Nhiều trẻ suy đa tạng, tử vong vì đuối nước trong dịp nghỉ hè

29/07/2022 - 12:30

PNO - Từ đầu hè đến nay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa (Bệnh viện Nhi Trung ương) đã tiếp nhận gần 10 trẻ đuối nước, trong đó nhiều trẻ tử vong, suy đa tạng.

 

Trẻ hôn mê sau tai nạn đuối nước được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Trẻ hôn mê sau tai nạn đuối nước được điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Bé trai V.A. (12 tuổi, ở Hải Dương) nhập viện do bị rơi xuống nước khi đang chơi ở ao nuôi cá. Em được đưa lên bờ với biểu hiện tím tái. Em được gia đình sơ cứu và đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, kích thích. Em được đặt ống nội khí quản, dùng thuốc vận mạch, rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, em V.A. nhập viện trong tình trạng suy tuần hoàn, suy hô hấp nặng, SPO2 67%, chảy máu nhiều qua ống nội khí quản. Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp hồi sức tích cực cho em như thở máy, duy trì thuốc vận mạch liều cao, lọc máu, tiêm kháng sinh và điều trị chống phù não. Tuy nhiên, tiên lượng của em vẫn rất nặng.

Một trường khác cũng đang được điều trị đuối nước tại Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương là em N.B. (ở Hà Nội). Bố của em cho biết, khi em đang đi chơi cùng gia đình thì bị trượt chân ngã xuống bể bơi. Sau vài phút không thấy con, gia đình tá hỏa đi tìm thì thấy em đang nằm úp mặt xuống đáy bể. Em được đưa lên bờ trong tình trạng bất tỉnh, tím tái. Gia đình và nhân viên cứu hộ đã nhanh chóng cấp cứu tại chỗ cho em. Rất may mắn, sau gần một tuần được các bác sĩ điều trị tích cực, sức khỏe của em N.B. đã dần ổn định và chuẩn bị được ra viện.

Chỉ từ đầu hè đến nay, Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận điều trị cho gần 10 trẻ đuối nước, trong đó có những trẻ tổn thương phổi nặng, suy đa tạng phải lọc máu, thậm chí có trẻ đã tử vong.

Theo PGS.TS Tạ Anh Tuấn - Trưởng khoa Điều trị tích cực Nội khoa, đuối nước là tai nạn thường gặp ở trẻ em. Trẻ bị đuối nước có thể ngạt thở, dẫn đến tử vong nhanh chóng. Phần lớn trẻ bị đuối nước tử vong hoặc có các biến chứng nặng như: suy hô hấp, viêm phổi, hoặc di chứng tổn thương não do thiếu oxy kéo dài khi không được cấp cứu hoặc cấp cứu không đúng cách.

Vị chuyên gia khuyến cáo, trẻ bị đuối nước sau khi đưa lên bờ có thể tỉnh hoặc bất tỉnh, cần tiến hành cấp cứu tại chỗ ngay lập tức như sau:

- Đặt trẻ nằm ngửa trên mặt phẳng trong tư thế đầu thấp. Cởi bỏ quần áo bị ướt và giữ ấm cho trẻ bằng mền hoặc vải, áo quần khô để tránh trẻ bị hạ thân nhiệt.

- Cần đảm bảo đường thở thông thoáng bằng việc lấy sạch đờm dãi, các dị vật ở miệng và mũi. Khi thực hiện, người cứu hộ cần hết sức bình tĩnh, không làm tổn thương thêm đường hô hấp của trẻ.

- Đánh giá trẻ bằng cách nhìn nghe và cảm nhận: lay gọi, quan sát lồng ngực trẻ, nếu không thấy di động hoặc nếu trẻ bất tỉnh, cần tiến hành hồi sức tim phổi ngay lập tức.

- Thực hiện hô hấp nhân tạo bằng cách hà hơi thổi ngạt liên tục 2 lần cùng với xoa bóp tim ngoài lồng ngực: hai bàn tay chồng lên nhau và đặt giữa ngực trẻ, ấn mạnh xuống khoảng 2 - 3cm với nhịp điệu 2 lần/giây.

- Ngay sau khi hô hấp nhân tạo cần kiểm tra mạch đập của trẻ tại một trong các vị trí như mạch quay ở cổ tay, mạch cảnh ở cổ và mạch bẹn hoặc sờ vào lồng ngực trái để cảm nhận xem tim còn đập không. Khi không bắt được mạch hoặc thấy tim ngừng đập cần tiến hành ép tim ngoài lồng ngực kèm theo hô hấp nhân tạo.

Trong trường hợp trẻ còn tỉnh táo, cần đặt trẻ tư thế dẫn lưu nghiêng đầu trẻ sang bên, trẻ có thể tự thở trở lại.

Cần gọi hỗ trợ cấp cứu 115 hoặc các chuyên gia/bác sĩ quen biết.

Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI