Giám tuyển tranh vừa thừa, vừa thiếu

16/08/2022 - 07:23

PNO - Lực lượng giám tuyển có nghề sẽ là mắt xích cần thiết, quan trọng kết nối nghệ thuật với khán giả, kết nối người làm nghệ thuật với nhau và phần nào giúp minh định giá trị, chất lượng tác phẩm. Tuy nhiên ở Việt Nam, giám tuyển tranh đang trong tình trạng vừa thừa vừa thiếu.

Đa số dựa vào kinh nghiệm 

Đến nay, khái niệm giám tuyển (curator) vẫn còn khá mới mẻ tại thị trường nghệ thuật Việt Nam. Nếu xét riêng lĩnh vực hội họa, theo giám tuyển Lý Đợi, hiện có chưa đến 50 người làm công việc này. Giám tuyển tranh được chia làm ba nhóm. Nhóm nhiều nhất là giám tuyển trong các bảo tàng, các hội nghệ thuật. Nhóm ít nhất là giám tuyển “tay ngang”, có kinh nghiệm sau nhiều năm gắn bó lĩnh vực và nhóm đang dần nhiều lên là những giám tuyển được đào tạo bài bản từ nước ngoài, có bằng cấp hẳn hoi.

Giám tuyển Lý Đợi và họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền tại triển lãm “Nắng nghiêng lưng trời” - ẢNH: HỮU HẠNH
Giám tuyển Lý Đợi và họa sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền tại triển lãm “Nắng nghiêng lưng trời” - Ảnh: Hữu Hạnh

Vai trò của các giám tuyển ví như “người gác cổng” - chọn tranh nào đạt chuẩn, phù hợp không gian trưng bày. Họ cùng hoặc thay mặt họa sĩ giới thiệu tác phẩm đến công chúng, là cầu nối giữa nghệ sĩ với đồng nghiệp, khán giả, giới mua tranh và đưa ra lời tư vấn, nhận định cho người làm nghệ thuật.

Vì công việc yêu cầu cao về kiến thức đa mảng, đa ngành nên không phải giám tuyển nào hiện tại cũng có năng lực, kinh nghiệm đủ để đáp ứng. Vẫn theo ông Lý Đợi, những giám tuyển trong bảo tàng khó có thể “nhảy” sang làm công việc ở các sự kiện độc lập, triển lãm mang tính thương mại, đời sống. Hoặc những giám tuyển “tay ngang” cũng không thể tham gia các sự kiện hàn lâm, mang tính học thuật bởi đa phần, những triển lãm tầm quốc tế, ngoại giao yêu cầu bằng cấp, hồ sơ chứng thực năng lực. Chính điều này lý giải cho nhận định lực lượng giám tuyển tranh Việt hiện vừa thừa và cũng vừa thiếu.

“Theo tôi biết, trước nay, chúng ta không có giám tuyển được đào tạo, ngoại trừ một số ít người học ở nước ngoài trở về như Ace Lê. Còn lại, nền tảng chuyên môn của đa số giám tuyển ở Việt Nam có được là nhờ tích góp kinh nghiệm qua nhiều năm tự học, tự quan sát. Tôi thấy sự xuất hiện của các giám tuyển được đào tạo sẽ giúp thị trường tranh càng ngày càng khởi sắc”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nói.

Giám tuyển
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi. Ảnh Diễm Mi

Sai một ly, đi một dặm 

Theo ông Lý Đợi, nếu không cẩn trọng và am hiểu, tất cả ba nhóm giám tuyển đều có khả năng mắc sai sót.

Tháng Bảy vừa qua, triển lãm “Cõi Hồ Xuân Hương” của họa sĩ Nguyễn Nghiêm Nhan và Nguyễn Quốc Thắng bị dư luận chỉ trích mạnh mẽ vì nhiều tranh dung tục. Trước phản ứng của dư luận, Hội đồng nghệ thuật Hội Mỹ thuật Việt Nam đã họp, quyết định tháo một số tranh khi triển lãm đang diễn ra, dẫn đến sự kiện kết thúc sớm hơn. Cách đó chưa lâu, triển lãm “Điện Biên Phủ” của họa sĩ Mai Duy Minh trở thành sự kiện khôi hài khi bị buộc dừng để xem xét lại chất lượng ngay trước giờ khai mạc, dù được cấp phép. Đây là hai trong số nhiều triển lãm cho thấy sự thiếu nhất quán trong khâu giám tuyển, cấp phép.

Theo ông Ngô Kim Khôi, sai sót của giám tuyển là điều không lạ, ngay cả với thị trường quốc tế, vì không phải ai cũng am hiểu mọi vấn đề. Do đó, tại những sự kiện lớn như triển lãm “Hồn xưa bến lạ” được tổ chức bởi nhà đấu giá Sotheby’s vừa qua tại Việt Nam, giám tuyển Ace Lê đã mời thêm một đội ngũ cố vấn để cùng anh làm tốt nhất các công tác liên quan. “Đây là việc làm hợp lý cho thấy sự cẩn trọng, cầu thị của giám tuyển Ace Lê”, ông đánh giá.
 

Các tác phẩm của hoạ sĩ Đặng Thị Thu An tại triển lãm An&Huy do nhà nghiên cứu Lý Đợi làm giám tuyển. Ảnh Diễm Mi
Các tác phẩm của hoạ sĩ Đặng Thị Thu An tại triển lãm An&Huy do nhà nghiên cứu Lý Đợi làm giám tuyển. Ảnh Diễm Mi

Công việc giám tuyển tranh không đơn giản, đòi hỏi người mang danh xưng này phải liên tục trau dồi kiến thức, vừa bao quát, vừa phải “bám” theo dòng chảy nghệ thuật đương đại. Tuy nhiên, ngoài vốn hiểu biết đơn thuần, giám tuyển còn phải đảm bảo nhiều yếu tố mà trong đó cái tâm làm nghề, sự may mắn và uy tín giúp họ khẳng định tên tuổi.

“Giám tuyển là người đại diện họa sĩ giới thiệu họ và tác phẩm đến công chúng. Ở đây, tất cả thông tin mà giám tuyển đưa ra nên ở mức vừa phải, không được truyền thông quá đà vì đâu thể đánh lừa những người có chuyên môn khác. Nói chung phải “có bột mới gột nên hồ”, một họa sĩ không đủ năng lực nếu được giám tuyển “thổi phồng” giá trị sẽ ảnh hưởng xấu cho cả họa sĩ và uy tín của giám tuyển”, nhà báo Lý Đợi chia sẻ.

Giám tuyển trong nước đang tăng lên về số lượng và từng bước hướng đến sự chuyên nghiệp. Càng đông người làm càng có sự cạnh tranh. Đây cũng là lúc cho thấy giám tuyển là một nghề cần năng lực chuyên môn thực sự. 

Khánh An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI