Nguồn nước vùng mỏ sắt ô nhiễm, dân phập phồng sợ bị ung thư

09/05/2023 - 06:28

PNO - Cuộc sống của hàng ngàn hộ dân ở vùng mỏ sắt Thạch Khê (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) đang gặp vô vàn khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm.

Nước không sạch vẫn phải dùng

Nhìn vào bể nước mưa cạn trơ đáy, chị Phạm Thị Luận (xóm Tân Phúc, xã Thạch Khê, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) nói: “Tích trữ được ít nước mưa nhưng dùng hết rồi. Phải vài tháng nữa mới có mưa. Mùa này nghe chừng khó”. Để có nước tắm giặt, chị Luận phải bơm nước giếng khoan vào hệ thống lọc tự chế để “lắng lọc”. Hệ thống này gồm 3 thùng phi xếp theo tầng, mỗi tầng được bố trí 1 lớp lọc gồm đá cuội, than, màn…

Người dân xã Thạch Khê phải thường xuyên  vệ sinh bể lọc nước bám đầy váng bùn
Người dân xã Thạch Khê phải thường xuyên vệ sinh bể lọc nước bám đầy váng bùn

“Nước giếng khoan ở đây kinh khủng lắm, có màu vàng như nước chè và mùi hôi nên chúng tôi phải lọc rồi mới dám dùng. Nhưng lọc cũng không ăn thua, quần áo cứ đem giặt vài lần là ngả màu” - chị Luận nói. Phần lớn bà con ở đây đều dùng nước mưa để nấu ăn. Hết nước mưa, họ phải mua nước lọc đóng bình. Mỗi tháng chị Luận tốn gần 300.000 đồng tiền nước cho gia đình 5 người.

Không có điều kiện như chị Luận nên thỉnh thoảng bà Hoàng Thị Lan (xóm Tân Phúc) mới dám mua nước lọc về dùng. Nguồn nước để ăn uống của vợ chồng bà trông chờ vào chiếc bình lọc mini được tài trợ. Ngoài vườn, bên cạnh bể chứa nước mưa, vợ chồng bà Lan còn xây thêm 2 bể lọc nước giếng. “Dù đã lọc nhưng không sạch đâu. Tắm vẫn bị nổi mẩn ngứa, phải mua thuốc về bôi. Nhưng vẫn phải nấu lên mà ăn chứ sao” - bà Lan nói. Đây cũng là tình cảnh chung của phần lớn người dân ở xã Thạch Khê trong nhiều năm qua. Theo người dân địa phương, mỏ sắt xuất hiện khiến nguồn nước bị ô nhiễm, làm đảo lộn cuộc sống, mùa màng cũng bị ảnh hưởng. Để giải bài toán về nguồn nước, nhiều gia đình đã chung tiền để lên phía núi cao khoan tìm nguồn nước sạch, rồi lắp đặt máy bơm, đường ống đưa nước về nhà. Tuy nhiên, lượng nước sạch ấy cũng chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Vợ chồng bà Hoàng Thị Lan (xóm Tân Phúc, xã Thạch Khê) vệ sinh bình lọc nước mỗi ngày
Vợ chồng bà Hoàng Thị Lan (xóm Tân Phúc, xã Thạch Khê) vệ sinh bình lọc nước mỗi ngày

Ông Dương Minh Phúc (xóm Thanh Lan, xã Thạch Khê) cho hay, trước đây dân chỉ đào xuống 1m là đã có nước dùng thoải mái. Nhưng nay phải đào sâu tới 4m. “Mà cũng không mấy ai đào nữa, họ toàn phải khoan sâu cả chục mét. Nhưng xuống sâu thì nước bị nhiễm phèn nặng, không biết vì nguyên nhân gì. Tắm nước giếng bị nhiễm phèn rất dễ bị ngứa, nên nhiều nhà thường phải để sẵn lá mướp đắng rừng để trị ngứa” - ông Phúc nói.

Ngày càng nhiều người trẻ mắc ung thư

Vùng bãi ngang ven biển các xã Thạch Khê, Đỉnh Bàn… huyện Thạch Hà mấy chục năm nay khốn khổ khi sống cạnh mỏ sắt Thạch Khê. Do nằm trong khu vực quy hoạch mỏ sắt nên nhiều làng xóm từ lâu không được đầu tư về giao thông, văn hóa; đất đai cũng không được cấp sổ đỏ, chuyển đổi mục đích sử dụng hay tách khẩu; nhiều thế hệ trong các gia đình bất đắc dĩ phải sống chung với nhau… Rất nhiều chuyện bức xúc, nhưng nước sạch vẫn là chuyện cấp bách và bức xúc nhất. Bởi trong làng đã có nhiều người chết vì ung thư, lại chết trẻ, phần lớn đều là trụ cột gia đình, khiến dân càng thêm bất an.

Ông Lưu Xuân Đồng - Bí thư Đảng ủy xã Thạch Khê - cho hay, từ năm 2008 đến nay, xã có gần 50 người mắc bệnh ung thư, một nửa đã tử vong. “Những người chết vì ung thư ngày một trẻ hóa. Chưa rõ nguyên nhân gì, nhưng có những yếu tố khiến người dân nghi ngờ là nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm” - ông Đồng nói.

Lãnh đạo xã Thạch Khê cũng cho hay, kể từ khi mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động, người dân của xã đã chuyển từ “khó” sang “khổ”. Nguồn nước bị nhiễm phèn, nhưng không còn cách nào khác là phải chịu đựng, chờ đợi. Toàn xã có gần 1.500 hộ dân, nhưng chỉ có 400 hộ sống cạnh núi chủ động được nguồn nước nhờ khoan giếng, tìm mạch nước ngầm quanh núi, số còn lại trông chờ vào nước mưa. “Nguồn nước bị ô nhiễm cũng khiến việc sản xuất nông nghiệp của bà con gặp nhiều khó khăn. Mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì lo bị ngập. Mưa lớn, nước từ khu vực hồ khai thác quặng sắt tràn vào khiến cây trồng chết thối. Nhiều vụ lúa người dân phải gieo cấy tới 3 lần” - ông Đồng thông tin.

Ông Nguyễn Viết Hải - Chủ tịch UBND xã Đỉnh Bàn, huyện Thạch Hà - cho biết, hằng năm, các cơ quan chức năng đều về xã lấy mẫu nước để kiểm tra. “Họ thông báo toàn bộ nước giếng khoan ở xã này không đảm bảo, người dân không nên sử dụng để nấu ăn. Nhưng mới chỉ 1/3 người dân trong xã có nước máy, số còn lại sống nhờ nước mưa, hoặc đi mua nước từ các hộ khác về dùng. Thiếu nước, 1/4 trong gần 500ha đất nông nghiệp của xã cũng bị bỏ hoang, còn lại cũng chỉ sản xuất được 1 vụ mùa” - ông Hải cho hay. 

Ông Nguyễn Văn Sáu - Phó chủ tịch UBND huyện Thạch Hà - cho biết, 9 xã vùng bãi ngang của huyện đến nay mới chỉ có vài trăm hộ ở xã Đỉnh Bàn có nước máy. Sắp tới huyện sẽ lắp đặt đường ống dẫn nước từ nhà máy nước TP Hà Tĩnh về cho 2 xã. “Những xã còn lại, chúng tôi đang đề xuất để tỉnh đề xuất lên trung ương xây dựng 1 nhà máy nước tập trung với kinh phí khoảng 200 tỉ đồng” - ông Nguyễn Văn Sáu nói. 

Trong thời gian chờ đợi nước sạch, chính quyền huyện Thạch Hà lại tiếp tục điệp khúc khuyến cáo người dân tìm cách dự trữ nước mưa, hoặc nếu có điều kiện thì mua thêm máy lọc nước để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. 

Đề xuất tạm dừng dự án vì tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường

Mỏ sắt Thạch Khê có diện tích 4.821ha, nằm trên địa bàn 5 xã ven biển của huyện Thạch Hà gồm: Thạch Khê, Đỉnh Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị và Thạch Lạc. Dự án được triển khai năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 14.500 tỉ đồng, thời gian khai thác hơn 50 năm. Năm 2011, dự án phải tạm dừng để cơ quan quản lý thẩm định lại thiết kế kỹ thuật, tái cơ cấu cổ đông. Gần đây, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có báo cáo gửi trung ương đề xuất tạm dừng dự án với nhiều lý do như: công nghệ, kỹ thuật khai thác chưa phù hợp với đặc thù địa chất mỏ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động lớn đến môi trường…

Phan Ngọc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI