Nhân viên y tế oằn mình chạy đua với Omicron

28/02/2022 - 18:03

PNO - Biến thể Omicron đã gây ra làn sóng lây nhiễm lớn nhất cho đến nay và tiếp tục khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe trên thế giới kéo dài cơn ác mộng triền miên từ suốt hơn hai năm qua.

Cuộc chiến không hồi kết

Giường bệnh ken chặt bên trong Trung tâm Y tế Caritas (CMC) tại Hồng Kông (Trung Quốc). Trong đêm lạnh, các bệnh nhân lớn tuổi nằm trên những chiếc giường phủ đầy chăn và tấm giấy bạc giữ nhiệt. Gần đó, những người khác chen chúc nhau để xét nghiệm ngay tại bãi đậu xe. Nhân viên bệnh viện cố gắng giúp đỡ bệnh nhân nhiều nhất có thể, nhưng họ đang bị ngập trong tình hình căng thẳng với số lượng bệnh nhân quá lớn.

Tại Bệnh viện North Lantau, một bác sĩ trong khu cấp cứu cho biết, các nhân viên y tế tuyến đầu không còn đủ sức ứng phó làn sóng lây nhiễm. Hàng ngàn bệnh nhân COVID-19 đang chờ điều trị tại bệnh viện hoặc tự cách ly trong thành phố, trong khi lực lượng bác sĩ quá mỏng để có thể theo dõi sát sao bệnh nhân.

Bệnh nhân COVID-19 chờ đợi ở khu vực cách ly tạm ngoài trời tại Trung tâm Y tế Caritas ở Sham Shui Po, Hồng Kông - ẢNH: SCMP
Bệnh nhân COVID-19 chờ đợi ở khu vực cách ly tạm ngoài trời tại Trung tâm Y tế Caritas ở Sham Shui Po, Hồng Kông - Ảnh: SCMP

Vị bác sĩ này nói thêm: “Điều gây sốc nhất tôi từng thấy là một phụ nữ 90 tuổi nằm bên ngoài ba ngày nhưng vẫn không thể nhập viện”. Tiến sĩ Siddharth Sridhar - nhà virus học lâm sàng tại Đại học Hồng Kông - nhận định các bệnh viện tại thành phố chỉ như “lâu đài cát trong cơn sóng thần”. Bên trong CMC, các bác sĩ đang gấp rút cho những bệnh nhân tạm ổn xuất viện để ưu tiên dành giường cho những người mới đến với tình trạng bệnh nặng hơn.

Vào đỉnh điểm của làn sóng Omicron, Bệnh viện Advocate Trinity ở Chicago (Mỹ) tràn ngập những bệnh nhân đã có hơn 40 giờ chờ đợi để được điều trị. Bệnh viện hiện đã tiếp nhận số bệnh nhân COVID-19 nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào trước đó trong đại dịch. Matt Fox - bác sĩ trị liệu hô hấp - cho biết anh chưa bao giờ nghĩ rằng bệnh viện lại có thể bị quá tải đến mức này sau hai năm chống dịch. 

Để tiếp cận nhiều bệnh nhân một cách nhanh nhất có thể, bệnh viện đã đưa các dịch vụ cấp cứu vào phòng chờ, đặt ống thông tiểu và thực hiện các xét nghiệm y tế cho những người chưa bố trí được giường. Y, bác sĩ phải hồi sức cho một bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim ngay trên xe cấp cứu, vì không còn giường bệnh trống. Trong một ca trực gần đây khi chỉ có bốn y tá phòng cấp cứu (ba trong số đó vừa vào làm ngày đầu tiên), một bệnh nhân COVID-19 đã ngừng tim trong phòng chờ sau 10 giờ chờ đợi.  

Nỗi ám ảnh kéo dài

David Bracho trở thành y tá sau gần hai thập kỷ phục vụ trong quân đội Mỹ. Anh hiện làm việc tại khu COVID-19 của Trung tâm Y tế Rush ở Chicago. Bracho nói rằng, những gì anh thấy ở Afghanistan tương tự như những gì diễn ra tại khu COVID-19, thậm chí còn tệ hơn. David kể: “Khi quân đội được triển khai từ chín tháng đến một năm, chúng tôi sẽ có cơ hội trở về nhà. Nhưng tại Rush và các bệnh viện khác trên khắp đất nước, không có thời gian nghỉ nào”. Các y tá đang làm việc theo ca 16 giờ và nhiều hơn “để giữ an toàn, tính mạng cho bệnh nhân”. Đại dịch đã mang đến những tổn thương tinh thần mà David tin rằng sẽ kéo dài trong nhiều năm. 

Trên toàn nước Mỹ, 92% trong số hơn 6.500 y tá trả lời khảo sát của Hiệp hội Y tá phòng cấp cứu rằng, đại dịch đã làm họ suy kiệt. Khoảng 66% cân nhắc việc rời ngành. Mark Schimmelpfennig - cựu chiến binh và là chuyên gia tâm lý - đang giúp đỡ các y tá bằng cách sử dụng phương pháp điều trị tương tự dành cho những người lính trải qua chứng ám ảnh hậu chấn thương (PTSD). Chương trình liệu pháp nhóm trong 30 phút có tên là Growing Forward. Họ cũng ghi nhật ký, ghi nhận những gì họ cảm thấy và học cách để giải tỏa tâm lý. Nhiều nhân viên tuyến đầu mà Schimmelpfennig từng làm việc bày tỏ rằng họ cảm thấy mình không xứng đáng khi được gọi là “anh hùng ở tuyến đầu”. Schimmelpfennig giải thích: “Mọi y tá ở đây đều chọn công việc này vì họ muốn giúp chăm sóc mọi người. Vì vậy, khi ở trong tình huống không chắc liệu việc mình đang làm có hiệu quả hay không, họ tự chất vấn bản thân”.

Melissa Gerona - một y tá tại Rush - nói rằng hai năm đại dịch khiến cô rơi lệ nhiều hơn 26 năm làm việc tại hệ thống Bệnh viện Chicago. Nhưng bất chấp tất cả, Gerona thề sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Cô và các nhân viên y tế khác đang không ngừng cố gắng để cứu sống bệnh nhân trong cuộc chiến với kẻ thù vô hình. Gerona nói: “Tôi sợ rằng chúng tôi sẽ phải làm điều này nhiều lần nữa vào mỗi đợt dịch bệnh bùng phát. Tôi cảm thấy như thể chiến tranh. Tôi ở lại vì đồng nghiệp và bệnh nhân của tôi”. 

Linh La (theo SCMP, CNN, Guardian, Telegraph)
 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI