Nguy cơ bị vợ con quên

11/09/2022 - 15:36

PNO - Không hiếm những bà vợ có chồng bên cạnh mà như mẹ đơn thân, vì chuyện lớn, nhỏ đều một tay bà lo.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 
Trong một bộ phim của Hàn Quốc, có anh làm nghề quan trắc khí tượng thủy văn, công tác xa nhà 14 năm, từ khi vợ anh mang bầu đứa con gái. Hằng tháng anh về thăm vợ con một lần, thấy vợ con đều ổn... 

Một hôm, sếp ngỏ ý muốn chuyển anh về văn phòng chính ở thủ đô. Sếp muốn anh thay vị trí cô trưởng phòng quản lý chuẩn bị đi du học, và sếp cũng muốn anh “đoàn tụ” vợ con. Mới nghe lời đề nghị của sếp, anh liền phản ứng: “Tôi thấy công việc của tôi hiện giờ rất ổn, lâu quá rồi không làm việc văn phòng, tôi e không đảm đương nổi”. Sếp nhìn anh và nói: “Tôi sợ anh xa nhà lâu quá, vợ con quên anh”. 

Chỉ vì câu ấy, anh quyết định nhận công việc mới. Điều đáng suy nghĩ, về lại nhà mà với anh như một bước ngoặt lớn trong đời, đó là sự không thân thiện của vợ và con gái.  

Đầu tiên là với cô con gái 14 tuổi, lứa tuổi nhiều chuyển biến tâm sinh lý phức tạp. Ví dụ như cô bé hơi hoảng và khó chịu khi trong nhà thường xuyên có một người đàn ông mặc quần ngắn, áo may ô đi ra đi vào. Bà vợ kéo ông chồng nói nhỏ: “Trong nhà có con gái lớn, anh ăn mặc ý tứ một chút”. Ông chồng ngạc nhiên: “Thì hồi nào đến giờ vẫn mặc vậy trong nhà mà”. 

Ông luôn muốn gần gũi con gái, nhưng càng gần, con bé càng tránh. Một hôm, cô bé ngồi trên sofa đọc trong điện thoại cái gì đó và cười. Ông đến ngồi bên nói với con gái, kiểu kiếm câu chuyện làm quà, mong muốn gần gũi với con hơn: “Con đang xem cái gì thú vị vậy, cho ba xem với!”, rồi ông nghiêng đầu ghé mắt vào điện thoại. Thật ra chỉ là một động tác muốn thân mật với con hơn, nhưng cô bé quay sang giận dữ: “Sao ba lại nhìn vào điện thoại của người ta?”.

Ông nhìn con: “Ba với con mà sao gọi là người ta?”. Cô bé đi vào phòng đóng sầm cánh cửa. 
Một lần, ông muốn giúp đỡ vợ làm bếp thì ông lại làm bể chén, đĩa. Cao trào là cuộc tranh cãi giữa hai vợ chồng. Ông trách rằng ông đã không làm gì sai 14 năm qua khi tiền lương ông chuyển đầy đủ, ông chỉ biết làm việc, không trăng hoa, chơi bời...

Lúc này bà vợ mới nói ra những điều ẩn ức trong lòng: 

“Đúng, anh không có lỗi gì hết khi chọn công việc. Nhưng trong 14 năm qua anh đã làm gì? Khi em sinh con thì anh đi tập huấn ở nước ngoài. Anh về thì con gần giáp năm. Con bệnh đau, một mình em cõng con đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Những lần anh về thăm nhà chỉ là để ngủ rồi đi. Anh không biết hai mẹ con đã sống như thế nào trong 14 năm. Con học hành ra sao, môn nào yếu, môn nào giỏi, thế mạnh của con là gì, mơ ước của con ra sao... Việc làm chồng, làm cha đâu chỉ đơn giản mang tiền về rồi cứ nghĩ mọi thứ đều ổn”…

Chỉ là phim, nhưng dễ dàng thấy, ngoài đời thực không hiếm chuyện tương tự: những ông bố mất con, mất gia đình dù ngay cả khi họ hiện diện bên cạnh. Nhiều ông bố cứ nghĩ là đi làm mang tiền về là đủ, không làm điều gì có lỗi với vợ đã là quý hiếm rồi. 

Đúng, những ông chồng như vậy quả là của quý hiếm, nhưng, cuộc sống gia đình không đơn giản chỉ là cần các ông mang tiền về. Con cái cần cha bên cạnh. Ai tập cho con bơi, đi xe đạp, xe máy... tốt hơn người cha? Khi con còn nhỏ, cha là người bày trò chơi với con như cưỡi ngựa, đánh trận giả, hay chỉ vẽ con học hành... Không chỉ nhiệm vụ mà còn là trách nhiệm. 

Không hiếm những bà vợ có chồng bên cạnh mà như mẹ đơn thân, vì chuyện lớn, nhỏ đều một tay bà lo. Cái gánh của người phụ nữ càng nặng hơn khi người chồng đã thờ ơ với gia đình, con cái còn nặng nhẹ lời nói, nhậu nhẹt bê tha, bạo lực gia đình... 

Năm ngoái, một câu chuyện trên mạng đã khiến nhiều người bất bình. Một cô tâm sự rằng, chồng cô đã không chịu tiêm vắc-xin còn cấm cô không được tiêm. Khi dịch COVID-19 vừa tạm lắng xuống, anh ta bù khú bia bọt với bạn bè rồi nhiễm vi-rút và lây sang cô. Khi ấy cô đang mang thai tám tháng và con gái đầu mới ba tuổi. Lúc anh ta bị bệnh, cô săn sóc cho anh ta từ tô cháo đến nồi lá xông, vậy mà khi cô bị lây bệnh, anh ta không hề quan tâm. 

Mọi người nghe chuyện đều cho cô lời khuyên cố gắng vượt qua COVID-19 và sinh con mẹ tròn con vuông. Sau đó, nếu anh ta đổi tính, hồi tâm thì giữ gia đình, còn không thì chia tay. Ai cũng mong cô tìm ra một lối thoát.

Đàn ông thường có tâm lý “vợ con của mình rồi” thì mất sao được. Cái khó của đàn ông là họ không nhận ra hết những điều mà vợ con cần ở mình. Vì thế, bà vợ nên “thông báo các yêu cầu” đến ông xã một cách khéo léo. 

Kim Duy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI