Nhân chứng bất đắc dĩ

08/12/2013 - 20:00

PNO - PNCN - Biết rằng đứng ra làm chứng, có lời khai bất lợi cho bố mẹ là không phải đạo, nhưng cô không thể làm khác... Đó là một vụ kiện tranh chấp tài sản chung giữa năm anh chị em trong nhà vừa được TAND TP.HCM đưa ra xét xử đầu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cuộc chiến gia đình

Đại diện cho ba chị em đứng ra khởi kiện anh trai và chị dâu, ông Bảo (*), lên tiếng: Năm 1994, bố mẹ đi định cư ở nước ngoài, để lại cho năm anh chị em một căn nhà nhỏ ở Q.11 (TP.HCM). Tính về lâu về dài, căn nhà ấy không thể chứa đủ 10 nhân khẩu nên năm anh em đã góp mỗi người hai lượng vàng giao cho bị đơn là ông Cường giữ để mua đất (vợ chồng ông Cường hùn bốn lượng).

Mua được đất, song tất cả anh em đều đang làm thủ tục đi xuất cảnh đoàn tụ cùng cha mẹ. Vợ ông Cường không có tên trong danh sách xin xuất cảnh nên sau khi bàn bạc, cả nhà nhất trí để người này đứng tên và lo thủ tục giấy tờ. Đến năm 1997, mẹ của các đương sự về nước, thấy các con còn khó khăn nên đưa 18.000 USD mà bà tích góp được, giúp các con xây nhà trên mảnh đất đã mua.

Ban đầu anh em sống hòa thuận. “Nhưng khoảng hai năm sau, gia đình anh Cường làm ăn đổ bể, thiếu nợ người ta 28 lượng vàng. Cả nhà ai cũng sợ anh chị bán căn nhà chung này để trả nợ nên đã làm một văn bản thỏa thuận và cam kết với nội dung: căn nhà và đất là do chị em chúng tôi cùng nhau hùn tiền mua. Tất cả cùng ký tên, có người làm chứng”, ông Bảo nói.

“Ngặt nỗi, sau này, chẳng hiểu vì lý do gì mà vợ chồng Cường suốt ngày kiếm chuyện rồi đòi đuổi chúng tôi ra khỏi nhà, đuổi cả người mẹ già đang ở trong căn nhà này. Bức quá, chúng tôi đành khởi kiện để chia nhà, tách sổ”, chị của ông Bảo kể.

Để bác toàn bộ yêu cầu từ phía nguyên đơn - là các anh chị em của mình, ông Cường đưa bản photo sổ hồng đứng tên vợ (bản chính bị mất). Vợ ông Cường nói: “Lúc chồng tôi đưa anh em bên ổng về ở, tôi đã không đồng ý, nhưng vì ổng cứ năn nỉ, lại thấy họ đang khó khăn nên tôi cũng xuôi. Ai ngờ, giờ anh em họ vong ơn bội nghĩa, thấy căn nhà của tôi cho người ta thuê, làm ăn buôn bán được nên quay sang đòi”.

Nhan chung bat dac di

Nhân chứng bất ngờ

Phiên tòa kéo dài và càng lúc càng căng thẳng khi hai bên một mực cho là mình đúng. Có lúc họ lớn tiếng khiến hội đồng xét xử (HĐXX) buộc phải nhắc nhở và “dọa” sẽ đuổi ra ngoài nếu còn tiếp tục dùng lời lẽ khiếm nhã.

Đến lúc tòa hỏi “hai bên còn gì để trình bày không?”, phía luật sư của nguyên đơn đề nghị được hỏi người làm chứng của vụ án. Thật ngỡ ngàng, cô gái ấy là con gái của phía bị đơn. “Vì vợ chồng ông Cường một mực nói rằng không hề nhận 18.000 USD từ mẹ nên tôi mời Lan, là con gái ông Cường ra làm chứng”, luật sư nói.

Từ hàng ghế thứ ba, cô gái đứng dậy, trình bày: “Thưa HĐXX, năm 1997, tôi khoảng 14 tuổi. Cái đêm bà nội đưa tiền cho các cô, các chú và sau đó giao lại cho bố mẹ xây nhà, tôi cũng có mặt. Khi đó tôi ngồi cạnh bà nội. Ngày hôm ấy, tôi còn nhớ ở gần nhà có một vụ cháy…”.

Mẹ cô đứng dậy phủ nhận lời con gái: “Lúc đó nó chỉ 13, 14 tuổi thì làm sao có thể nhớ. Ai tin lời nó chứ!”.

Phiên tòa đang căng thẳng bỗng chùng lại, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía cô con gái của bị đơn…

Phiên xét xử sau đó được tạm hoãn vì có nhiều tình tiết phức tạp.

Bên ngoài phòng xử, luật sư của nguyên đơn kể: ngay từ ban đầu, vợ ông Cường không thừa nhận chữ ký của mình trong bản thỏa thuận và cam kết tài sản chung. Để rõ trắng đen, luật sư đề nghị tòa cho giám định chữ ký. Cơ quan giám định đã yêu cầu vợ ông Cường ký trên tờ giấy trắng để đối chiếu với chữ ký trong bản thỏa thuận và cam kết. Bất ngờ, sau khi xem hồ sơ, Lan, cô con gái, chính là người nhận ra đây không phải là chữ ký của mẹ. Để chứng minh, Lan đã lấy học bạ của em gái cùng một số giấy tờ có chữ ký của mẹ đem ra so sánh. Nghi có sự cố tình thay đổi mẫu chữ ký, luật sư làm đơn khiếu nại và được tòa quyết định lấy mẫu chữ ký do Lan cung cấp để giám định lại.

Cũng nhờ sự phát hiện bất ngờ của Lan mà tại tòa, luật sư bên nguyên đưa ra những chứng cứ chứng minh sự mâu thuẫn trong lời khai của vợ ông Cường.

Đành có lỗi với bố mẹ

Tôi tìm gặp Lan, cô nghẹn ngào: “Cực chẳng đã tôi mới phải đứng ra làm chứng. Phận làm con, tôi biết mình phải chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ ở tuổi về già, nhưng tôi phải làm gì, khi hàng ngày thấy cảnh mẹ tôi chửi bới bà nội, ba tôi cầm cây đánh các cô để đuổi họ ra khỏi nhà? Nếu đó là căn nhà của cha mẹ thì chắc tôi đành ngậm đắng nuốt cay, song bản thân tôi thừa biết rằng đây là nhà do ba mẹ tôi cùng cô chú, bà nội góp sức, tiền của mà ra. Tôi biết mình có lỗi với đấng sinh thành, nhưng cũng không thể bỏ mặc bà nội”.

Vợ chồng ông Cường có ba người con là Lan cùng hai người em. Tuy nhiên, hiện không ai ở với bố mẹ. Em gái út của Lan mới 17 tuổi nhưng lại do người cô giám hộ, tiền sinh hoạt, ăn học hằng ngày đều do Lan và họ hàng cùng lo. Lan giãi bày: “Chúng tôi không phủ nhận công lao bố mẹ, nhưng bây giờ chúng tôi cũng đã trưởng thành, phân biệt được đúng sai nên không thể làm ngơ. Từ ngày có bầu, tôi không dám về nhà nữa. Cứ về là có chuyện”.

Câu chuyện tranh chấp chưa có hồi kết, hai bên ắt hẳn sẽ có người thắng kẻ thua, nhưng dường như điều đó không còn quan trọng. Cuộc chiến gia đình khiến những người dự khán đắng lòng, thương cho Lan phải đứng giữa đường và sự lựa chọn cuối cùng của cô đã trả cái giá quá đắt: bị bố mẹ từ mặt, ngày kết hôn của cô cũng thiếu vắng sự chúc phúc của đấng sinh thành.

Cần xét tính khách quan trong chứng cứ

Khi xử các vụ án tranh chấp mà hai bên đương sự là người cùng nhà thì ngoài việc xét đến phương diện pháp lý là các chứng cứ hai bên đưa ra, HĐXX cũng cần xét đến sự khách quan trong chứng cứ.

Cụ thể, với vụ án này, về chứng cứ, hai bên đều cung cấp những chứng cứ hợp pháp là giấy thỏa thuận và cam kết tài sản chung (nguyên đơn), sổ hồng (bị đơn). Như vậy, để đưa ra kết quả cuối cùng, tòa cần dựa vào lời khai tại tòa và những chứng cứ khác.

Cái lợi của nguyên đơn là có người làm chứng trong quá trình giao tiền. Đặc biệt, người làm chứng lại là con gái của bị đơn. Lời khai của người làm chứng này cực kỳ quan trọng. Trong khi đó, nếu người làm chứng là con nguyên đơn thì không giá trị vì không khách quan.

Hơn nữa, chính những lời khai mâu thuẫn của phía bị đơn khiến họ bất lợi. Cụ thể, ban đầu họ tự phủ nhận chữ ký của mình trong biên bản thỏa thuận và cam kết. Sau đó, lại có hành động thay đổi mẫu chữ ký khi được tòa trưng cầu chữ ký để đưa đi giám định. Tuy nhiên, nhờ sự phát hiện bất ngờ của cô con gái mà sự thật dần hé lộ.

Rõ ràng hiện tại “tỷ số” đang nghiêng về phía nguyên đơn.

Luật sư Nguyễn Quang Mai (Đoàn luật sư TP.HCM)

Liêu Phương Diễm

(*) Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI