Nhà giáo TPHCM hiến kế cho lãnh đạo thành phố trong phát triển giáo dục

20/11/2022 - 18:22

PNO - Nhiều nhà giáo tiêu biểu TPHCM đã mạnh dạn hiến kế cho lãnh đạo thành phố những quyết sách nhằm phát triển giáo dục và đào tạo thành phố tại Chương trình lãnh đạo TPHCM gặp gỡ nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022) sáng 20/11 do Thành ủy TPHCM tổ chức.

Kiến nghị thêm chính sách chăm lo đời sống tinh thần giáo viên 

Tại buổi gặp mặt, cô Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1) nhìn nhận, cơ sở vật chất, kinh phí hỗ trợ đào tạo giáo viên hiện nay còn hạn chế, đặc biệt với cấp THCS khi để đào tạo bài bản chuyên môn cho giáo viên giảng dạy các môn mới theo hướng tích hợp cần một nguồn kinh phí lớn. Các môn mới hoàn toàn như Chương trình địa phương, Trải nghiệm - hướng nghiệp do giáo viên nhiều bộ môn đảm nhiệm, chưa có nguồn giáo viên được đào tạo chuyên nghiệp. Đời sống đội ngũ giáo viên còn nhiều khó khăn.

Hiệu trưởng này mong mỏi được duy trì những chính sách hỗ trợ hiện tại và nhận được những chính sách hỗ trợ phù hợp trong thời gian sắp tới để giáo viên an tâm công tác. Cần có thêm chính sách chăm lo đời sống giáo viên, bao gồm đời sống vật chất và đời sống tinh thần.

"Thu nhập bình quân của giáo viên hiện nay không cao, nhiều giáo viên gặp khó khăn trong đời sống, đặc biệt là giáo viên trẻ với hệ số lương thấp. Việc tăng lương cho giáo viên là hết sức cần thiết.

Tăng lương tuy không giải quyết triệt để khó khăn hiện nay của thầy cô, nhưng chắc chắn là nguồn động lực to lớn, cho thấy sự quan tâm chăm lo thiết thực đến đời sống của thầy cô giáo. Ngoài ra, hiện nay áp lực công việc, áp lực xã hội đè nặng lên đôi vai giáo viên, sự quan tâm, khích lệ, động viên tinh thần từ các cấp lãnh đạo, xã hội đến thầy cô sẽ tạo tâm thế thoải mái, tích cực cho thầy cô khi công tác" - cô Tâm kiến nghị.

Giải quyết tận gốc dạy thêm học thêm qua chính sách đãi ngộ là kiến nghị được PGS. TS Lê Minh Triết- Trưởng Khoa Toán- Ứng dụng, Trường ĐH Sài Gòn, Công dân trẻ tiêu biểu TPHCM năm 2021 gửi gắm đến lãnh đạo thành phố dịp 20/11 năm nay. 

Theo ông, chính sách đãi ngộ cho giáo viên, đặc biệt là giáo viên trẻ mới ra trường bám trụ được với nghề giáo sẽ tạo cơ chế cho giáo viên, giảng viên trẻ phát huy tính sáng tạo. Đây cũng là gốc giải quyết các vấn đề dạy thêm, học thêm khi đảm bảo mức sống cho thầy cô.

Nhà giáo TPHCM kiến nghị thành phố duy trì các chính sách đãi ngộ hiện có và có thêm những chính sách chăm lo mới
Nhà giáo TPHCM kiến nghị thành phố duy trì các chính sách đãi ngộ hiện có và có thêm những chính sách chăm lo mới

Cô Mai Kim Phượng- Hiệu trưởng Trường TH Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú) kiến nghị thành phố thường xuyên tổ chức các chuyên đề về phương pháp dạy học tích cực, các kĩ năng, kĩ thuật dạy học, kỹ năng vận dụng công nghệ thông tin trong dạy học đáp ứng việc chuyển đổi số trong dạy học. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị công nghệ thông tin làm công cụ hỗ trợ việc dạy học và xây dựng nguồn học liệu số trong nhà trường.

Kiến nghị xây dựng mô hình "Đặc khu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo"

PGS.TS Lê Văn Cảnh- Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế (ĐHQG TP.HCM) kiến nghị thành phố xây dựng mô hình "Đặc khu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo", trong đó có cơ chế đặc thù, đột phá về mặt quản lý khoa học, lấy hiệu quả khoa học làm thước đo đánh giá sự thành công.

Theo PGS.TS Lê Văn Cảnh, thành phố đã có chính sách trả lương cho các nhà khoa theo Quyết định số 17/2019/QĐ-UBND, tuy nhiên nếu yêu cầu làm việc hành chính theo quy định hiện nay tại các Viện của thành phố thì chính sách sẽ khó phát huy hiệu quả. Bởi ngoài công tác nghiên cứu, các nhà khoa học còn có nhu cầu giảng dạy và đào tạo sau đại học, xây dựng lực lượng các nhà khoa học trẻ.

PGS.TS Lê Văn Cảnh kiến nghị xây dựng mô hình Đặc khu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
PGS.TS Lê Văn Cảnh kiến nghị xây dựng mô hình "Đặc khu khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo"

"Đội ngũ nhà khoa học của đặc khu không nhất thiết phải là cơ hữu mà chủ yếu là các nhà khoa học học đầu ngành ở các trường đại học trên địa bàn thành phố liên kết hợp tác, chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm theo các chương trình của thành phố. Cơ chế chính sách hỗ trợ vẫn theo Quyết định số 17"- PGS. TS Lê Văn Cảnh đề xuất. 

Nói thêm về công tác hướng nghiệp và hội nhập quốc tế trong giáo dục phổ thông, PGS.TS Lê Văn Cảnh nhận định, công tác hướng nghiệp bậc THPT đã được chú trọng trong những năm gần đây, tuy nhiên cần nâng cao hiệu quả thông qua các hoạt động STEM, tuần lễ kiến tập tại các trường đại học, giúp học sinh có những trải nghiệm thực tiễn về ngành nghề cũng như làm quen với môi trường học tập ở đại học. Ngoài ra, hội nhập quốc tế trong giáo dục phổ thông cũng cần được quan tâm đẩy mạnh hơn, hoạt động giao lưu trao đổi văn hóa cần được tổ chức thường xuyên hơn. Giáo dục ý thức và phổ biến các nội dung của phát triển bền vững cũng cần được triển khai ở bậc phổ thông.

"TPHCM sẽ sớm trở thành một Mega City trong tương lai gần, đặt ra yêu cầu về đội ngũ chuyên môn được đào tạo bài bản về quản lý đô thị đặc biệt. Hiện nay, chưa có chương trình đào tạo trong nước nào đáp ứng được yêu cầu trên, nếu được thành phố đặt hàng và ĐHQG TPHCM cho chủ trương, Trường ĐH Quốc tế sẽ xây dựng chương trình đào tạo về quản lý đô thị thông minh có sự tham gia hỗ trợ các đối tác quốc tế"- PGS. TS Lê Văn Cảnh đề xuất thêm.

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI