Nhân bản vô cảm

08/08/2013 - 23:03

PNO - PN - Khi phòng thí nghiệm nhân bản vô tính được cừu Dolly, viện Rosin (Scotland) đã gây ra nhiều nỗi kinh hoàng hơn là vui mừng vì sinh học phát triển tới một mốc mới quan trọng. Kinh hoàng vì người ta có thể khôi phục lại những nhà...

Nhưng nỗi kinh hoàng lớn nhất là nguy cơ tạo ra hàng loạt con người giống nhau cả về hình hài lẫn bệnh tật, tính nết. Thảm họa khôn lường ai cũng dễ tưởng tượng ra được nếu tất cả đều giống hệt nhau.

Hơi đâu lo bò trắng răng! Không, nhân loại đã cảnh giác không thừa. Đây, ở bệnh viện (BV) Hoài Đức, Hà Nội, thuộc một nước khoa học kém phát triển, đã có một cuộc nhân bản độc nhất vô nhị. “Chỉ lướt qua trong tháng 8/2012, có những kết quả xét nghiệm “được dùng chung” cho những người khác xa nhau về tuổi: Đó là trường hợp của bà Lương Thị Máng (64 tuổi, ở xã Song Phương) và cháu Nguyễn Quảng (sáu tuổi, Lại Yên); cháu Nguyễn Ngọc Diệu (11 tháng tuổi, Tiền Yên) và ông Nguyễn Trí Mạng (66 tuổi, Song Phương); cụ Phạm Sáu (82 tuổi, Cát Quế) và cháu Vương Anh (bốn tháng tuổi, Di Trạch); cụ Nguyễn Châu (80 tuổi, Song Phương) và cháu Nguyễn Trang (22 tháng tuổi, Đức Thượng)...” (theo báo Lao Động).

Đây chỉ là con số “lướt qua” của tháng 8/2012, nhưng người ta đã kịp “nhân bản” hàng ngàn cặp như thế trong suốt một năm qua! Một phiếu xét nghiệm huyết học ở BV này đã được “nhân bản” để dùng luôn cho hai-năm bệnh nhân lao phổi, áp-xe cạnh hậu môn, viêm ruột thừa...(!)

Nhan ban vo cam

Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau
nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau - Ảnh tư liệu Tuổi Trẻ

Qua vụ án động trời đang bị khởi tố điều tra này, những vị y bác sĩ và kỹ thuật viên BV Hoài Đức ngay thủ đô Hà Nội đã chứng minh là con người có thể làm được tất cả những gì họ muốn. Động cơ của đám “lương y như hổ báo” này là gì? Có thể là muốn có thật nhiều tiền, tăng lợi nhuận khủng cho cỗ máy xét nghiệm tư nhân đã được hùn vốn đầu tư. Có thể là lười biếng, muốn nhàn thân nên coi mạng người như cỏ rác. Có thể tắc trách giao việc cho kẻ bất lương, dốt nát mà không ngó mắt tới. Cái gì cũng có thể suy ra khi người ta dám làm một việc vừa tàn ác vừa liều lĩnh như thế.

Nhưng nguyên nhân sâu xa nhất và bao trùm nhất là người ta không còn coi đồng loại là những con người có quyền được chữa bệnh để giành quyền sống. Thói vô cảm, “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi” được nhân bản bằng kỹ nghệ photocopy hiện đại. Đưa lên máy và thế là, mấy giây sau bỗng nhiên có hàng trăm, hàng ngàn con người có nhóm máu, chỉ số bệnh giống nhau (liệu có ca AIDS nào không?), sẽ được điều trị như nhau, có thể nuôi bệnh dài dài và cầm chắc cái chết như nhau. Tất nhiên, lành bệnh hay ra nghĩa trang, bản thân họ hoặc quỹ bảo hiểm sẽ phải trả tiền cho những tai vạ bị máy photo trút lên đầu đó. Họ là ai? Là những nông dân, công nhân nghèo đói, những cựu binh mang bệnh từ chiến trường, những người tin tưởng vào y đức luôn được đề cao của thầy thuốc xã hội chủ nghĩa. Họ được đối xử như những kẻ nộp tiền, những con cừu cho lông làm len sưởi ấm da thịt người khác.

Thì ra, không cần phát triển kỹ thuật cao cấp cỡ viện Rosin, lòng tham tiền cùng sự vô trách nhiệm, người ta vẫn có thể nhân bản hàng loạt bệnh nhân bằng tính vô cảm! Mà tính vô cảm thì đã quá thừa thãi trong xã hội ngày nay. Người ta nhắm mắt lại trước một tai nạn vì sợ tai bay vạ gió, người ta thản nhiên đi qua chiếc tàu đắm và không quay lại cứu đồng nghiệp, người ta đang “quay lưng lại nỗi đau của đồng loại và chỉ chăm chăm liếm láp bộ lông của mình”.

Vụ án này chắc sẽ trừng phạt được một số cá nhân phạm tội. Nhưng bà Bộ trưởng và ngành y tế nước nhà hãy “rùng mình” một phút trước y đức suy đồi với thói vô cảm, kiểu thầy thuốc không khám đã cho đơn, nuôi bệnh, móc ngoặc với người bán thuốc, người mua máy v.v... không chỉ được “nhân bản” một cách lộ liễu ở BV Hoài Đức. 

NGUYỄN QUANG THÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI