Nhiều học sinh tiểu học Hàn Quốc bị trầm cảm, lo lắng

21/05/2025 - 13:49

PNO - Theo một nghiên cứu gần đây, số học sinh tiểu học ở thủ đô Seoul (Hàn Quốc) trải qua các triệu chứng liên quan đến trầm cảm và lo lắng đã tăng đều đặn trong vài năm qua.

Học sinh tiểu học Hàn Quốc chịu nhiều áo lực. Ảnh: KH
Học sinh tiểu học Hàn Quốc chịu nhiều áo lực - Ảnh: KH

Ngày 21/5, Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul đã công bố kết quả nghiên cứu đáng lo ngại. Theo đó, tình trạng học sinh tiểu học bị lo lắng ngày càng tăng.

Nghiên cứu được thực hiện trong 3 năm bắt đầu từ năm 2021, Văn phòng Giáo dục Thủ đô Seoul đã khảo sát trên 113 trường tiểu học có trụ sở tại Seoul với 3.754 học sinh. Nghiên cứu được thực hiện theo hình thức phỏng vấn nhóm tập trung, đây là một phương pháp nghiên cứu định tính, trong đó những người tham gia thảo luận có hướng dẫn về một chủ đề cụ thể.

Theo nghiên cứu của Văn phòng Giáo dục, học sinh tiểu học có dấu hiệu trầm cảm trên thang điểm 3 thì mỗi năm đều tăng: Từ 0,51 điểm vào năm 2021 lên 0,66 vào năm 2022 và 0,73 vào năm 2023.

Học sinh có dấu hiệu lo lắng cũng cho thấy sự gia tăng ở học sinh tiểu học trong 3 năm qua. Trên thang điểm 1, điểm số tăng từ 0,44 vào năm 2021 lên 0,54 vào năm 2022 và 0,58 vào năm 2023.

Trong cùng thời gian, học sinh tiểu học thể hiện sự nhạy cảm về cảm xúc đã tăng từ 0,41 điểm vào năm 2021 lên 0,49 điểm vào năm 2023. Đối với những học sinh thể hiện sự bi quan, nghiên cứu cũng nhận thấy sự gia tăng từ 0,17 vào năm 2021 lên 0,26 vào năm 2023.

Nghiên cứu chỉ ra một số yếu tố đằng sau tình trạng sức khỏe tâm thần ở học sinh tiểu học, bao gồm căng thẳng do áp lực học tập và các mối quan hệ trong lớp, sử dụng điện thoại thông minh nhiều, tiếp xúc nhiều hơn với mạng xã hội và giảm giấc ngủ.

"Ngày nay có nhiều sinh viên chưa đủ tuổi sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội như Instagram và YouTube, nơi họ có thể gián tiếp trải nghiệm cuộc sống của người khác như thế nào", báo cáo lưu ý.

Tuy nhiên, ngoài những yếu tố này, nghiên cứu cho thấy thái độ nuôi dạy con cái, bảo vệ con cái quá mức ở Hàn Quốc cũng có thể góp phần làm gia tăng cảm xúc tiêu cực.

"Những đứa trẻ được bảo vệ và hỗ trợ cảm xúc quá mức khi đối mặt với những lo lắng nhỏ có xu hướng có mức độ lo lắng cao hơn và trở nên dễ nản lòng vì những khó khăn, dù rất nhỏ", nghiên cứu cho biết.

"Do xu hướng nuôi dạy con cái nhạy cảm nên khả năng miễn dịch cảm xúc của học sinh tiểu học ở mức thấp, khiến chúng dễ bị trầm cảm và lo lắng hơn" - nghiên cứu cho biết thêm.

Trọng Trí (theo Korea Herald)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI