Nhiều tổ chức, cá nhân sẽ hốt bạc nhờ “bán không khí”

27/03/2024 - 06:52

PNO - Việc các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ nhận được hàng chục triệu USD từ tín chỉ các bon rừng đang khiến nông dân cả nước phấn khởi và hy vọng.

Sau nhiều năm gắn bó với rừng, cuối năm 2023, anh Trần Văn Đát và các thành viên ban quản lý rừng cộng đồng A Tin, xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế nhận được tiền bán tín chỉ các bon (carbon) rừng mà mọi người gọi vui là tiền “bán không khí”.

Hưởng lộc từ rừng

51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng) là tổng số tiền mà thông qua Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Đối tác các bon lâm nghiệp dùng để mua 10,3 triệu tín chỉ các bon rừng của các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ gồm Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế trong giai đoạn 2018-2024. Nguồn tiền này đã được phân bổ về các tỉnh. Ở một số địa phương, tiền đã đến tay chủ rừng, bao gồm hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng, tổ chức và UBND xã với giá bình quân 5 USD/tín chỉ.

Cộng đồng rừng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế trồng 21.000 cây mây dưới tán rừng tự nhiên - Ảnh: Thuận Hóa
Cộng đồng rừng thôn Dỗi, xã Thượng Lộ, huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế trồng 21.000 cây mây dưới tán rừng tự nhiên - Ảnh: Thuận Hóa

Theo anh Trần Văn Đát, ngoài tiền bán tín chỉ các bon rừng, ban quản lý rừng cộng đồng A Tin còn được nhận 50 triệu đồng để cho các thành viên vay, làm kinh tế từ rừng. Anh Đát đã vay thêm 5 triệu đồng để mua cây giống, phân bón, trồng gần 3.000 cây keo trên hơn 1ha đất.

Tiền bán tín chỉ các bon mà các tổ chức, cá nhân ở tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ nhận trong 3 năm (2023-2025) là khoảng 5,7 triệu USD (khoảng 131 tỉ đồng). Năm 2023, chính quyền tỉnh đã được giao hơn 37 tỉ đồng và đã chi trả cho 800 chủ rừng, trong đó có 721 chủ rừng là cộng đồng, nhóm hộ, hộ gia đình, 11 chủ rừng là tổ chức, 58 UBND xã và 10 tổ chức khác có rừng tự nhiên. Toàn tỉnh có hơn 205.000ha rừng tự nhiên được chi trả tiền bán tín chỉ các bon rừng.

Ông Hà Minh Tâm - Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Thanh Hóa - cho hay, quỹ đã chi trả 56 tỉ đồng cho các chủ rừng, trong đó có 24.000 chủ rừng là hộ gia đình, đang chăm sóc, bảo vệ 20.000/398.000ha rừng tự nhiên của tỉnh, mức chi trả bình quân 130.000 đồng/ha. Riêng chủ rừng là các tổ chức, dù quỹ đã chi trả tiền nhưng hầu như các chủ rừng vẫn chưa sử dụng được số tiền này bởi họ đang phải xây dựng kế hoạch chi tiêu trình cấp trên phê duyệt.

Khó tránh khỏi những lúng túng

Việc các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ nhận được hàng chục triệu USD từ tín chỉ các bon rừng đang khiến nông dân cả nước phấn khởi và hy vọng. Chính quyền nhiều tỉnh, thành có rừng tự nhiên muốn thúc đẩy nhanh việc bán tín chỉ các bon. Chẳng hạn, UBND TPHCM đã đưa nội dung bán tín chỉ các bon rừng Cần Giờ vào chương trình phát triển nông nghiệp đô thị giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2050. Nông dân các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng nêu nguyện vọng được bán tín chỉ các bon từ những vườn cây ăn trái, ruộng lúa bạt ngàn.

Một cánh rừng xanh bạt ngàn ở xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Đình Dũng
Một cánh rừng xanh bạt ngàn ở xã Tư, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam - Ảnh: Đình Dũng

Theo lộ trình, năm 2025, Việt Nam sẽ vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ các bon và năm 2028 sẽ vận hành chính thức. Thị trường các bon toàn cầu được WB đánh giá có quy mô khoảng 92 tỉ USD tính đến cuối năm 2022 và đang tăng với tốc độ rất nhanh. Việt Nam hiện có hơn 14,7 triệu héc ta rừng, trong đó có hơn 10 triệu héc ta rừng tự nhiên, có tiềm năng lớn để phát triển thị trường tín chỉ các bon rừng. Năm 2023, Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đánh giá, cả nước có thể đang dự trữ 50-70 triệu tín chỉ các bon, có thể giúp thu về từ 200-300 triệu USD nếu lấy đơn giá 5 USD/tín chỉ như các tỉnh Bắc Trung Bộ đã nhận.

Ông Lê Thanh Dương - cán bộ Phòng Quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn thiên nhiên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Nam - cho biết, tín chỉ các bon được tính dựa theo sinh khối rừng, bao gồm tổng khối lượng thân, cành, lá, hoa, quả, rễ trên mặt đất, dưới mặt đất. Khi bán được tín chỉ các bon, chủ rừng và hộ trồng rừng cùng được hưởng lợi và càng ra sức bảo vệ, phát triển rừng.

Cộng đồng rừng ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế trồng mây dưới tán rừng tự nhiên - Ảnh: Thuận Hóa
Cộng đồng rừng ở huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên - Huế trồng mây dưới tán rừng tự nhiên - Ảnh: Thuận Hóa

Với lợi ích từ tín chỉ các bon, các doanh nghiệp sản xuất cũng đang tích cực tham gia thị trường này. Được biết, Viện Dầu khí Việt Nam đang đề xuất tham gia dự án trồng rừng ở tỉnh Quảng Nam với kế hoạch sẽ trồng mới 10.000ha rừng từ nay đến năm 2025 và giai đoạn 2025-2030 sẽ trồng 30.000ha. Theo tính toán, với các hoạt động khai thác dầu mỏ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đến năm 2050, sẽ cần 1,69 triệu tín chỉ các bon để bù vào lượng phát thải khí nhà kính. Do đó, việc chủ động trồng rừng sẽ giúp doanh nghiệp chủ động lượng tín chỉ các bon, giảm lượng tín chỉ phải mua trên sàn giao dịch.

Theo một số chuyên gia môi trường, việc đánh giá, đo đạc và cấp tín chỉ các bon ở Việt Nam hiện đang dựa hoàn toàn vào các tổ chức quốc tế, các cơ chế vận hành của thị trường các bon chưa rõ ràng nên nhiều địa phương rất lúng túng khi muốn tiếp cận, tham gia thị trường này.

H5: Tổ tự quản thôn A Sờ, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: Đình Dũng
H5: Tổ tự quản thôn A Sờ, xã Mà Cooih, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam tuần tra bảo vệ rừng - Ảnh: Đình Dũng

Quảng Nam là tỉnh đầu tiên trên cả nước làm hồ sơ để tham gia thị trường tín chỉ các bon thế giới. Nhưng, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - thừa nhận, Quảng Nam chưa có kinh nghiệm và nguồn lực về kỹ thuật, tài chính trên thị trường này. Hơn nữa, luật pháp Việt Nam chưa có quy định cụ thể, chưa định hướng rõ ràng về lĩnh vực này nên khó triển khai, thực hiện. Luật Đấu thầu quy định, phải đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn nước ngoài xây dựng dự án, mà việc đấu thầu quốc tế lại không đơn giản.

Ngoài ra, đề án thí điểm kinh doanh tín chỉ các bon rừng do UBND tỉnh Quảng Nam trình vẫn chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện chưa có quy định về hạn mức đóng góp NDC (mức đóng góp do quốc gia cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu) của từng địa phương, nên các địa phương chưa thể xác định được lượng tín chỉ có thể bán ra.

“Do những khó khăn, vướng mắc nêu trên, UBND tỉnh vẫn chưa hoàn thiện được hồ sơ dự án theo tiêu chuẩn VCS, CCB (các tiêu chuẩn toàn cầu về giảm phát thải khí nhà kính và tính toán lượng các bon) phiên bản mới nhất nên chưa thể trình phê duyệt, phát hành và kinh doanh tín chỉ các bon rừng” - ông Lê Trí Thanh nói.

Nhiều nông dân chưa nhận được tiền bán tín chỉ các bon

Nghệ An là tỉnh được phân bổ tiền tín chỉ các bon nhiều nhất trong các tỉnh Bắc Trung Bộ với 282 tỉ đồng, nhưng theo ông Dương Ngọc Hùng - Phó giám đốc Quỹ Bảo vệ phát triển rừng tỉnh Nghệ An - quỹ vẫn đang rà soát, thống kê, xác định diện tích rừng tự nhiên của từng chủ rừng để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch tài chính hằng năm.

Căn cứ theo Nghị định 107/2022/NĐ-CP, chủ rừng là hộ gia đình có thể tùy ý sử dụng số tiền nhận được; riêng chủ rừng là các tổ chức, cộng đồng dân cư phải lập kế hoạch tài chính trình cơ quan chức năng phê duyệt.

Chủ rừng là tổ chức còn phải rà soát đối tượng để đảm bảo diện tích rừng tự nhiên được khoán bảo vệ từ nguồn kinh phí ERPA (thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ) không trùng với diện tích khoán bảo vệ rừng có sử dụng nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước.

Không phải ngủ 1 đêm, thức dậy là có ngàn tỉ

Với hơn 14,7 triệu héc ta rừng, trong đó phần lớn là rừng tự nhiên, Việt Nam có tiềm năng lớn về thị trường tín chỉ các bon rừng. Rừng Việt Nam thực sự có giá trị, nhưng không phải cứ thức giấc là có ngàn tỉ. Giá tín chỉ các bon cao hay thấp còn phụ thuộc vào chất lượng, quá trình tạo ra tín chỉ này. Nhiều khu vực trên thế giới như châu Âu có thể bán với giá tới từ 120-150 USD/tín chỉ trên thị trường tự nguyện.

Quản lý và phát triển rừng bền vững sẽ quyết định nhiều đến chất lượng tín chỉ các bon. Để nâng chất lượng tín chỉ này, không chỉ cần làm tăng khả năng hấp thụ (thông qua hoạt động trồng mới, khôi phục rừng) mà còn cần cải thiện điều kiện làm việc của những người làm công tác bảo tồn, bảo vệ rừng, đáp ứng các tiêu chí về kinh tế, xã hội và môi trường bền vững, như cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc, người trồng, giữ rừng, đời sống kiểm lâm…

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách tài nguyên
và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường)

Cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam

Tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hiệp quốc (COP26), Việt Nam cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Các doanh nghiệp ngành gỗ có khả năng tạo tín chỉ các bon để bù đắp cho các ngành công nghiệp khác ở Việt Nam nhằm đạt cam kết này do cây có tính năng hấp thụ các bon trong khí quyển và lưu trữ trong gỗ, hoặc có thể được dùng như một nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, gỗ có thể được sử dụng thay thế cho các vật liệu phát thải cao khác như bê tông, nhựa...

Việt Nam có khoảng hơn 14 triệu héc ta rừng, trong số đó có gần một nửa là rừng sản xuất. Nếu các doanh nghiệp ngành gỗ nhận thức được việc đầu tư phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính là xu thế tất yếu và cần thiết phải thực hiện thì nguồn thu của doanh nghiệp không chỉ đến từ các hoạt động chế biến gỗ và lâm sản mà còn từ tín chỉ các bon.

Ví dụ, hoạt động trồng rừng gỗ lớn cần đầu tư ban đầu nhiều thời gian và chi phí, nhưng hiệu quả kinh tế từ sản phẩm lâm nghiệp sẽ cao hơn từ 3-4 lần. Ngoài ra, tuổi thọ cây kéo dài cũng giúp doanh nghiệp có thêm doanh thu từ tín chỉ các bon. Hoặc việc thay đổi thói quen xử lý thực bì sau thu hoạch cũng giúp tạo tín chỉ các bon. Thay vì đốt bỏ, thực bì có thể được sử dụng như một nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm như than sinh học dùng trong nông nghiệp hoặc trong xử lý chất thải.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng - Giám đốc Vina Carbon

Cần sớm hoàn thiện chính sách về thị trường các bon

Việt Nam có diện tích rừng lớn, nếu quản lý bền vững, sẽ tạo ra các tín chỉ các bon, từ đó tăng nguồn tài chính xanh cho doanh nghiệp, mang đến giá trị lớn cho nền kinh tế. Nhưng, để tạo ra được tín chỉ các bon, các doanh nghiệp phải thực hành phát triển bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải, giảm phát thải.

Để làm được điều này, cơ chế, chính sách về thị trường tín chỉ các bon cần được hoàn thiện sớm. Các chính sách phải khuyến khích tài chính, ưu đãi cho các dự án đầu tư xanh hóa sản xuất, sản xuất hàng hóa không gây mất rừng, thúc đẩy tiêu dùng gỗ, sản phẩm gỗ có chứng nhận; các cơ chế phải tạo sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ được chứng nhận. Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong việc quản lý rừng bền vững, giảm phát thải khí nhà kính.

Đại diện Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM

Quang Bình (ghi)

Thuận Hóa - Đình Dũng - Phan Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI