi vô cùng ngạc nhiên, thú vị, đầu tiên là về cách giao tiếp, tương tác trên mạng xã hội, kế đến là việc bán cà phê online cho khách.

Chị tôi là một trong số hàng trăm ngàn người đã tìm được việc làm online do thất nghiệp mùa COVID-19. Chỉ riêng trong khu phố tôi ở, trong thời gian giãn cách xã hội, nhiều phụ nữ có trình độ đã tổ chức các hình thức dạy thêm online, kể cả dạy những môn học thiên về kỹ năng thao tác như đàn, yoga. Nhiều sinh viên tranh thủ làm thêm công việc viết lách, quảng cáo, PR online cho các công ty truyền thông hoặc làm gia sư, dịch thuật, quản trị fanpage, trang web cho các tổ chức, doanh nghiệp. Nhiều bạn trẻ có chuyên môn tốt nhận thiết kế đồ họa, sản xuất video clip, thu âm cho các podcast… Tất cả đều làm online. 

Hai năm qua cũng là giai đoạn mà số lượng streamer, youtuber, tiktoker… ra đời như nấm sau mưa. Tất nhiên, không phải ai trong số này cũng xem việc sản xuất video clip, hoặc livestream trên các mạng xã hội là công việc kiếm tiền (và thực tế thì kiếm tiền bằng công việc này không hề dễ như nhiều người tưởng). Thế nhưng, không phủ nhận rằng, có nhiều người, nhiều nhóm, nhiều công ty đã có thu nhập cao từ công việc này. 

Tại một hội nghị cuối năm 2020, lãnh đạo Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết trong dịch COVID-19 mức độ quan tâm, tìm hiểu về chuyển đổi số cũng đã tăng gấp mười lần so với trước đây. Thống kê cho thấy có hơn 23 triệu người dân đã dùng ứng dụng công nghệ để phòng, chống dịch. Và đây cũng được xem là lực lượng “công dân số” nòng cốt, có vai trò quan trọng trong việc lan tỏa chuyển đổi số cho toàn xã hội.

Có vẻ như đại dịch đã vô tình thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn trong tất cả các ngành, các lĩnh vực. Song, công bằng mà nói, nhiều năm qua, cùng với sự phát triển công nghệ, nhiều ứng dụng trên các nền tảng internet đã làm thay đổi nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh truyền thống. Một sinh viên Việt Nam xây dựng được ứng dụng cho phép kết nối các giáo sư, tiến sĩ giỏi ở khắp nơi trên thế giới đến người có nhu cầu học trực tuyến; với mỗi kết nối thành công, bạn ấy được hưởng 10% chi phí. Chỉ bằng việc sử dụng nền tảng (platform) số, dịch vụ xe công nghệ thay đổi hoàn toàn phương thức, chất lượng với giá rẻ hơn. Một người ở trong hẻm sâu ở H.Củ Chi cũng có thể “kêu” GrabBike đến bằng bản đồ online không tốn cước điện thoại. 

Thông qua việc kết nối các nhóm người bán và mua với nhau, hình thức kinh doanh trên nền tảng công nghệ đang khiến những ngành kinh doanh truyền thống bị đảo lộn. Nhiều năm trước, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra xu hướng thay đổi sâu sắc trong cấu trúc và phương thức hoạt động của doanh nghiệp lẫn nền kinh tế dựa vào các nguyên tắc cạnh tranh mới như là tính cởi mở, đồng đẳng, chia sẻ và hoạt động toàn cầu. Và thực tế hiện nay, nó đang đến rất nhanh.

Chúng ta có thể chia sẻ nỗi buồn ế khách của một bác xe ôm, một tài xế taxi truyền thống nhưng cũng vui mừng nhận thấy kinh tế chia sẻ, kinh tế cộng tác đã thực sự bắt đầu ở Việt Nam. Công nghệ đã tạo ra thời đại của sự tham gia. Rất nhiều bạn trẻ Việt Nam giờ đang được thuê làm gia công (outsource) đồ họa cho các phim truyện hay trò chơi cho những công ty đa quốc gia có trụ sở tại Mỹ, Ấn Độ. Họ chỉ làm theo đơn đặt hàng một công đoạn nào đó mà không rõ sản phẩm cuối cùng và chưa từng gặp mặt người thuê họ. Ngành truyền thông, giải trí cũng thay đổi. Nhiều cá nhân bây giờ cũng có thể tạo ra các clip ca nhạc, phim truyện thu hút hàng chục triệu lượt người xem trên YouTube và thu hàng trăm ngàn USD tiền quảng cáo - điều mà trước đây chỉ có các đại gia truyền thông mới làm được. 

Trên bình diện vĩ mô, sự phân công lao động toàn cầu ngày càng trở nên phức tạp, đa dạng và sôi động hơn bao giờ hết. Ở trong nước, các mô hình chuyển đổi số cũng đang tạo ra những dịch vụ có ích cho người dân và tận dụng hiệu quả nguồn lực nhàn rỗi của xã hội. Có thể nói, người lao động đang chuyển đổi cùng chuyển đổi số.

Tất nhiên, sự chuyển đổi ấy còn có những mặt trái khó lường hết. Còn nhớ cách nay vài năm, đã xảy ra một vụ kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử tư pháp Việt Nam, đó là vụ Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (VINASUN) kiện Công ty TNHH Grab Việt Nam. Vì thế bên cạnh việc bắt kịp xu thế để có những giải pháp tốt, các nhà quản lý cũng cần lường trước những mặt trái để hạn chế những hậu quả có thể phát sinh…

Chuyển đổi số với dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, internet vạn vật sẽ tạo ra những thay đổi cơ bản, những mâu thuẫn với các mô hình truyền thống. Sẽ có những người chậm chân và trở thành nạn nhân trong cuộc chơi 4.0 ấy. Nhưng, những người chiến thắng sẽ ngày càng tăng lên vì bên cạnh việc công nghệ hiện đại mang lại nhiều cơ hội cho người lao động thì người Việt được đánh giá là rất năng động và thích nghi tốt với hoàn cảnh. 

Phan Văn Tú

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI