Nhiều doanh nghiệp bất động sản không đủ năng lực tài chính gây nhiều hệ lụy

17/02/2023 - 19:35

PNO - Bộ Tài chính đề nghị quy định chỉ tiêu an toàn tài chính để đảm bảo doanh nghiệp bất động sản phải có đủ năng lực tài chính khi triển khai dự án.

Đó là kiến nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc “tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững” được tổ chức sáng nay (17/2).

Theo Bộ Tài chính, trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp bất động sản có nguồn lực hạn chế nhưng vẫn được cấp phép triển khai nhiều dự án quy mô vượt nhiều lần so với năng lực tài chính, trong khi phụ thuộc chủ yếu vào vốn vay, phát hành trái phiếu hoặc huy động của người mua nhà.

Tình trạng này dẫn đến rủi ro về hoạt động kinh doanh cũng như rủi ro về dòng tiền, tiềm ẩn rủi ro thanh khoản trên thị trường tài chính, tín dụng ngân hàng cũng như thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Do đó, để thị trường bất động sản phát triển ổn định, lành mạnh, Bộ Tài chính kiến nghị rà soát, sửa đổi các vướng mắc chính sách tại Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản để tăng cường hiệu quả quản lý thị trường, tạo điều kiện cho phát triển thị trường bất động sản ổn định, minh bạch.

B
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đưa ra nhiều kiến nghị cho thị trường bất động sản trong buổi hội nghị - Ảnh: VGP

Trước mắt, theo Bộ trưởng Tài chính, cần rà soát những khó khăn, vướng mắc về mặt pháp lý để các doanh nghiệp bất động sản có thể triển khai được ngay các dự án còn dở dang, các dự án vì vướng pháp lý mà chưa triển khai được, qua đó sớm đưa các dự án vào hoạt động, bán được sản phẩm, giải quyết được các khó khăn về tài chính, nguồn vốn. 

Nghiên cứu xây dựng các quy định về chỉ tiêu an toàn tài chính trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản, bao gồm các chỉ tiêu về giới hạn huy động vốn khi cấp phép hoạt động kinh doanh bất động sản, cấp phép các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản đảm bảo doanh nghiệp phải có đủ năng lực tài chính để triển khai dự án. 

Bộ Xây dựng và các địa phương giám sát việc tuân thủ các chỉ tiêu an toàn tài chính nêu trên. Cùng với chính sách tín dụng được điều hành hài hòa sẽ góp phần giúp lĩnh vực bất động sản vượt qua được giai đoạn khó khăn này. 

Chia sẻ tại hội nghị, ông Lê Xuân Nghĩa - thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, đất đai là tài nguyên quý hiếm, nhà ở là nhu cầu thiết yếu, chúng ta cần xây dựng chính sách bất động sản trên nền tảng này, không thể để các nhà đầu cơ mua gom bất động sản, mua gom tài nguyên để tích trữ, biến đó thành lợi nhuận khổng lồ trong tương lai, trong khi nhu cầu của người dân không được đáp ứng.

Hiện vấn đề pháp lý chiếm 70% những vướng mắc của các dự án bất động sản, thực tế ngân hàng thương mại hiện nay có đầy đủ các chế tài phù hợp với quy định thực tế. “Thị trường tài chính này quan trọng nhất là lòng tin. Các doanh nghiệp phải bỏ thói quen kinh doanh chộp giật, thiếu chuyên nghiệp, chưa có tầm quốc tế” – ông Nghĩa nói thẳn. 

Dự án
Dự án Park Vista tại huyện Nhà Bè, TPHCM xây dựng dang dỡ nhiều năm nay khiến các khách hàng vô cùng khổ sở.

GS. TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng kiến nghị đối với các dự án đang triển khai dở dang, nếu hoàn thành sẽ có khả năng đưa vào sử dụng, có khả năng thanh khoản ngay. “Ngân hàng nên khoanh các khoản nợ cũ của doanh nghiệp và tiếp tục tài trợ vốn để hoàn thành dự án, đưa sản phẩm ra thị trường. Đồng thời phải kiểm soát dòng vốn vay giải ngân vào đúng các hoạt động hoàn thiện dự án và quản lý dòng tiền bán hàng để thu hồi các khoản nợ ngân hàng đã tài trợ.” – ông Cường đề xuất. 

Ngoài ra, việc làm như trên không chỉ giúp các hoạt động đầu tư, kinh doanh và thị trường bất động sản được tái lập mà các nguồn vốn vay của ngân hàng đã đổ vào dự án sẽ được thu hồi. Nhưng cần kiểm soát chặt chẽ, không để dòng vốn tín dụng đổ vào các dự án không có khả năng hoàn thành, khó tiêu thụ, hoặc đảo nợ các khoản vay cũ đến hạn. “Đây chính là việc thực hiện chính sách tín dụng linh hoạt: mở rộng đối với các dự án có triển vọng, nhưng thắt chặt đối với các doanh nghiệp xác chết và mua bất động sản đầu cơ” – ông Cường chia sẻ. 

Tại TPHCM, Phó Chủ tịch TPHCM Bùi Xuân Cường cho biết, TP sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quy định đầu tư kinh doanh bất động sản, các dự án bất động sản có vi phạm về xây dựng, các dự án vi phạm về bảo lãnh bất động sản hình thành trong tương lai, các dự án chưa nghiệm thu công trình đã đưa vào sử dụng. Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi kinh doanh bất động sản sàn giao dịch.

Đồng thời, TPHCM sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản. Hiện nay khoảng 116 dự án, trong đó có 3 dự án ưu tiên tập trung giải quyết, xử lý dứt điểm.

Bích Trần

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI