Thủ tướng đề nghị xem lại giá nhà đất đã phù hợp với thu nhập của người dân chưa

17/02/2023 - 11:43

PNO - Sáng 17/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ khó và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Cùng dự có Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà. Lãnh đạo các Bộ: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công an, Tư pháp; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam; Hiệp hội Bất động sản TPHCM và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản; các ngân hàng và chuyên gia kinh tế, chuyên gia bất động sản.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu đánh giá khách quan tình hình thị trường bất động sản, phân tích kỹ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đưa ra mục tiêu, quan điểm điều hành, nhiệm vụ, giải pháp, tổ chức thực hiện bảo đảm khả thi, hiệu quả, phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, phù hợp kinh tế thị trường, bảo đảm quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh nhưng có sự điều tiết của Nhà nước khi cần thiết, không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội đổi lấy tăng trưởng đơn thuần.

Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản, ngày 17/2. Ảnh: VGP
Thủ tướng phát biểu khai mạc hội nghị tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản, ngày 17/2 - Ảnh: VGP

Thủ tướng yêu cầu điều hành bảo đảm cân bằng giữa lãi suất với lạm phát, giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa, giữa tăng trưởng với lạm phát, giữa tình hình trong nước và ngoài nước. Cần tìm điểm cân bằng giữa cung và cầu bất động sản, điểm cân bằng này thể hiện qua giá cả, cần phân tích xem liệu giá cả bất động sản đã phù hợp với thu nhập chưa, có tình trạng lệch pha về cung cầu nhà đất không.

Báo cáo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, nguồn cung nhà ở khan hiếm trong năm 2022 trong khi nhà ở cho người thu nhập thấp thiếu, cơ cấu sản phẩm bất động sản bình dân giảm dần từ 20% xuống dưới 5%, số lượng dự án triển khai rất hạn chế. Năm 2022, cả nước có 126 dự án phát triển nhà ở thương mại, quy mô 55.732 căn hộ được cấp phép đầu tư, bằng 52,7% năm 2021. Có 466 dự án bất động sản đang triển khai, quy mô 228.029 căn hộ đang triển khai xây dựng, bằng 47,7% năm 2021.

Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản gặp rất nhiều khó khăn do khó tiếp cận được các nguồn vốn, lãi suất, tỷ giá ngoại tệ, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, không bán được sản phẩm. Đến cuối 2022, dư nợ tín dụng bất động sản khoảng 800.000 tỷ đồng.

Thị trường bất động sản
Thị trường bất động sản vướng mắc pháp lý chiếm 70% khó khăn

Để thúc đẩy cho thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đề nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước điều hành linh hoạt, khơi thông vốn tín dụng, nới trần (room) tín dụng phù hợp năm nay và các năm tiếp theo. Ngành ngân hàng cần có biện pháp giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ thị trường. Ngoài ra, các chính sách tín dụng cũng cần tạo điều kiện để người mua nhà, doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận được.

Bộ Xây dựng cũng kiến nghị kiểm soát hoạt động huy động vốn trên thị trường chứng khoán tránh hiện tượng đầu cơ, thao túng, thổi giá và tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể huy động vốn.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng nhận định, khó khăn lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay là vướng mắc về mặt pháp lý, chiếm tới 70% các khó khăn. Vì vậy, tháo gỡ về mặt pháp lý là vấn đề đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhận ra và từ đó ban hành Nghị quyết 18 ngày 16/6/2022 về sửa đổi Luật Đất đai và các luật liên quan như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản. Tiếp đến là khó khăn về nguồn vốn, trước hết là vốn tín dụng ngân hàng, kế đến là vốn trái phiếu doanh nghiệp, vốn từ thị trường chứng khoán và vốn huy động từ khách hàng.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI