Nhiều giám tuyển trẻ xuất sắc đã xuất hiện

17/08/2022 - 07:45

PNO - Xung quanh vai trò của giám tuyển, Báo Phụ Nữ TP.HCM đã có cuộc trao đổi với nghệ sĩ thị giác Nguyễn Như Huy, người chuyển ngữ khái niệm “curator” trong nghệ thuật quốc tế thành “giám tuyển” trong tiếng Việt.

Phóng viên: Triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” bị đóng cửa một lần nữa cho thấy dường như đang thiếu một bộ tiêu chuẩn cụ thể để hội đồng nghệ thuật có thể nhất quán trong quyết định, thưa ông?

Nghệ sĩ Nguyễn Như Huy: Thực ra vấn đề lớn hơn nằm ở tương quan giữa thực tế phát triển của nghệ thuật Việt Nam và khung xương định chế văn hóa quản lý nghệ thuật của Nhà nước. Theo tôi, chắc chắn tương quan này hiện đang rất mất cân đối. 

Sự thật, vào thời điểm hiện nay, nghệ thuật Việt Nam, xét như một tổng thể, bao gồm cả khu vực sáng tác, giám tuyển, nghệ sĩ, công chúng và các hoạt động trưng bày triển lãm đã có sự phát triển rất mạnh. Ở tầm quốc tế, xin chỉ giới hạn trong lĩnh vực nghệ thuật thị giác, các nghệ sĩ đương đại Việt Nam đã có mặt ở những liên hoan nghệ thuật lớn và quan trọng như Documenta, Venice Biennale. Ở tầm địa phương, các nghệ sĩ trẻ đã có thể bán tranh với giá rất cao. Cả ba miền đã xuất hiện rất nhiều không gian, quỹ nghệ thuật, bảo tàng hay bộ sưu tập tư nhân. Nhiều giám tuyển trẻ xuất sắc xuất hiện, trong đó có những người được mời giám tuyển những sự kiện nghệ thuật quốc tế lớn.

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Như Huy
Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Như Huy

Cơ chế thẩm định và kiểm duyệt tác phẩm từ các sở ngành cho tới Trung ương vẫn chưa tương thích với các biến đổi không ngừng của thực tế nghệ thuật Việt Nam. Lấy ví dụ về việc xin phép triển lãm tác phẩm video art hay trình diễn, các nghệ sĩ và giám tuyển hiện nay hoàn toàn không biết nên xin phép ở đâu? Ai sẽ đủ thẩm quyền về mặt nghệ thuật để ra quyết định và các tiêu chuẩn nào về cả mặt nghệ thuật, văn hóa sẽ được dùng để xác định việc các tác phẩm ấy được trưng bày hay không?

Nhìn rộng ra, các bất cập trong chế tài thẩm định và kiểm duyệt chỉ là biểu hiện cho sự mất cân xứng vĩ mô giữa sự phát triển vũ bão của nền nghệ thuật Việt và cơ chế quản lý, định hướng văn hóa.

* Là người đầu tiên sử dụng từ “giám tuyển” cho các “curator” nghệ thuật tại Việt Nam, ông thấy trình độ chung của họ như thế nào?

-Giám tuyển nghệ thuật là một thực tại mới mẻ của nền nghệ thuật Việt Nam. Xuất hiện từ cuối thập niên 1990, cho đến nay giám tuyển đã có sự phát triển mạnh mẽ cả về chất lẫn số lượng. Tôi đánh giá rất cao các giám tuyển tại Việt Nam hiện tại. Họ đang đóng góp rất lớn và quan trọng cho cả khu vực nghệ thuật đương đại lẫn truyền thống. 

* Liệu có trường hợp giám tuyển “bơm thổi” tạo ra những giá trị ảo trong khi tác phẩm, họa sĩ không đạt đến tầm mức đó?

- Phải nhìn nhận các giám tuyển chắc chắn có tác động vào sự tiếp nhận nghệ thuật của công chúng qua chiến lược truyền thông, cách trưng bày, cách tạo không gian tiếp nhận, bài viết giám tuyển… Tuy nhiên, việc coi giám tuyển là một nhân vật có thể “thổi giá” hay tạo ra các chất lượng “không đích thực” cho một nghệ sĩ là một nhận định cường điệu. 

Ở đây, ta đang bàn tới một hiện tượng rất phức tạp của thế giới nghệ thuật. Đó là mối tương quan giữa giá trị và giá cả. Nếu như giá cả là thứ có thể dùng một vài mẹo marketing để “thổi”, thì giá trị lại là điều không thể. Giá trị mới là điều tác động sâu xa, bền vững tới giá cả và vị trí của một nghệ sĩ. 

* Theo ông, để thị trường tranh Việt Nam chuyên nghiệp hơn, ít nhất đi từ vai trò của người giám tuyển, chúng ta cần làm gì?

- Ở góc độ giám tuyển và nghệ sĩ, họ đã tự thân trở nên chuyên nghiệp và hội nhập với thế giới. Ở góc độ thể chế và công chúng cũng như giáo dục nghệ thuật, chỉ xét trong khu vực Đông Nam Á, chúng ta vẫn ở phía sau. Do đó, tôi cho rằng cần phải có các sự thay đổi lớn cả về mặt quản lý lẫn chính sách vĩ mô, mới có thể nâng cao một cách đồng bộ dân trí nghệ thuật. Qua đó, tạo ra một hệ sinh thái sáng tạo, cởi mở và chuyên nghiệp cho nghệ thuật Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông. 

Diễm Mi (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI