Người yêu là "con ngoan"

08/05/2025 - 18:00

PNO - Nếu sau cuộc trò chuyện, em chỉ nhận được câu trả lời mơ hồ cùng thái độ thụ động, có lẽ người ấy không đủ khả năng để bước tiếp cùng em cũng như em không thể đứng yên chờ anh ấy trong vô vọng.

Cô Hạnh Dung kính mến,

Em 26 tuổi, đang quen bạn trai hơn em 2 tuổi. Anh ấy hiền lành, thật thà, cư xử tử tế với em và cả gia đình em. Anh không rượu chè, không chơi bời gì cả. Nói một cách công bằng, anh là người đàn ông nhiều phụ huynh sẽ ưng vì “ngoan”.

Nhưng điều khiến em băn khoăn là anh quá phụ thuộc vào ba mẹ. Anh đang làm ở cửa hàng tạp hóa của gia đình, công việc bình bình, cố định giờ giấc nhưng không có thu nhập riêng, không có tương lai.

Mỗi tháng, ba mẹ cho anh vài triệu đồng để tiêu xài. Chuyện ăn gì, mua gì, đi đâu cũng phải hỏi ý kiến. Nhiều lần em muốn rủ anh đi đâu đó, chỉ cần hơi xa thành phố là anh ngập ngừng vì “để hỏi ba mẹ đã”. Một đôi giày mới hay cái điện thoại hư cũng phải chờ ba mẹ duyệt.

Riết rồi em mới nhận ra vì chuyện tiền bạc này mà anh sống rất thiếu tự tin. Tuy nhiên, cũng vì ba mẹ đã già yếu, anh lại là con một nên chắc chắn chỉ có anh mới có thể phụ giúp gia đình

Khi em hỏi về tương lai, anh nói sau này sẽ quản lý cửa hàng của gia đình vì anh là con trai duy nhất. Nhưng “sau này” là khi nào? Em không thấy anh chủ động học thêm gì để mở rộng việc buôn bán hay có kế hoạch riêng. Em thấy lo vì nếu cưới nhau về, liệu có phải từng đồng mua sữa, mua tã cho con cũng phải chờ ba mẹ phát tiền?

Thú thật, em không phải người tham vọng, cũng không cần đàn ông quá giàu nhưng em cần một người biết lo và tự chủ. Em muốn cùng nhau vun đắp chứ không phải là dựa dẫm mãi vào ba mẹ rồi chờ đợi một tương lai mơ hồ.

Theo cô, một người đàn ông tốt tính nhưng quá lệ thuộc ba mẹ có thể là chỗ dựa an toàn cho em đi đường dài? Hay em đang tự lừa dối bản thân rằng “sau này anh sẽ khác”?

Em đang đứng giữa 2 sự lựa chọn: yêu tiếp và hy vọng hoặc dừng lại để tìm một người thực sự trưởng thành. Em mong sớm nhận được lời khuyên. Chân thành cảm ơn cô.

Quỳnh Nhi

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Quỳnh Nhi thân mến,

Bạn trai em tốt tính, tử tế, yêu thương gia đình - đó là những phẩm chất đáng quý. Thế nhưng, những điều đó chưa đủ để đảm bảo cho một gia đình tương lai nếu chàng trai đó thiếu điều cốt lõi: năng lực sống độc lập và tư duy trưởng thành.

Em không sai khi băn khoăn về cách sống của người yêu. Một người đàn ông 28 tuổi mà vẫn sống theo mô hình “con ngoan của ba mẹ”, không có thu nhập ổn định, không có kế hoạch rõ ràng cho tương lai thì dù hôm nay có tốt với em đến đâu cũng khó lòng là bờ vai vững chắc cho em vào ngày mai.

Trong đời sống hôn nhân, cơm áo gạo tiền và sự đồng hành về tư duy, trách nhiệm mới là những điều quan trọng nhất. Đó là chưa kể đến áp lực tài chính khi nuôi con trong thời đại ngày nay.

Dù bạn trai em có hoàn cảnh riêng khiến anh ấy mang nhiều trách nhiệm gia đình nhưng trách nhiệm không đồng nghĩa với cuộc sống lệ thuộc. Người trưởng thành biết cách chăm sóc cha mẹ, đồng thời tự đứng trên đôi chân mình, kể cả khi làm việc trong chính cửa hàng của gia đình.

Em hãy thẳng thắn trò chuyện với bạn trai để biết liệu anh ấy có nhận ra mình đang “dậm chân tại chỗ”, có mong muốn thay đổi, có dự định cụ thể nào... hay em chính là người duy nhất đang nhìn về phía trước.

Nếu bạn trai em cùng có những băn khoăn như em nhưng chưa tìm thấy lối ra, em hãy đồng hành, nâng đỡ, động viên anh ấy.

Hãy thảo luận và cùng anh ấy lựa chọn phương pháp tối ưu để cha mẹ anh ấy được yên tâm nghỉ ngơi còn chính anh ấy phải tìm kiếm cơ hội để phát triển bản thân, làm điều mình thích và xác định vị trí của mình trong xã hội.

Trong trường hợp anh ấy thật sự yêu thích việc kinh doanh tại nhà, cần có kế hoạch phát triển độc lập và được cha mẹ ủng hộ, trao quyền để có thể làm người con có hiếu đúng nghĩa đồng thời là trụ cột của một gia đình nhỏ.

Nếu sau cuộc trò chuyện, em chỉ nhận được câu trả lời mơ hồ cùng thái độ thụ động, có lẽ người ấy không đủ khả năng để bước tiếp cùng em cũng như em không thể đứng yên chờ anh ấy trong vô vọng. Khi đó, hẳn em biết nên làm gì.

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI