Nhiều bị cáo xót xa vì "chút nữa gây hại cho nhiều người thân, bạn bè"

26/03/2024 - 19:20

PNO - Chiều ngày 26/3, trong phần tự bào chữa, một số bị cáo là nhân viên Vạn Thịnh Phát nói vì tin tưởng cấp trên tuyệt đối mà suýt nữa đã gây hại cho nhiều người thân của mình.

Nhóm nhân viên gồm Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân, Trần Thị Kim Chi bị truy tố tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng".

Luật sư Lê Thành Công, bào chữa cho ông Bùi Đức Khoa, cho rằng mức án 10-11 năm tù dành cho ông Khoa là quá nặng vì ông chỉ thực hiện theo chỉ đạo của cấp trên.

Theo cáo trạng, Bùi Đức Khoa, Nguyễn Thị Khánh Vân, Trần Thị Kim Chi được Nguyễn Ngọc Dương - cựu Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Peninsula (đã mất) - tuyển dụng vào làm việc tại các công ty trong hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát (Công ty Sunny World, Công ty cổ phần Future Plus, Công ty cổ phần Natural Land). Ông Dương đã chỉ đạo 3 người này tìm, thuê người đứng tên thành lập công ty “ma”, đứng tên cổ phần, vốn góp và tài sản tại các công ty này. Ngoài ra, ký vào các tờ giấy A4 không có nội dung, chỉ đánh dấu vị trí ký bằng bút chì để sử dụng khi cần thiết.

Bà Trương Mỹ Lan tại phiên toà xét xử
Bà Trương Mỹ Lan tại tòa

Từ năm 2018 - 2022, ông Bùi Đức Khoa đã tìm kiếm, thuê 96 cá nhân và chuyển thông tin của họ cho nhóm ông Nguyễn Phương Anh - cựu Phó tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Peninsula - để thành lập 77 công ty “ma”; 19 cá nhân tạo dựng hồ sơ đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát, hợp thức 166 hồ sơ vay vốn khống, chứng từ rút, nộp và chuyển tiền liên quan đến các khoản vay, giúp bà Trương Mỹ Lan chiếm đoạt tiền từ SCB.

166 khoản vay này còn tổng dư nợ hơn 171.173 tỉ đồng (cả gốc và lãi), sau khi trừ tài sản đảm bảo, ông Bùi Đức Khoa gây thiệt hại cho SCB hơn 154.880 tỉ đồng.

Theo luật sư Lê Thành Công, ông Khoa chỉ tìm kiếm người rồi chuyển thông tin của họ cho nhóm ông Nguyễn Phương Anh trong giai đoạn 2018 - 2019, chứ không phải 2018 - 2022 như cáo trạng nêu. Mong VKS lưu ý thêm về khung thời gian này. Ông Khoa không hề biết việc thành lập 77 công ty “ma”, tạo dựng hồ sơ đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp tại các công ty thuộc Vạn Thịnh Phát.

Luật sư Lê Thành Công nói, ông Khoa chỉ tìm người theo chỉ đạo của sếp, không hề chiếm đoạt hay vụ lợi gì ngoài lương, ông chỉ có lỗi là không biết hoạt động phía sau công ty, và mong HĐXX áp dụng mức án treo.

Tự bào chữa cho mình, ông Khoa khai thêm một số thông tin mà ông chưa cung cấp trong các phiên xét hỏi trước đó vì quá căng thẳng. Ông nói chỉ làm việc trực tiếp với ông Nguyễn Ngọc Dương chứ không làm việc với nhóm ông Nguyễn Phương Anh như trong cáo trạng nêu.

“Lúc đó anh Dương nói các bị cáo tìm người để mở rộng hoạt động công ty. Đây là nhiệm vụ quan trọng, nếu không hoàn thành thì cả công ty phải giải thể. Anh Dương còn giao chỉ tiêu tìm người cho từng nhân viên. Bị cáo là bạn của anh Dương nên được giao chỉ tiêu gấp nhiều lần các nhân viên khác” - ông Khoa trình bày.

Nhiều bị cáo xót xa vì suýt chút đã đưa người thân của mình phạm tội.
Quang cảnh phiên tòa

Ông Khoa tìm được 96 người (50 người thân, 46 người do giới thiệu). “Bị cáo không biết bằng cách nào mà 96 người này lại được gắn với các khoản nợ rất lớn tại ngân hàng. Nhìn thấy người thân của mình tại tòa, bị cáo rất xót xa vì chút nữa đã gây hại cho họ” - ông Khoa nói. Ông cũng mong HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Luật sư bào chữa cho bà Nguyễn Thị Khánh Vân cho biết, bà Vân cũng được giao nhiệm vụ tìm người, sau đó đưa thông tin về cho nhóm ông Nguyễn Phương Anh mà không hề biết những người này được dùng để đứng tên khoản vay.

Bà Vân cũng đứng tên vài công ty nhưng “công ty không làm gì, chưa sử dụng cho mục đích vay”. Ngoài phần lương nhận được từ công ty và phần thêm từ việc đứng tên công ty thì bà không nhận thêm lợi ích nào. Bà Vân đã nộp khắc phục hậu quả 600 triệu đồng, mong tòa xem xét giảm án vì chỉ có vai trò rất nhỏ. Trước đó, bà Vân bị đề nghị 5-6 năm tù vì đã tìm kiếm, thuê 38 cá nhân và chuyển thông tin cho nhóm ông Nguyễn Phương Anh để thành lập và sử dụng 33 công ty “ma”, đứng tên tài sản, cổ phần, vốn góp, hợp thức 64 hồ sơ vay vốn. Bà Vân đã gây thiệt hại cho SCB 40.327 tỉ đồng.

Bào chữa cho ông Bùi Ngọc Sơn - cựu nhân viên Phòng Tái thẩm định SCB - luật sư Nguyễn Tri Thắng cho biết, hình phạt 4-5 năm tù quá nặng vì ông Sơn chủ động đến cơ quan công an trình báo trước khi bị phát giác, đây là tình tiết được giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nhưng VKS chưa đề cập đến.

Theo luật sư Thắng, ông Sơn chỉ là người truyền đạt thông tin, nhận và đưa hồ sơ từ bà Trần Thị Mỹ Dung - cựu Phó tổng giám đốc SCB - đến các công ty thẩm định giá. Ông không tác động, trao đổi, thống nhất nội dung thẩm định với các công ty nên không liên quan gì đến việc tài sản bị nâng khống giá. Công việc này cũng không thuộc chức năng, nhiệm vụ của ông Sơn.

Luật sư Thắng nói, ông Sơn có đến 6 tình tiết giảm nhẹ nhưng VKS mới xem xét 2 tình tiết, còn 4 tình tiết không được xem xét gồm: vận động gia đình nộp khắc phục 250 triệu đồng, ra tự thú đầu tiên, thể hiện sự ăn năn và mới đây Ngân hàng SCB có văn bản 731 gửi đến tòa mong giảm án cho ông Sơn. Luật sư Thắng cũng cho rằng, với ông Sơn, "án treo đã là hình phạt nghiêm khắc lắm rồi".

Tuyết Hoa Bích

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI