Nhiều người dân Đắk Lắk trắng tay sau đêm bão

04/11/2017 - 19:45

PNO - Trước tình trạng thiệt hại về nhà cửa và tải sản do ảnh hưởng bão số 12 gây ra, UBND tỉnh Đắk Lắk đã ban hành công điện khẩn về việc ứng phó với áp thấp và mưa bão.

Chiều 4/11, báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT và TKCN) UBND tỉnh Đắk Lắk cho biết, do ảnh hưởng của bão số 12, từ ngày 01 - 04/11 trên địa bàn tỉnh có mưa diện rộng.

Các huyện khu vực phía Đông, Đông Nam và phía Nam tỉnh có mưa to đến rất to, tổng lượng mưa từ ngày 01 đến 7h sáng ngày 04/11 phổ biến đạt từ 100 - 150mm, riêng tại xã Cư Prao huyện M’Drắc đạt 328mm; các vùng khác lượng mưa phổ biến đạt khoảng 50mm. 

Về ảnh hưởng gió bão: các huyện phía Đông, Đông Bắc, Đông Nam từ 3giờ ngày 04/11 có gió mạnh cấp 6 đến cấp 8; huyện M’Drắk gió mạnh cấp 9 giật cấp 10.

Nhieu nguoi dan Dak Lak trang tay sau dem bao
Nhiều cây xanh ngã đổ gây đứt dây điện.

Theo bản tin dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương và Đài Khí tượng thủy văn Đắk Lắk, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tiếp tục có mưa to kéo dài đến sáng mai, khu vực có mưa lớn gồm các huyện M’Đrăk, Lăk, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông, Krông Năng, Ea H’leo với tổng lượng mưa cả đợt phổ biến đạt từ: 200 - 300mm, có nơi trên 300mm.

Các hồ chứa vừa và nhỏ cơ bản đã đạt mực nước dâng bình thường; một số hồ thủy lợi lớn đã xả lũ và dự kiến xả lũ, cụ thể: Hồ Krông Buk hạ: 38m3/s; hồ Ea Súp thường: 70m3/s; hồ Ea Rớt: khoảng 20m3/s.

Nhieu nguoi dan Dak Lak trang tay sau dem bao
Nhiều nhà dân bị tốc mái.

Cũng theo báo cáo, cho đến chiều cùng ngày vẫn chưa có thiệt hại về người do bão gây ra nhưng gây thiệt hại lớn về nhà cửa và tài sản ở nhiều huyện như: M’Đrăk, Ea Kar, Krông Bông, Krông Năng. 

Tại huyện M’Drắk, cơ quan chức năng đã tổ chức di dời khoảng 100 hộ dân cơ nguy cơ bị ngập sâu tại buôn Luếch (xã Krông Jin). Hiện nay, một số tuyến giao thông trên địa bàn bị chia cắt do nước suối dâng cao gây ngập sâu các ngầm tràn; một số nhà dân, trụ sở, trường học bị hư hỏng; ngầm tràn liên hợp Ea H’mlay xã Cư Prao bị cuốn trôi; nhiều diện tích hồ tiêu bị đổ trụ.

Chỉ sau đúng 1 đêm, gia đình chị Nguyễn thị Hằng (xã Ea Lai, huyện M'Đrăk, tỉnh Đắk Lắk) đã rơi vào cảnh trắng tay. Bởi toàn bộ hơn 1.300 trụ tiêu chuẩn bị cho thu hoạch vụ đầu tiên đã bị hư hỏng hoàn toàn. Không chỉ vậy, việc sản xuất kinh doanh của người dân chịu thiệt hại nặng nề.

Nhieu nguoi dan Dak Lak trang tay sau dem bao
Lực lượng chức năng nỗ lực xử lý hậu quả do bão gây ra.

Theo thống kê sơ bộ, trên địa bàn huyện Ma Đrăk, đã có gần 200 ngôi nhà bị tốc mái; 3 thôn và 4 buôn hoàn toàn bị cô lập do ngập sâu trong nước, cùng với đó là rất nhiều cây cối, biển hiệu quảng cáo và các trụ điện cao thế bị đổ gãy.

Tại huyện Ea Kar: Hiện nay 14/16 xã phải cúp điện để đảm bảo an toàn do nhiều trụ điện bị đổ, hư hỏng; có 10 nhà bị tốc mái; 02 hộ dân phải sơ tán do nhà có nguy cơ bị sập; thôn 11 (xã Cư Yang) có 23 hộ dân bị cô lập do đường vào thôn bị chia cắt (cống qua đường bị cuốn trôi).

Khu vực xã Yang Mao, Cư Drăm (huyện Krông Bông) có gió mạnh làm tốc mái một số nhà dân, làm đổ các lều trại; một số cột điện bị đổ, nghiêng không đảm bảo an toàn nên đã cắt điện tại khu vực này.

Nhieu nguoi dan Dak Lak trang tay sau dem bao
Một trường học bị hư hỏng nặng.

Tương tự, ảnh hưởng của bão số 12 đã khiến cho huyện Krông Năng có 4 nhà tốc mái; 1 nhà xây cấp 4 bị sập; một số diện tích cao su bị đổ gãy.

Còn theo ông Trần Văn Minh - Chánh văn phòng UBND huyện Lắk, mưa lớn đã làm nhiều thôn, buôn thuộc xã Đắk Liêng bị cô lập. Trong ngày 4/11, lực lượng công an, quân đội, dân quân tự vệ… đã nổ lực di đời hàng chục hộ dân ra khu vực an toàn. “Mưa bão đã khiến nhiều ngôi nhà bị tốc mái, cuốn trôi nhiều tài sản, vật nuôi của người dân” - ông Minh cho biết thêm.

Bà H’Lam Niê (ngụ xã Đắk Liêng) chia sẻ, thông qua báo đài biết bão sẽ mạnh nên đã chuẩn bị gia cố lại nhà cửa, chuồng trại nhưng không ngờ bão lại mạnh như vậy. Chỉ trong tích tắc, toàn bộ gia cầm, vật nuôi của gia đình bị nước cuốn trôi.

Nhieu nguoi dan Dak Lak trang tay sau dem bao
Nhiều vườn tiêu của người dân bị tan hoang.

Trước tình hình nói trên, UBND tỉnh đã ban hành Công điện 05/CĐ-UBND ngày 02/11/2017 về việc ứng phó khẩn cấp với áp thấp nhiệt đới và mưa lũ. Các địa phương đã chủ động triển khai chỉ đạo của UBND tỉnh kịp thời tổ chức công tác ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ.

Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã tổ chức đoàn công tác do Phó trưởng ban phụ trách công tác tìm kiếm cứu nạn chủ trì, xuống địa bàn huyện M’Drắc trực tiếp chỉ huy công tác ứng phó; hướng dẫn các địa phương thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, chủ động triển khai phương án ứng phó thiên tai năm 2017 đã được phê duyệt; tổ chức trực 24/24.

Theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin; kịp thời cảnh báo đến các cấp chính quyền, người dân để chuẩn bị sẵn sàng phương án ứng phó, đặc biệt đối với các khu vực thấp trũng, ven sông, suối có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ, sạt lở đất; duy trì lực lượng, phương tiện triển khai ứng phó kịp thời khi có yêu cầu theo phương châm 4 tại chỗ, đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Văn Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI