Nhà thiết kế phục trang Phan Ngọc Tuấn: Luôn yêu sân khấu và trẻ con

10/05/2023 - 06:38

PNO - Với chương trình Ngày xửa ngày xưa của sân khấu IDECAF, bên cạnh câu chuyện hấp dẫn và tài hóa thân của nghệ sĩ, phần được các em nhỏ háo hức chờ đợi không kém là tạo hình nhân vật với những bộ trang phục độc đáo. “Khoác áo” cho các nhân vật trong thế giới tuổi thơ đó là Phan Ngọc Tuấn - người phụ trách phục trang cho sân khấu IDECAF 26 năm qua.

34 số Ngày xửa ngày xưa - 34 giấc mơ

Phan Ngọc Tuấn không tự nhận là nhà thiết kế khi là “tay ngang” đến với nghề. Anh xuất thân là diễn viên múa rồi có thời gian làm việc tại đoàn múa rối TPHCM trước khi gia nhập sân khấu IDECAF vào năm 1997. Vì thiếu người nên ngoài diễn rối, dựng múa, anh cũng tham gia làm trang phục diễn, ai ngờ phát lộ năng lực mới và được tin tưởng giao luôn công việc này. 

Biên đạo, nhà thiết kế phục trang sân khấu Phan Ngọc Tuấn
Biên đạo, nhà thiết kế phục trang sân khấu Phan Ngọc Tuấn

Năm 2000, chương trình Ngày xửa ngày xưa (NXNX) ra đời, Phan Ngọc Tuấn càng có thêm “đất dụng võ”. Anh chia sẻ: “Tôi tham gia sinh hoạt thiếu nhi từ nhỏ, lớn lên đi làm lại gắn với trẻ con nhiều năm nên như “cá gặp nước”. Làm NXNX thích lắm, thấy thoải mái tinh thần trong sáng tạo, toàn tâm toàn ý cống hiến cho không gian trẻ thơ”.

Với anh, trải nghiệm 34 số NXNX như đi qua 34 giấc mơ mà trong đó những bộ trang phục với màu sắc, hình thức thể hiện phải luôn được tìm tòi, sáng tạo mới. “Chương trình NXNX may mắn có ê kíp rất đồng lòng. Nhà sản xuất tạo mọi điều kiện cho mình sáng tạo. Đạo diễn, các diễn viên cùng chia sẻ ý tưởng. Đặc biệt là nhóm diễn viên của nhà hát múa rối Nụ Cười luôn sát cánh cùng mình. Ngoài lực lượng này, không nhà may nào có thể đảm nhận số lượng đồ sộ những phục trang cầu kỳ, phức tạp như thế” - anh cho biết

Trên sân khấu NXNX, đã xuất hiện nhiều nền văn hóa, như: Nga (Chú bé Khoai Lang Tây và 3 bà tiên), Nhật Bản (Chuyện thần tiên xứ Phù Tang), Hàn Quốc (Huyền thoại nữ thần Lee Kim Chi), Thái Lan (Chàng Lang Thang và nàng Tùy Tiện), Tây Tạng (An Ly và thần băng giá), Hy Lạp (Cuộc chiến của ông kẹ và các bà mẹ)… Mỗi bối cảnh văn hóa, Phan Ngọc Tuấn nghiên cứu rất kỹ, lựa chọn thời điểm cũng như vùng miền thể hiện, từ phục trang bản địa mà cách tân phù hợp để vừa tôn vinh nền văn hóa đó vừa có dấu ấn riêng. Điển hình như hình ảnh nữ thần nhảy múa do Nghệ sĩ ưu tú Thành Lộc thể hiện trong bộ kimono ngắn, cắt xẻ linh hoạt cho nghệ sĩ dễ thao tác của vở Chuyện thần tiên xứ Phù Tang rất được yêu thích và được nhiều bạn trẻ may theo. 

Nghiêm túc và không ngừng học hỏi

Ngoài phục trang NXNX, các vở diễn lịch sử trên sân khấu IDECAF như Bí mật vườn Lệ Chi, Ngàn năm tình sử, Vua thánh Triều Lê… đều mang đậm dấu ấn sáng tạo của Phan Ngọc Tuấn. Sân khấu diễn xa tầm mắt khán giả nên anh không chăm chút, tỉ mỉ về mặt chi tiết, hoa văn mà chọn phương pháp phối hợp màu sắc hoặc điểm nhấn cần thiết để làm nổi bật đặc trưng trang phục.  

Phần phục trang của vở kịch lịch sử Ngàn năm tình sử nổi bật bởi các tông màu trong từng giai đoạn cuộc đời nhân vật
Phần phục trang của vở kịch lịch sử Ngàn năm tình sử nổi bật bởi các tông màu trong từng giai đoạn cuộc đời nhân vật

“Với nguồn tư liệu ít ỏi về trang phục lịch sử để lại, tôi chọn hướng an toàn là dùng màu sắc chứ không đi vô tiểu tiết. Như vở Ngàn năm tình sử, không có hoa văn nào trên quần áo các nhân vật. Phần đầu bối cảnh ở làng gốm thì chỉ dùng một sắc xanh là màu chất liệu cát làm nên gốm thời Nhà Lý. Còn phần 2 ở triều đình thì tông màu của chất liệu cát trắng làm nên các vật dụng của vua chúa. Tương tự, vở Bí mật vườn Lệ Chi cũng chỉ 2 tông màu trắng đen cho 2 phe đối đầu nhau chứ không có hoa văn chi tiết…” - Phan Ngọc Tuấn cho biết.

Là “tay ngang” nên anh luôn ý thức tự học hỏi, chủ động nâng cao tay nghề. Người trong giới thường xuyên bắt gặp anh ở nhiều sân khấu, cả kịch nói, cải lương, hát bội lẫn xiếc, múa. Cũng hiếm ai theo dõi các kỳ liên hoan, hội diễn sát sao như anh, dù tổ chức ở xa, sắp xếp được anh đều đi xem. 

Có dịp đi nước ngoài, anh cũng tranh thủ xem các sô diễn. Mới đây, Phan Ngọc Tuấn và các đồng nghiệp tại sân khấu IDECAF đã đến Singapore xem vở nhạc kịch Frozen. “Xem nhiều sân khấu các nước, thấy sân khấu mình còn thiếu nhiều thứ lắm. Phục trang của họ từ chất liệu đã rất chuyên nghiệp, mọi thứ đều có chất lượng tốt nhất chứ không phải “liệu cơm gắp mắm”, tìm đủ loại thay thế sao cho tiết kiệm nhất như mình” - anh chia sẻ.

Càng nhìn ra hạn chế lại càng hun đúc nhiệt huyết với nghề, đòi hỏi Phan Ngọc Tuấn càng tìm tòi, sáng tạo nên những bộ trang phục bắt mắt, độc đáo với chi phí thật phải chăng. Đó không chỉ là yêu cầu công việc mà vì anh mê sân khấu và nhất là rất yêu trẻ con. 

Ninh Lộc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI