Nguy hiểm khi để trẻ trầm cảm quản lý thuốc

01/06/2021 - 06:35

PNO - Không ít phụ huynh có con ở độ tuổi vị thành niên mắc các chứng rối loạn về tâm lý thường để con tự quản lý và uống thuốc trị bệnh. Sự chủ quan này từ phía người lớn đã dẫn tới hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Trẻ trầm cảm tự tử bằng thuốc điều trị bệnh

Cách đây vài ngày, bệnh nhi trầm cảm P.T.M.A., học sinh lớp Sáu, ngụ tại tỉnh Tiền Giang đã tự uống 39 viên thuốc chữa bệnh gout của cha và 10 viên thuốc điều trị trầm cảm của mình. Rất may mắn, gia đình A. phát hiện sớm, lập tức đưa em tới cơ sở y tế địa phương cấp cứu. Sau khi sơ cứu, A. được chuyển lên Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM). Được cứu sống nhưng bệnh nhi vẫn phải trải qua thời gian điều trị tâm lý để phòng ngừa nguy cơ tái tự tử xảy ra. 

Bệnh nhân mắc các chứng rối loạn về tâm lý tâm thần nói chung cần được người nhà giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc
Bệnh nhân mắc các chứng rối loạn về tâm lý tâm thần nói chung cần được người nhà giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc

Khi tìm hiểu nguyên nhân, tiến sĩ - bác sĩ Đinh Thạc, Trưởng khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1, phát hiện từ hai tháng nay, cô bé được điều trị bằng thuốc chống trầm cảm. Thấy A. vẫn tỉnh táo, lanh lẹ và sinh hoạt bình thường nên cha mẹ giao luôn thuốc và dặn con tự uống theo chỉ định của bác sĩ. Trong một lần cự cãi với gia đình, không làm chủ được cảm xúc, A. đã dùng thuốc điều trị bệnh để làm tổn thương chính mình.

Bác sĩ Đinh Thạc vô cùng ngạc nhiên sau khi tiếp nhận điều trị tâm lý cho các trường hợp là trẻ vị thành niên lạm dụng thuốc trầm cảm để tự tử. Những ca này đều có chung đặc điểm là có nền bệnh rối loạn lo âu và đang được điều trị bằng thuốc. Thế nhưng, điểm đáng lưu ý là cha mẹ các em lại giao luôn việc quản lý và uống thuốc cho con. Chính sự chủ quan này đã tạo điều kiện để các bé dễ dàng thực hiện hành vi dại dột. 

Tình trạng trẻ mắc bệnh trầm cảm tự uống thuốc quá liều không hề hiếm. Trước trường hợp của A. không lâu, Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng ghi nhận bệnh nhi N.T.L., học sinh lớp Chín, ngụ tại huyện Bình Chánh. L. bị rối loạn cảm xúc và nhân cách, đang điều trị bằng thuốc Fluoxetine liều 1 viên 10mg/ngày theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa tâm thần ở một cơ sở y tế tư nhân. Cha mẹ mua thuốc theo toa bác sĩ, để ở hộc tủ và dặn con mỗi ngày tự lấy uống một viên.

Sau một lần tranh luận với cha, L. yêu cầu được chuyển trường nhưng không được đáp ứng, vì chẳng còn bao ngày nữa là kết thúc năm học, nên cô bé đã mở tủ lấy 15 viên thuốc trầm cảm của nửa tháng còn lại uống luôn một lúc.

Thấy con xuất hiện triệu chứng lờ đờ, buồn nôn, mẹ L. vào lục tủ thì phát hiện thuốc đã hết sạch, vội vàng đưa em đi cấp cứu. L. được cho thở ô-xy, truyền dịch, làm các biện pháp hỗ trợ đào thải thuốc.

Dù em đã qua cơn nguy kịch nhưng nếu người nhà không rút kinh nghiệm về cách giám sát, quản lý thuốc thì tình huống kể trên rất có thể sẽ tái diễn. Lúc đó, sự trả giá nghiêm trọng nhất chính là tính mạng của con cái.

Cần giám sát người bệnh sử dụng thuốc

Theo bác sĩ Thạc, thuốc trầm cảm thuộc nhóm an thần, có tác dụng giúp bệnh nhân hưng phấn hơn, kiểm soát được các cảm xúc lo âu và ngủ ngon. Tuy nhiên, một điểm cần lưu ý là trong giai đoạn đầu khi điều trị bằng thuốc này bệnh nhân sẽ có nguy cơ tự tử cao hơn bình thường do tác dụng của thuốc khiến người bệnh kiểm soát được cơn sợ hãi, từ đó họ có xu hướng trở nên liều lĩnh. Nhiều phụ huynh tin tưởng rằng, con mình đã lớn, có thể tự lo được việc uống thuốc. Đây là sự chủ quan nghiêm trọng, vì con còn đang bất ổn tâm lý sẽ không làm chủ được hành vi của bản thân. 

Thông thường, các bác sĩ kê toa trầm cảm sẽ cho thuốc uống trong một tháng. Đối với Fluoxetine, liều tối đa là 60mg/ngày (với trẻ em khoảng 10mg/ngày). Uống quá liều sẽ gây ngộ độc thuốc, nhẹ thì suy gan - thận cấp, còn nặng hơn sẽ ảnh hưởng não bộ dẫn tới hôn mê và tử vong. Mặt khác, uống thuốc chống trầm cảm không theo chỉ định của bác sĩ còn có nguy cơ ảnh hưởng tới sự phát triển và tăng trưởng của trẻ. 

Không chỉ riêng trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên mà đối với tất cả bệnh nhân mắc các chứng rối loạn về tâm lý tâm thần nói chung cần được người nhà giám sát chặt chẽ việc sử dụng thuốc. Hãy cất thuốc trong tủ có chìa khóa. Khi tới cữ, người nhà lấy thuốc đưa tận tay, nhìn người bệnh uống trước mặt mình. 

Bác sĩ Đinh Thạc cho biết, tại Việt Nam có khoảng 8-29% trẻ trong độ tuổi vị thành niên gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Năm 2020, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) ghi nhận 11 ca khám ngoại trú và 20 ca nội trú do tổn thương tâm lý sau tự tử.

Thanh Huyền

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI